Vaccine Covid-19 dạng xịt của Nga hiệu quả đối với tất cả các biến thể
Y tế Nga mới đây đã thông báo hiệu quả vượt trội của loại vaccine ngừa Covid-19 mà nước này bào chế, trong đó có vaccine Sputnik phiên bản dành cho trẻ em và vaccine dạng xịt mũi mà Tổng thống Vladimir Putin đã dùng làm liều tăng cường…
Bộ Y tế Nga đã đăng ký cấp phép cho loại vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi đầu tiên trên thế giới này vào tháng 4 năm nay. Tháng 11/2021, Tổng thống Vladimir Putin đã tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine này, sau 6 tháng tiêm 2 liều vaccine Sputnik V. Ông cho biết bản thân không gặp bất kỳ phản ứng phụ nào sau đó.
Nga cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký cấp phép vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 8/2020. Bộ Y tế Nga cũng đã đăng ký cấp phép cho loại vaccine dành riêng cho thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi mang tên Sputnik M. Đồng thời, nước này đang thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik dành cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi.
Hôm qua, ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Nga, đã tuyên bố trên tờ Sputnik News rằng vaccine xịt mũi đã chứng minh hiệu quả đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2, đồng thời hình thành khả năng miễn dịch tại niêm mạc mũi đối với mầm bệnh.
Theo cơ quan y tế Nga, vaccine Sputnik dạng xịt chứa hai thành phần dựa trên virus véc-tơ Adeno loại 5 (Ad5) và 16 (Ad15). Vaccine này gồm hai liều được sử dụng cách nhau 3 tuần. Loại vaccine dạng xịt mũi này sẽ tạo ra miễn dịch niêm mạc chống lại virus SARS-CoV-2 trong đường hô hấp. Cụ thể, việc sử dụng vaccine sẽ tạo phản ứng miễn dịch dịch thể (tăng hiệu giá kháng thể IgA trong máu và dịch tiết mũi cũng như hiệu giá kháng thể IgG trung hòa virus trong máu) và đáp ứng miễn dịch tế bào đối với nhiễm trùng do SARS-CoV-2.
Các nhà điều chế vaccine từ Trung tâm nghiên cứu dịch tễ và y sinh Gamaley cho biết, vaccine Sputnik V phiên bản mũi tiêm thông thường tạo ra mức kháng thể bảo vệ cần thiết. Trong khi đó, vaccine Sputnik V dạng xịt mũi sẽ giúp bảo vệ ngay niêm mạc mũi, nơi xâm nhập chính của virus SARS-CoV-2. Loại vaccine này có thể tạo ra "miễn dịch vô trùng" không mang Covid-19.
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gamaley là ông Denis Logunov thông tin: "Ưu điểm của vaccine này là không phải tiêm, chỉ cần xịt vào mũi. Bản thân chúng tôi đã thử và nhận thấy vaccine này đem lại khả năng kháng virus mạnh. Nhìn chung, loại vaccine này sẽ giúp hình thành một lớp bảo vệ ở đường hô hấp trên". Loại vaccine này cũng có một số lợi thế so với loại truyền thống là tạo thêm khả năng bảo vệ cho phổi, cơ quan chịu tác động mạnh bởi virus SARS-CoV-2 và người dân có thể tự sử dụng loại vaccine này tại nhà.
Được biết, vaccine Spunik-V dạng xịt mũi được xem là cách thuận tiện để cung cấp vaccine, không gây đau đớn và có tác dụng phụ ở mức tối thiểu. Trong một số trường hợp phản ứng miễn dịch ở những người đã bị nhiễm bệnh, vaccine này có thể được sử dụng như một loại vaccine độc lập. Do đó, ông Gamaleya hy vọng các chuyên gia sẽ sử dụng vaccine mới làm liều tăng cường, bên cạnh vaccine Sputnik V. Năm tới, khi có đủ bằng chứng cho thấy phương pháp xịt mũi trên mang lại mức độ bảo vệ tương tự như khi tiêm dưới da, Nga sẽ xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt cho các nước khác.
Hệ hô hấp trên, cổ họng và đặc biệt là mũi, là cửa ngõ để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Giáo sư miễn dịch học tại Bệnh viện Đại học Saint-Etienne và là thành viên của Ủy ban vaccine Covid-19 của Pháp, ông Stéphane Paul, cho rằng về mặt lý thuyết, để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, cần tạo ra kháng thể trong màng nhầy của mũi và họng.
Do đó, vaccine dạng xịt mũi đang trở thành một hướng nghiên cứu mới. Hiện, có khoảng 20 thử nghiệm lâm sàng đã được bắt đầu trên thế giới. Trong đó, vaccine dạng hít ngừa Covid-19 được phát triển bởi công ty CanSino Biologics của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.
Ông Zhu Tao, một thành viên Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) cho biết vì các virus gây bệnh hô hấp thường nhắm vào phổi và đường hô hấp trên, nên vaccine dạng hít có thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch trong các tế bào tạo nên màng nhầy ở những bộ phận đó của cơ thể, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh.
Ngoài Trung Quốc và Nga, các nhà nghiên cứu ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang phát triển vaccine Covid-19 dạng hít hoặc xịt mũi, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Trong nghiên cứu nhằm xác định hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi, các nhà khoa học Australia đánh giá đây là một sự cải tiến có thể tạo ra những "những tác động lớn" trên toàn cầu.
Công nghệ dạng xịt này không yêu cầu phải do bác sĩ thực hiện. Nếu chứng minh được hiệu quả, công nghệ này có thể giúp giảm đáng kể áp lực đối với các chuyên gia y tế trong việc tiêm vaccine, giảm thiểu chất thải y tế, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận vaccine của các nước đang phát triển.