10:28 27/11/2015

Yêu cầu đẩy mạnh chống tẩu tán tài sản tham nhũng

Nguyên Vũ

Nghị quyết về công tác tư pháp năm 2016 và các năm tiếp theo vừa được Quốc hội thông qua

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.
Trong giải quyết, xử lý người phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong toả tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra, nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi.

Đây là yêu cầu được đưa ra tại nghị quyết về công tác tư pháp năm 2016 và các năm tiếp theo, vừa được Quốc hội thông qua sáng 27/11.

Bồi thường oan sai còn chậm

Tại đây, Quốc hội đánh giá, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp. Tội phạm ma túy, sử dụng công nghệ cao, trộm cắp, cờ bạc, buôn lậu, buôn bán người, chống người thi hành công vụ, tội phạm có tổ chức, sử dụng bạo lực, cướp tài sản, giết người đặc biệt nghiêm trọng… gây lo lắng trong nhân dân.

Việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm, có trường hợp dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tham nhũng trong nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, nhưng việc phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan có vụ việc còn chậm. Số phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam chết do tự tử, đánh nhau, vi phạm nội quy, phạm tội mới trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chưa giảm nhiều, công tác thi hành hình phạt không phải là phạt tù chậm chuyển biến. Một số cán bộ tư pháp vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Cần dự báo tội phạm nghiêm trọng

Góp ý về dự thảo nghị quyết, một số ý kiến đề nghị bổ sung lĩnh vực đầu tư công, ngân hàng và các tội phạm cướp tài sản, lừa đảo… là các vi phạm pháp luật và tội phạm nghiêm trọng mà Chính phủ cần dự báo và đề ra các giải pháp chủ động phòng, chống.

Tiếp thu ý kiến này, nghị quyết đã giao Chính phủ thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; tạo chuyển biến rõ rệt về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trước hết ở các thành phố lớn và khu kinh tế trọng điểm.

Hằng năm, Chính phủ được yêu cầu báo cáo Quốc hội về tình hình vi phạm pháp luật và kết quả xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm; các giải pháp phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Đặc biệt là các vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phức tạp xảy ra ở các lĩnh vực đầu tư công, giao thông, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, thuế, tài chính, ngân hàng, thương mại, các loại tội phạm tham nhũng, buôn lậu, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, giết người, cướp tài sản, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm hại trẻ em, tội phạm có yếu tố nước ngoài.

Tội phạm mà người phạm tội là lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn và tội phạm do người chưa thành niên thực hiện; về số lượng người nghiện ma túy và công tác cai nghiện để phòng ngừa tội phạm phát sinh từ các đối tượng này cũng nằm trong diện được yêu cầu phải báo cáo hằng năm.

Nghị quyết còn yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm chất lượng, tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều được khởi tố, điều tra theo đúng pháp luật, chống bỏ lọt tội phạm và hành chính hoá quan hệ hình sự.

Với yêu cầu bố trí, dự toán ngân sách hợp lý trình Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp, Quốc hội đầu tư xây dựng đủ kho vật chứng, bố trí kinh phí, có lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình.

Tòa án Nhân dân Tối cao được giao bảo đảm tỷ lệ bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm không vượt quá 1,5%.

Tăng cường giám sát tham nhũng

Với cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra  việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Nghị quyết nêu rõ phải bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra, kiểm toán có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Cơ quan điều tra tăng cường công tác nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra án tham nhũng, phấn đấu nâng tổng số các vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố năm sau cao hơn năm trước.

Hằng năm, Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội việc xử lý, kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan tới tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm toán, nghị quyết nêu rõ.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.

Các cơ quan này cũng phải bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng, ban hành nghị quyết về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn
 
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội được giao phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát việc phát hiện và xử lý tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng.