11:11 28/02/2022

Tự doanh xả mạnh trong tuần Nga - Ukraine xung đột, cổ phiếu nào bị bán nhiều nhất?

An Nhiên

Trái ngược với sự hưng phấn "tin xấu nhất đã ra là thời điểm gom hàng" của nhà đầu tư, tự doanh đã có 4/5 phiên bán ròng trong tuần giao dịch vừa qua...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tuần vừa qua (21/2-25/2) là một tuần giao dịch nhiều thăng trầm với nhà đầu tư trong bối cảnh Nga - Ukraine xung đột căng thẳng với diễn biến gần nhất là Tổng thống Nga Putin ngày 24/2 tuyên bố mở chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực miền Đông của Ukraine. Tình hình vẫn trở nên phức tạp cho đến thời điểm hiện tại.

Dù được đánh giá là không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng tác động lên tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn vẫn có. Thị trường chứng kiến phiên điều chỉnh nhẹ ngay sau đó phục hồi với thanh khoản gần sát kỷ lục cũ hơn 40 tỷ đồng được khớp trong một phiên. Tuy nhiên, trái ngược với sự hưng phấn "tin xấu nhất đã ra là thời điểm gom hàng" của nhà đầu tư, tự doanh đã có 4/5 phiên bán ròng.

Tổng giá trị bán ròng của khối này trong tuần qua lên đến 400 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trong tuần qua là VHM với giá trị 117 tỷ đồng; VRE đứng thứ hai với giá trị bán ròng 88 tỷ đồng; tiếp theo là MWG với giá trị 87 tỷ đồng; HPG 77 tỷ đồng.

Xét theo nhóm ngành thì bán lẻ là nhóm bị bán nhiều nhất với tổng giá trị lên đến 245 tỷ đồng. Nhóm thép được đánh giá là hưởng lợi khi Nga - Ukraine căng thẳng song tự doanh cũng đã bán mạnh HPG và HSG. Nhóm bất động sản gồm VHM, VIC, HQC, NKG, DXG cũng bị lôi ra bán. Tương tự, tự doanh cũng bán mạnh dầu khí phân bón gồm GAS, DGC và PVT.

Giao dịch tự doanh tuần giao dịch 21/2-25/2.
Giao dịch tự doanh tuần giao dịch 21/2-25/2.

Ở chiều ngược lại, FUEVFVND được mua ròng với giá trị 137 tỷ đồng; E1VFVN30 được mua 112 tỷ đồng; CII đứng thứ ba với giá trị mua ròng 37 tỷ đồng; TCB là 27 tỷ đồng.PLX và PVD cũng được gom ròng với giá trị lần lượt là 25 với 11 tỷ đồng.

Trước đó, trao đổi với VnEconomy, các chuyên gia đều cho rằng căng thẳng Nga - Ukraine không ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán. Do đó, bất cứ nhịp điều chỉnh ngắn hạn nào cũng là cơ hội để mua vào cổ phiếu tốt, được hưởng lợi từ cuộc xung đột này như nhóm dầu khí, phân bón, thép. Trong dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rẻ, cơ hội khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục sau dịch và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng lên đến 20%.