17:12 14/10/2021

63 tỉnh/thành đã chủ động dạy học linh hoạt tùy theo tình hình dịch

Anh Khoa

Đến ngày 12/1023 đã có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chủ trì cuộc làm việc với một số bộ, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022.

Trong đó, Bộ GD-ĐT cho biết, việc tổ chức dạy học năm 2021-2022 đã được các địa phương triển khai phù hợp với tình hình dịch Covid-19 của từng tỉnh, thành phố. Cụ thể, đến ngày 12/10, có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thời điểm kết thúc năm học 2021-2022 sẽ linh hoạt. Đối với những nơi có dịch, tùy vào tình hình thực tế, có thể kết thúc năm học muộn hơn.

Mặc dù vậy, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, các hình thức học trên  vẫn là công cụ để bổ trợ kiến thức nhằm nâng cao khả năng tự học của học sinh. Việc ban hành chương trình học cốt lõi được áp dụng trong thời gian học trực tuyến cũng như học trực tiếp, sau đó mới củng cố, mở rộng kiến thức.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết đã chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo hướng giữ ổn định như năm 2021, tăng cường chuẩn hoá đề thi trắc nghiệm, có thể tổ chức nhiều đợt tuỳ theo tình hình dịch bệnh ở các địa phương tại thời điểm tổ chức thi.

Còn với việc triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tính đến nay, ngành giáo dục đã huy động được khoảng 66,82 tỷ đồng và hơn 800.000 thiết bị theo cam kết tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp.

Trong khi đó, Bộ TT-TT cũng thông tin, hiện tại, 100% các điểm cần phủ sóng Internet để bảo đảm học trực tuyến cho các em học sinh ở vùng dịch đã được hoàn thành.

Nguồn kinh phí để mua 1 triệu thiết bị học trực tuyến cho học sinh đã có đủ. Các nhà tài trợ đã và đang thực hiện việc mua sắp các thiết bị học trực tuyến nhưng gặp khó khăn về nguồn cung.

Dự kiến, đến hết tháng 11, 100.000 thiết bị học trực tuyến đầu tiên sẽ đến tay các em học sinh; cuối năm 2021 sẽ đạt mục tiêu cung cấp 1 triệu thiết bị học trực truyến cho học sinh, chậm nhất là trong quý I-2022 chương trình này sẽ hoàn thành.

Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, trong điều kiện dịch Covid-19 tác động gây ra nhiều khó khăn, ngành giáo dục đã có nhiều cách làm mới, đáng khích lệ, đặc biệt trong việc thúc đẩy thêm một bước đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, tự học của học sinh, phân biệt được những nội dung có tính cốt lõi và nội dung bổ trợ với nhiều hình thức linh hoạt.

Ngoài ra, việc đánh giá học sinh học trên lớp, học trực tuyến đã hình thành những phương pháp tốt. Cùng với đó, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh Đại học cơ bản đạt yêu cầu đề ra.

Theo Phó Thủ tướng, năm học 2021-2022 diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt khiến nhiều địa phương vẫn chưa thể cho học sinh học trực tiếp. Mặt khác, điều kiện học tập trực tuyến cũng không đồng đều, nhiều trẻ em nghèo trong các vùng dịch gặp nhiều khó khăn. Nhưng Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT, các đơn vị viễn thông, đài truyền hình đã nỗ lực xây dựng, triển khai các chương trình dạy học và cơ bản đáp ứng được một phần nhu cầu học tập.

Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức bổ trợ, không tránh khỏi những tác động không mong muốn vì vậy phải có kế hoạch, giải pháp bảo đảm hoàn thành năm học theo kế hoạch; bổ trợ, củng cố kiến thức cho học sinh bằng những hình thức phù hợp. Đồng thời, các địa phương cần sớm tu sửa, quan tâm đến những hạ tầng thông tin để khi học sinh, giáo viên trở lại trường lớp khang trang, sạch sẽ và đáp ứng được yêu cầu học tập.