10:05 22/12/2008

Bảo hiểm xe cơ giới: “Cá bé nuốt cá lớn”

Phùng Đắc Lộc

“Cá bé nuốt cá lớn”, chuyện tưởng như đùa, nhưng lại đang diễn ra trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới

Bảo hiểm xe cơ giới là thị trường có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
Bảo hiểm xe cơ giới là thị trường có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
“Cá bé nuốt cá lớn”, chuyện tưởng như đùa, nhưng lại đang diễn ra trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới.

Bằng việc hạ phí bảo hiểm, những doanh nghiệp bảo hiểm hoặc một chi nhánh mới ra đời đã lôi kéo khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm khác. Những doanh nghiệp có thị phần lớn muốn giữ được khách hàng để giữ thị phần thì không còn cách nào khác là hạ phí bảo hiểm theo.

Kết quả của cuộc cạnh tranh khốc liệt này là không những không làm tăng trưởng thị trường mà còn không kích thích nhu cầu bảo hiểm của khách hàng chưa lần nào tham gia bảo hiểm.

Nếu như năm 1999 mới có 10 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động thì đến năm 2008, đã có 29 doanh nghiệp bảo hiểm Phi nhân thọ, 11 doanh nghiệp bảo hiểm Nhân thọ, 10 Công ty môi giới bảo hiểm. Điều này làm tính cạnh tranh của thị trường bảo hiểm phát huy tác dụng tới mức độ gay gắt, đặc biệt là trong lĩnh vực Bảo hiểm phi nhân thọ.

Cạnh tranh bằng hạ phí bảo hiểm

Với thời hạn hợp đồng bảo hiểm thường là một năm, khoảng thời gian đáo hạn hợp đồng là thời cơ để giành giật khách hàng, giành giật doanh thu phí bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đều có ít nhất từ 6 cho đến 60 công ty thành viên, chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trên cả nước làm cho cuộc cạnh tranh bức xúc hơn: cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau rồi đến cạnh tranh ngay cả giữa các công ty thành viên, chi nhánh của một doanh nghiệp bảo hiểm.

Với những doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh mới bước vào hoạt động, hướng phát triển doanh thu, chiếm lĩnh thị trường đầu tiên của họ thường là bảo hiểm xe cơ giới với ưu thế nhiều tiềm năng, ít phải đào tạo và đầu tư, dễ giành giật khách hàng và hợp đồng bảo hiểm.

Để thực hiện mục đích này, các doanh nghiệp bảo hiểm thường chọn biện pháp hạ phí bảo hiểm so với đối thủ cạnh tranh để thu hút khách hàng đang tham gia bảo hiểm từ các doanh nghiệp bảo hiểm khác khi hết hạn hợp đồng, thậm chí lôi kéo họ chấm dứt hợp đồng bảo hiểm đang thực hiện để sang tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm của mình.

Việc cạnh tranh hạ phí bảo hiểm quá thấp sẽ làm cho tình hình tài chính của chính doanh nghiệp bảo hiểm (quỹ bồi thường) suy giảm nghiêm trọng, nguy cơ thua lỗ, phá sản, vỡ quỹ bảo hiểm rất cao. Bảo hiểm là hoạt động nhạy cảm, sự phá sản của một doanh nghiệp bảo hiểm này kéo theo hàng triệu khách hàng, cả hệ thống bảo hiểm, tài chính tín dụng ảnh hưởng theo.

Về phía khách hàng, hậu quả trực tiếp là doanh doanh nghiệp bảo hiểm chậm trễ, dây dưa trong việc giải quyết bồi thường hoặc cố tình tìm mọi lý do chế tài để cắt giảm số tiền bồi thường. Từ đó, khách hàng không chấp nhận tiền bồi thường dẫn đến khiếu kiện dai dẳng, thậm chí phải đưa ra tòa án.

Những nguyên nhân?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh bằng hạ phí là cơ chế khoán doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm cho chi nhánh và công ty thành viên. Chi phí tiền lương và quản lý của đơn vị được ấn định trên tỉ lệ % nhất định của doanh thu phí bảo hiểm.

Vì vậy, họ cần doanh thu bằng mọi giá, kể cả hạ phí bảo hiểm thấp hơn nhiều để giành giật khách hàng, giành giật hợp đồng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, cơ chế hạch toán với việc các doanh nghiệp bảo hiểm thường phân cấp cho chi nhánh giải quyết bồi thường cho những vụ tai nạn có giá trị dưới 10 triệu đồng, lớn hơn phải gửi về trụ sở chính giải quyết, cũng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Về phía chi nhánh, cứ lấy doanh thu trừ đi số tiền giải quyết bồi thường thấy chênh lệch lớn là mừng.

Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, lấy doanh thu trừ đi số tiền đã giải quyết bồi thường của toàn công ty có chênh lệch dương cao (có lãi lớn) hoặc tỉ lệ bồi thường thấp ảo tưởng là có lãi nên tiếp tục hạ phí để cạnh tranh.

Ngoài ra, nếu thận trọng, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trích lập dự phòng bồi thường cho những tổn thất chưa thông báo hoặc chưa giám định được thiệt hại. Nếu đem số tiền đã giải quyết bồi thường trong năm chia cho số tiền quỹ bồi thường nói trên theo đúng bản chất của hoạt động bảo hiểm thì chắc chắn không ít đơn vị không đủ quỹ để giải quyết bồi thường hay nói cách khác là thua lỗ.

Ngoài ra, việc khách hàng tham gia bảo hiểm nhưng lại không mong muốn hưởng thụ sản phẩm bảo hiểm và rất ít khách hàng được hưởng thụ sản phẩm bảo hiểm. cũng góp phần không nhỏ vào cuộc cạnh tranh này.

Khi được hưởng thụ, khách hàng mới phát hiện được cái hay cái dở của sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm này so với sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm khác là quá muộn từ đó mới phát hiện được tai hại của việc phí bảo hiểm thấp.

Khôi phục lại thị trường bảo hiểm xe cơ giới phát triển lành mạnh là mục tiêu trước mắt của ngành bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề ra.

Một trong các giải pháp quan trọng được thực hiện là xây dựng điều khoản biểu phí tiêu chuẩn để các doanh nghiệp bảo hiểm thảo luận và cùng nhau áp dụng.

Chúng ta biết rằng, phí bảo hiểm được xác định trên cơ sở xác suất xảy ra tổn thất là yếu tố mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng. Phí bảo hiểm = Xác suất tổn thất hoặc tỉ lệ bồi thường bình quân + Chi phí quản lý doanh nghiệp bảo hiểm.

Rõ ràng để giảm phí bảo hiểm không thể cắt giảm chi phí bồi thường mà chỉ có thể cắt giảm chi phí quản lý nhờ tiết kiệm hiệu quả. Với cách hiểu này, phí bảo hiểm chỉ có thể giảm 10% - 15% nhờ giảm chi phí quản lý là hợp lý.

Nếu giảm hơn nữa là doanh nghiệp bảo hiểm có vấn đề, trước sau cũng xảy ra tình trạng phí bảo hiểm không đủ để bồi thường.

Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tuyên chiến với hạ phí bảo hiểm quá thấp. Thay vì cạnh tranh hạ phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cần cạnh tranh bằng cách đưa ra các dịch vụ cung cấp tốt hơn cho khách hàng.