Vì sao các biểu tượng của ngành thương mại điện tử Trung Quốc bị “cắt sóng”?
Những ngày gần đây, việc "ông hoàng son môi" Lý Giai Kỳ gần như biến mất hoàn toàn trên các nền tảng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc khiến hàng triệu người tiêu dùng nước này hoang mang...
Lễ hội mua sắm 618 ở Trung Quốc vốn dĩ là mùa để những "ngôi sao" livestream bán hàng trực tuyến thể hiện tài năng của mình. Tuy nhiên, "ông hoàng son môi" Li Jiaqi (Lý Giai Kỳ) lại không có bất kỳ động thái nào kể từ khi một buổi livestream (phát sóng trực tiếp) của anh đột ngột bị dừng vào ngày 3/6.
Theo kế hoạch được công bố, Lý Giai Kỳ sẽ lên sóng trực tiếp để giới thiệu các ưu đãi về gói du lịch và sản phẩm chống nắng vào ngày 5/6, tuy nhiên anh đã không xuất hiện. Cho đến nay, Lý Giai Kỳ vẫn không có bất cứ động tĩnh gì, anh dường như biến mất hoàn toàn trên các nền tảng mua sắm trực tuyến của đất nước đông dân nhất hành tinh.
Được mệnh danh là "vua son môi" của Trung Quốc, Lý Giai Kỳ từng bán được 15.000 thỏi son môi chỉ trong 5 phút trên nền tảng phát trực tiếp của Taobao. Năm 2019, Lý Giai Kỳ được chọn vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Trung Quốc. Đầu năm 2021, ông hoàng son môi góp mặt trong danh sách Time 100 Next 2021 của tạp chí Time, danh sách các nhà lãnh đạo thế hệ mới, những người đang "định hình tương lai". Cuối tháng 10/2021, Lý Giai Kỳ tiếp tục xác lập kỷ lục livestream bán hàng: trong vòng 12 tiếng livestream liên tục, anh chàng này đã thu về 10 tỷ NDT (tương đương 35,5 nghìn tỷ đồng).
Không đơn thuần là một livestreamer bán hàng, Lý Giai Kỳ được coi là hiện tượng mang tính thời đại, đằng sau Lý Giai Kỳ chính là sự thay đổi to lớn trong toàn bộ ngành thương mại điện tử cũng như sự biến đổi về quan niệm thẩm mỹ và quan niệm tiêu dùng phần đông phái nữ Trung Quốc. Nhiều nhãn hàng muốn hợp tác cùng ông hoàng livestream hàng đầu này. Bên cạnh đó, những đánh giá tiêu cực của anh về nhãn hàng nào cũng có thể sẽ khiến công ty sụt giảm cổ phiếu trầm trọng, thậm chí phá sản vì mất khách.
Chương trình livestream của Lý Giai Kỳ phát trên trên Taobao Live hôm 3/6 đột ngột bị dừng lúc 21h - thời gian chính để bán hàng ở Trung Quốc đại lục, khiến hàng triệu người hâm mộ đang xem trực tuyến không biết chuyện gì xảy ra. Lúc 21h26, thông qua Weibo, ngôi sao livestream cho biết phòng hỗ trợ đang phân loại lỗi kỹ thuật, đề nghị khán giả "chờ trong giây lát". Tuy nhiên, hai giờ sau, anh đăng Weibo nói chương trình không thể tiếp tục do "trục trặc ở thiết bị văn phòng".
Theo Bloomberg, trong livestream trên, Lý Giai Kỳ đã giới thiệu một sản phẩm của Viennetta, thương hiệu kem của Anh do Unilever sản xuất. Chiếc bánh kem nhiều lớp được trang trí giống hình một chiếc xe tăng. Xâu chuỗi các tình huống, dư luận đặt ra nghi vấn rằng sự biến mất Lý Giai Kỳ có liên quan đến hành động công khai chiếc bánh hình xe tăng trước thềm sự kiện Thiên An Môn. Đây là một hành động “nhạy cảm chính trị”, do đó, sự nghiệp của anh nhiều khả năng sẽ phải chịu “đóng băng” một quãng thời gian.
Tuy nhiên, cũng có những lập luận khác cho rằng “ông hoàng son môi” đã lọt vào danh sách cần điều tra, quan sát của chính quyền, bởi gần đây, hình ảnh Lý Giai Kỳ đã trở nên xấu đi. Một cơ quan giám sát quyền lợi người tiêu dùng Chiết Giang vào tháng 12 năm ngoái đã nêu tên Lý Giai Kỳ và những streamer nổi tiếng khác vì một số vi phạm nhất định. Hội đồng Người tiêu dùng Chiết Giang cho biết lỗi vi phạm của Lý là bán các sản phẩm được dán nhãn không chính xác. Những streamer khác đã bị tố cáo vì những lời rao bán phóng đại và cử chỉ tục tĩu để bán hàng.
Sự cố bị cắt sóng đột ngột của Lý Giai Kỳ diễn ra chỉ vài tháng sau khi nữ hoàng livestream Wei Ya (Vy Á) - người từng sánh ngang với Lý Giai Kỳ như là biểu tượng của ngành thương mại điện tử Trung Quốc - bị cấm sóng sau khi trốn thuế và bị phạt khoản tiền kỷ lục 1,34 tỷ nhân dân tệ (201 triệu USD) vào tháng 12 năm ngoái. Trước Vi Á, hai ngôi sao trong lĩnh vực livestream khác của Trung Quốc là Cherie và Sunny cũng bị phạt vì cáo buộc trốn thuế. Hình ảnh, thông tin liên quan đến cả hai nhanh chóng biến mất trên mạng.
"Shell Finance", một kênh truyền thông tài chính thuộc Tin tức Bắc Kinh của truyền thông Trung Quốc đã dẫn lời của một nhân viên cục thuế, nói rằng các streamer nổi tiếng bị điều tra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, việc kiểm tra thuế của bộ phận giám sát đối với ngành này vẫn đang được tiến hành. Người này cũng cho biết, các bên đã thương thảo về thời điểm thích hợp để công bố các streamer nổi tiếng khác, hình phạt cụ thể sẽ không được công bố trong cùng ngày.
"Livestream bán hàng" là một trong những ngành công nghiệp mới nổi, phát triển mạnh mẽ nhất ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trang Reuters đã dẫn lời của công ty tư vấn McKinsey, dự báo rằng doanh thu ngành livestream của Trung Quốc sẽ đạt 423 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp đôi so với mức định giá năm 2020, thậm chí còn có quy mô kinh tế lớn hơn cả các nước như Na Uy và Ireland. Ngoài ra, theo báo cáo của Hiệp hội ngành diễn xuất Trung Quốc năm 2020, ngành công nghiệp livestream đang đứng đầu sự phát triển Internet với 617 triệu người dùng và 130 triệu streamer.
Theo Zhang Yi, chuyên gia phân tích cấp cao của iiMedia Research, trụ sở tại Quảng Châu: “Chính những người theo dõi trên các trang thương mại đã mang lại cho các livestreamer quyền mặc cả, sức ảnh hưởng và giàu có. Do đó, cần phải có một môi trường quản lý tốt hơn để giảm bớt những sai phạm và cho phép những người phát livestream nhỏ hơn có cơ hội tham gia vào ngành một cách công bằng".