Tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn rất cao
Theo Bộ Y tế, mặc dù tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã giảm song vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Công tác phòng chống tác hại thuốc lá vì thế còn nhiều khó khăn, thách thức...
Bộ Y tế cho biết theo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm, từ 47,4% năm 2010, xuống còn 38,9% năm 2023.
Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013, xuống còn 2,78% năm 2019; ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (2014), xuống còn 1,9% (2022). Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới.
Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện, như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá hút Shisha..., đang làm gia tăng trong tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này ở đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ.
“Khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi, làm cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam càng gặp khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam là một trong số các quốc gia thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc ký kết tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11/11/2004, và thông qua Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào ngày 18/6/2012.
Sau khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, các nhóm giải pháp về phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai đồng bộ trên toàn quốc như: Truyền thông, giáo dục về phòng, chống tác hại thuốc lá; thực hiện môi trường không khói thuốc lá; chính sách về thuế thuốc lá; cảnh bảo sức khoẻ; cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ các sản phẩm thuốc lá, cai nghiện thuốc lá…
TS.BS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng thông tin sử dụng thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động.
Tại Việt Nam, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…, là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta.
Cũng theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, việc sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, cao gấp 10 lần so với tử vong do tai nạn giao thông gây ra.
Về thiệt hại của sử dụng thuốc lá liên quan đến kinh tế, theo ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Qua khảo sát của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tại 700 cơ sở khám chữa bệnh, cho thấy chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Hiện có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại khu vực ASEAN, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan đã ban hành lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trong khi Indonesia, Malaysia và Philippines - những quốc gia đã nhượng bộ trước áp lực của ngành công nghiệp thuốc lá, cho phép bán và quảng cáo các sản phẩm gây hại và gây nghiện này đang gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với tình trạng hút thuốc điện tử ở giới trẻ.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên xem xét bài học từ các quốc gia khi quyết định cấm hay quản lý các sản phẩm thuốc lá này.