18:44 16/10/2024

Song hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

Ánh Tuyết

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi kép xanh và số, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Việt Nam nên thành lập quỹ chuyển đổi xanh, song hành với đó, cần phải có chính sách để khuyến khích và chế tài khi thực thi quỹ này...

Các đại biểu trao đổi, lắng nghe những đề xuất đưa ra tại diễn đàn - Ảnh: Việt Dũng.
Các đại biểu trao đổi, lắng nghe những đề xuất đưa ra tại diễn đàn - Ảnh: Việt Dũng.

Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên lần thứ 2 – Vietnam New Economy Forum 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức chiều ngày 16/10, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng đã đến lúc chúng ta cần cải cách lần 2. Rất may mắn và thuận lợi vì nhiều ý tưởng gần đây cũng đồng tình về điều này, trước đây chúng ta đổi mới năm 1986 và lần này sẽ từ năm 2025-2026.

Về việc gắn kết chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh vê việc song hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, vì hai nhân tố này tương trợ, bổ trợ cho nhau vô cùng chặt chẽ. Chúng ta chuyển đổi xanh tốt thì phải đưa công nghệ vào và gắn kết với nhau. Chuyển đổi số tốt cũng phải xanh hoá, tiết kiệm năng lượng.

"Bởi càng sản xuất hiện đại bao nhiêu càng tốn điện mấy nhiêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói rằng dùng 5G tốn năng lượng bằng tổng của 2G, 3G và 4G cộng lại. Rõ ràng bài toán tiết kiệm năng lượng là vô cùng quan trọng", vị chuyên gia này dẫn chứng.

TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Việt Nam nên thành lập quỹ chuyển đổi xanh, song hành với đó, cần phải có chính sách để khuyến khích và chế tài khi thực thi quỹ này.
TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Việt Nam nên thành lập quỹ chuyển đổi xanh, song hành với đó, cần phải có chính sách để khuyến khích và chế tài khi thực thi quỹ này.

Việc xây dựng trung tâm dữ liệu, phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam tương tự như thế. Malaysia thành lập hai trung tâm dữ liệu, trong đó, một trung tâm ngốn 12% tổng năng lượng quốc gia. Vậy bài toán này Việt Nam tính toán thế nào?

Đề cập đến những việc cần làm trước mắt càng sớm càng tốt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng doanh nghiệp hiện mong chờ ba điều từ cơ quan quản lý. Một là, danh mục phân loại xanh hai năm nay chưa có, đây là điều đáng tiếc. Từ danh mục phân loại xanh mới có tài chính xanh, tín dụng xanh và nhiều thứ xanh khác.

Hai là, Đề án kinh tế tuần hoàn Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tư vấn từ tháng 6/2022 nhưng hai năm vẫn chưa có kế hoạch hành động, cụ thể phát triển kinh tế tuần hoàn thế nào. Rõ ràng chúng ta rất chậm và mất nhiều cơ hội. Nếu chúng ta tận dụng tốt hơn tăng trưởng kinh tế GDP 6,5-7% là khả thi.

Ba là, khơi thông nguồn lực. Ông Lực quan sát thấy thị trường đất đai, bất động sản và thị trường khác rất lãng phí, nếu khơi thông thể chế, cơ chế chính sách thì nguồn lực rất lớn.

 

"Chúng ta nên thành lập quỹ chuyển đổi xanh, muốn khuyến khích lĩnh vực nào chuyển đổi xanh nhanh hơn, cần "củ cà rốt" khuyến khích; còn "cây gậy" là chế tài. Chúng ta có Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 2020, đến nay năm 2024, việc phân loại rác thải vẫn ít địa phương làm", ông Lực kiến nghị.

Về lâu dài, TS. Cấn Văn Lực đề xuất ba điểm. Thứ nhất, năm ngoái kiến nghị sớm thành lập Uỷ ban Năng suất quốc gia, mong càng sớm càng tốt. Việc cải thiện năng suất lao động có nhiều tiến triển nhưng không như mong muốn, vì vậy, cần sớm thành lập uỷ ban này.

Thứ hai, khoa học công nghệ là mũi nhọn cực kỳ quan trọng sắp tới. Thế nhưng, cơ chế thử nghiệm sandbox ba năm vẫn chưa thấy để phát triển fintech, trí tuệ nhân tạo (AI)…

Bên cạnh đó, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ cần sớm thông qua để chuyển đổi số tốt hơn.

Thứ ba, doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh cần nguồn lực hỗ trợ, ngoài cơ chế chính sách.

Phiên thảo luận với chủ đề Cách mạng trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Động lực khởi tạo nền kinh tế mới.
Phiên thảo luận với chủ đề Cách mạng trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Động lực khởi tạo nền kinh tế mới.

Làm rõ về Đề án kinh tế tuần hoàn Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đến nay triển khai chưa đạt kỳ vọng, ông Nguyễn Hoa Cương, Viện trưởng CIEM, cho biết kế hoạch hành động tại Quyết định 687 đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hiện vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Về việc thành lập Uỷ ban Năng suất quốc gia, lãnh đạo CIEM cho biết sẽ sớm triển khai nhiệm vụ thời gian tới,. Với quỹ chuyển đổi xanh, đây là nhiệm vụ tương đối nặng nề và khó khăn.

Chia sẻ tại diễn đàn, các đại diện cho rằng vận hội và cơ hội mới đang mở ra cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát huy tinh thần dân tộc, sức mạnh tự chủ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, kiến tạo những giá trị bứt phá và vững bền.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tiếp tục là công cụ, phương tiện thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, tuần hoàn và bền vững, là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Việt Nam liên tiếp tăng bậc trong xếp loại chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đáng chú ý trong năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới gồm chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam được đánh giá nhanh nhất Đông Nam Á, dự báo đến năm 2025, kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 20% GDP.

Song hành với cuộc cách mạng công nghiệp số, cuộc cách mạng công nghiệp xanh cũng đang tạo những áp lực và động lực cạnh tranh, phát triển giữa các quốc gia, các nền kinh tế và doanh nghiệp. Theo đó, xu thế chuyển đổi số thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Điều này đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp phải hoạch định những bước đi chiến lược nhằm phát huy tính đột phá và tính cơ hội của hai cuộc cách mạng này cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Đây là yếu tố sống còn, là năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế và doanh nghiệp.