08:20 31/07/2017

Bất cập từ thị trường thực phẩm chức năng?

Phạm Diệu

Trong xã hội ta hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai dịch bệnh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Con người cũng phải đối mặt với nhiều áp lực cuộc sống, dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Chính vì thế, thị trường về những sản phẩm chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển, trong đó phải để đến thị trường thực phẩm chức năng ( TPCN) được người tiêu dùng rất quan tâm, mua sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về thị trường này, cần có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ.


Bất cập từ thị trường thực phẩm chức năng? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng cần hiểu đúng và lựa chọn TPCN phù hợp

Mới đây, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hai cuộc hội thảo về Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng và hiệu quả tại Việt Nam. Và hội thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2035, nhằm mục tiêu đồng bộ hóa các chính sách thúc đẩy nền kinh tế phát triển, dựa trên các trụ cột kinh tế là thế mạnh của nước ta. Một thực tế rằng từ chỗ là quốc gia xuất khẩu đến nay nước ta đang phải nhập khẩu phần lớn nguồn nguyên liệu bào chế dược và các loại thực phẩm chức năng phục vụ cho công tác phòng bệnh và hỗ trợ điều trị. Điều này gây ra những vấn đề nghiêm trọng như tăng giá thành sản phẩm, chất lượng nguồn nguyên liệu không đảm bảo, xu hướng mua những sản phẩm ngoại nhập, trong khi đó người dân còn chưa hiểu đúng về thực phẩm chức năng...Sự phát triển bùng nổ của thị trường TPCNTrong chuyên mục Diễn đàn kinh tế (vov.vn), Tiến sỹ Ngô Mạnh Trí, Chuyên gia Khoa học Công nghệ Dược, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian từ 5- 10 năm trở lại đây, thị trường thực phẩm chức năng có sự bùng nổ phát triển hết sức mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, năm 2000, nước ta chỉ có 15 cơ sở về nhập khẩu với số lượng sản phẩm chỉ trên dưới 6 loại sản phẩm, thì đến nay chúng ta đã có 6.800 sản phẩm lưu hành và thậm chí con số này còn vượt cao nhiều hơn nữa.Với số lượng lớn thực phẩm chức năng như vậy, hệ thống phân phối của chúng ta lên đến 3.600 doanh nghiệp trong đó có cả sản xuất và kinh doanh. Các sản phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất tại Việt Nam hiện nay chiếm trên 57% so với tổng số sản phẩm chức năng có mặt trên thị trường, và phần lớn các nhà thuốc trên 90% đều có bán thực phẩm chức năng.Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, hiện nay thực phẩm chức năng được sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam có thể phân chia thành 14 nhóm gồm: nhóm chống oxy hóa, nhóm tăng khả năng thích nghi, nhóm tăng cường miễn dịch, nhóm tăng cường chức năng sinh lý, nhóm an thần chống stress, dưỡng não chống sa sút trí tuệ, phòng ngừa và chữa trị bệnh tiểu đường, tăng cường chức năng tim mạch, hỗ trợ giảm cân chống béo phì, hỗ trợ hệ cơ xương khớp, hỗ trợ chức năng tiêu hóa và tăng khả năng hoạt động của mắt, tăng cường chức năng đàn hồi và làm đẹp da, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư và bổ sung chống suy dinh dưỡng.Theo công bố của Viện Dược liệu thì Việt Nam có khoảng 3.948 loài thực vật có thể làm thuốc. Các công trình nghiên cứu về các kiến thức về y học cổ truyền cũng chỉ ra mỗi một loại phân chia 14 nhóm đó chúng ta có thế chỉ ra mỗi loại như thế hàng chục cây đến vài chục cây có giá trị sản xuất đối với thực phẩm chức năng của Việt Nam.
Những bất cập tồn tại
Bất cập từ thị trường thực phẩm chức năng? - Ảnh 2.

Nguồn nguyên liệu bào chế TPCN nước ta chưa ổn định

Với sự phát triển mạnh mẽ và với một số lượng sản phẩm TPCN lớn như vậy, chắc chắn thị trường sẽ có những vấn đề phát sinh. Ông Ngô Mạnh Trí nhận định, các bệnh không truyền nhiễm thì chúng ta không thể có một loại vắc-xin đặc hiệu mà phần lớn chỉ dựa vào bổ sung các loại viên vitamin, các loại khoáng chất dinh dưỡng, chất chống oxi hóa mà phần lớn chất này là thành phần cơ bản của thực phẩm chức năng. Trong khi thị trường thực phẩm chức năng quảng cáo một cách thái quá về tác dụng, khả năng chữa bệnh. Người mua nhiều khi mất tiền và họ hi vọng rằng có thể khỏi bệnh trên thực tế họ không được như ý điều đó đã có những hoang mang, tạo ra cái nhìn không đầy đủ về thực phẩm chức năng. Đặc biệt, khi các thực phẩm chức năng được nhập khẩu với giá rất đắt thì câu chuyện này lại càng trở nên nghiêm trọng đối với người dân. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng với thị trường đa dạng như vậy cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.Trong khi đó, từ thực tiễn thực hành nhà thuốc Thọ Xuân Đường và từ những nghiên cứu của mình, lương y Phùng Tuấn Giang, cũng cho biết, thực phẩm chức năng Việt Nam đang thiếu định hướng, đôi khi mất kiểm soát, cả cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều bối rối do những lý do sau: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa hoàn chỉnh, thực phẩm chức năng còn chưa được đề cập chính xác trong luật thực phẩm năm 2010, thiếu quy chuẩn kỹ thuật, thiếu tiêu chuẩn chất lượng hoặc dược điển cho thực phẩm chức năng Việt Nam. Cơ quan quản lý đang quá tải với việc quản lý thực phẩm và không đủ thời gian và nguồn lực cho quản lý thực phẩm chức năng nhưng việc ủy quyền và phân cấp cho các tổ chức độc lập còn là vấn đề gây tranh cãi.Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng của Việt Nam còn quá nhỏ lẻ thiếu nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng, công nghệ lạc hậu chưa đảm bảo điều kiện an toàn, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội còn nhiều hạn chế. 80% nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng hiện nay ta phải nhập khẩu; thiếu những kênh truyền thông chính thống về thực phẩm chức năng, nội dung truyền thông chưa tập trung và định hướng đầy đủ cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng có khái niệm mù quáng, thần dược hóa thực phẩm chức năng để rồi hoang mang mất lòng tin. Người tiêu dùng thì thiếu hiểu biết về bản chất của thực phẩm chức năng và mua hàng theo phong trào, theo giới thiệu của bạn bè, qua mạng xã hội dẫn đến những lựa chọn không đúng và sử dụng thời gian ngắn cũng không đánh giá được hiệu quả về mặt sức khỏe.