14:40 17/10/2024

3 yếu tố thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Ngô Huyền -
Đánh giá cao kết quả chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp Việt Nam, TS. Thiều Phương Nam Tổng Giám đốc Qualcomn Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng có ba lý do giúp các doanh nghiệp Việt Nam đạt được những kết quả ấn tượng này…

Tại phiên tham luận trong Diễn đàn thường niên lần thứ 2 – Vietnam New Economy Forum 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 16/10, TS. Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomn Việt Nam, Lào, Campuchia, đánh giá cao những mô hình chuyển đổi số - chuyển đổi xanh mà các doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai.

BA NGUYÊN NHÂN KHIẾN CHUYỂN ĐỔI SỐ THÀNH CÔNG

Theo TS. Thiều Phương Nam, có ba nguyên nhân quan trọng đang giúp doanh nghiệp Việt Nam đạt được những kết quả ấn tượng này.

Thứ nhất, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ với các chương trình chuyển đổi số quốc gia dài hạn đã đưa ra các phương hướng, tầm nhìn để các doanh nghiệp có chiến lược phát triển.

Thứ hai, hạ tầng số Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực hiện có chất lượng khá tốt. Đơn cử như các chỉ số quan trọng như kết nối internet băng rộng bằng cáp quang tốc độ cao phủ 80% tại các hộ gia đình và 100% đối với doanh nghiệp.

 
TS. Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomn Việt Nam, Lào, Campuchia
TS. Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomn Việt Nam, Lào, Campuchia

"Để thành công trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp cần tiếp tục có mục tiêu rõ ràng trong chuyển đổi, thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp, cùng với đó cần chuẩn bị tốt trong việc xây dựng hạ tầng số riêng để phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số của doanh nghiệp…".

Thứ ba, hạ tầng số của Việt Nam ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện. 4G hiện nay đã phủ sóng 100% dân số, các nhà mạng hàng đầu của việt nam mới đây đã công bố triển khai thương mại 5G trên toàn quốc. Với những tính năng mới như độ trễ thấp, khả năng kết nối IoT, sự phổ biến của mạng 5G tới đây sẽ giúp các doanh nghiệp triển khai thành công các giải pháp 4.0 như nhà máy thông minh, doanh nghiệp thông minh,…

Đồng thời mang lại nhiều tác động tích cực đến các lĩnh vực khác chẳng han như ứng dụng xe tự lái… từ đó thúc đẩy chuyển đổi số của Việt Nam diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu, lãnh đạo Qualcomm cho rằng để thành công trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp cần tiếp tục có mục tiêu rõ ràng trong chuyển đổi, thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp, cùng với đó cần chuẩn bị tốt trong việc xây dựng hạ tầng số riêng để phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số của doanh nghiệp…

Mặc dù AI đang là công nghệ tác động đến nhiều lĩnh vực nhất hiện nay, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần quan tâm vấn đề bảo mật dữ liệu để quá trình chuyển đổi số được diễn ra bền vững, Theo đó, các doanh nghiệp cần sẵn sàng đối phó với những rủi ro của ứng dụng công nghệ, bao gồm bảo mật an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của nhân viên…

KINH NGHIỆM TỪ NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG

Phát biểu tại Diễn đàn với kinh nghiệm của nhà tư vấn chiến lược doanh nghiệp, bà Trần Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam, cho rằng Việt Nam dù đi sau song doanh nghiệp vẫn có thể học hỏi, tận dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật từ các mô hình chuyển đổi thành công trên thế giới; thu hút các tri thức trẻ Việt Nam có năng lực chuyên môn trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đã làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài... 

 
Bà Trần Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam.
Bà Trần Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam.

"Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay rất thách thức; rào cản lớn ngay từ khâu nhận thức của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy đâu là lộ trình và cách thức phù hợp giúp Việt Nam chuyển đổi xanh và chuyển đổi số thành công?

Để chuyển đổi số chuyển đổi xanh bền vững, Việt Nam cũng cần đầu tư, phát triển hoạt động R&D để tránh phụ thuộc công nghệ bên ngoài, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển liên tục". 

Trên phạm vi toàn cầu, chi tiêu cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang chậm lại do nhà đầu tư lo ngại về việc “tẩy xanh”. Tuy nhiên, đây chỉ là sự gián đoạn nhất thời. Trong dài hạn, xu hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là không thể đảo ngược.

“Song, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay rất thách thức; rào cản lớn ngay từ khâu nhận thức của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy đâu là lộ trình và cách thức phù hợp giúp Việt Nam chuyển đổi xanh và chuyển đổi số thành công?”, bà Ngọc đặt vấn đề.

Theo đại diện Deloitte Việt Nam, trước tiên, cần phát triển nguồn tri thức trẻ, tri thức số. Hiện nay, rất nhiều người trẻ Việt Nam đang làm việc cho các công ty công nghệ nước ngoài. Vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược thu hút lực lượng lao động này về làm việc cho các công ty Việt Nam.

Thứ hai, để phát triển bền vững thì Việt Nam vẫn phải tập trung vào nghiên cứu phát triển (R&D), vì nếu không, chúng ta sẽ không có công nghệ cốt lõi, bị lệ thuộc vào công nghệ của các nước khác.

Đánh giá cao vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong nỗ lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong tổng thể quốc gia, các chuyên gia cho rằng Chính phủ nên thiết lập thêm các quỹ hỗ trợ hoặc các ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ số và giải pháp xanh. Việc tiếp cận các khoản vay với lãi suất ưu đãi sẽ giúp ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp cận với những mô hình phát triển bền vững.

Là một trong số các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến phát triển bền vững, ông Nguyễn Hướng Minh, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, khẳng định chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là một quá trình tất yếu, với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), RPA, và điện toán đám mây được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng và giảm thiểu chi phí. Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để phát triển hệ sinh thái số, dịch vụ ngân hàng số, và các công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt.

 
ông Nguyễn Hướng Minh, Phó Tổng Giám đốc Eximbank
ông Nguyễn Hướng Minh, Phó Tổng Giám đốc Eximbank

"Tại Eximbank, chúng tôi đã và đang tập trung mạnh mẽ vào chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa quy trình hoạt động, cải thiện hiệu quả và cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn cho khách hàng. Với phương châm "lấy khách hàng làm trọng tâm", Eximbank đã không ngừng phát triển hệ thống ngân hàng số như Eximbank EDigi cho khách hàng cá nhân và Eximbank Ebiz cho khách hàng doanh nghiệp. Điều này mang đến trải nghiệm ngân hàng liền mạch, hiện đại, tiện lợi mọi lúc mọi nơi cho người dùng".

Eximbank cũng đã áp dụng các giải pháp tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện giọng nói vào tổng đài chăm sóc khách hàng để tăng cường hiệu quả hỗ trợ khách hàng, ứng dụng công nghệ Robotic Process Automation (RPA) trong tự động hóa quy trình vận hành, và công nghệ AI-OCR trong xử lý tự động thông tin chi lương, số hóa quy trình (BPM) giúp tối ưu hoá nguồn lực và giảm thiểu sai sót.

Cùng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của các ngân hàng. Eximbank không chỉ chú trọng vào việc nâng cấp các hệ thống công nghệ nhằm tăng cường bảo mật, mà còn tích cực triển khai các giải pháp xanh trong hoạt động. Một trong những mục tiêu quan trọng là Đề án Văn phòng không giấy, nhằm hướng đến một môi trường làm việc số hóa hoàn toàn, không giấy tờ, giảm thiểu sử dụng giấy trong quản lý tài liệu và tối ưu hóa quy trình công việc.

Việc chuyển đổi sang văn phòng không giấy không chỉ giúp Eximbank giảm chi phí vận hành mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường bằng cách giảm lượng khí thải carbon và hạn chế tiêu thụ tài nguyên tự nhiên. Ngoài ra, nền tảng số hóa này còn hỗ trợ quá trình quản lý, lưu trữ tài liệu một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả hơn, giúp nâng cao hiệu suất làm việc của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Thông qua các sáng kiến như Văn phòng không giấy, Eximbank thể hiện cam kết đối với phát triển bền vững, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển xanh và bền vững của ngành ngân hàng.

Theo TS. Thiều Phương Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số, do đó, cần có thêm các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các startup và doanh nghiệp phát triển các công nghệ tiên tiến.

“Tôi cho rằng Việt Nam cần tích cực thiết lập cơ chế sandbox để các startups có cơ hội thử nghiệm các công nghệ mới. Hiện nay, để góp phần hỗ trợ đồng hành cùng các startups Việt Nam, chúng tôi đã và đang tích cực kêu gọi các quỹ đầu tư hỗ trợ nguồn vốn cho các startups, nhưng nếu có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư công cho các startups công nghệ, đây sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn”, TS. Thiều Phương Nam nhấn mạnh tại diễn đàn.

Video xem nhiều