Ngành thực phẩm “xanh hóa” từ bao bì
Trong nhiều năm, các chuyên gia đã lên tiếng về mối nguy hại từ các chất sử dụng trong sản xuất nhựa hiện đại. Những chất này có thể thẩm thấu vào thực phẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Một cuộc điều tra riêng biệt của Diễn đàn Bao bì thực phẩm được công bố vào tháng 9/2024 đã phát hiện ra hơn 3.600 loại hóa chất ngấm vào các sản phẩm tiêu dùng trong quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói và bảo quản thực phẩm, sau đó đi vào cơ thể con người. Cũng theo nghiên cứu, 79 loại hóa chất trong số này có thể gây ung thư, đột biến gen, các vấn đề về nội tiết và sinh sản, cùng các vấn đề sức khỏe khác.
Trong tháng 8/2025, Hiệp ước Nhựa toàn cầu sẽ diễn ra tại Geneva, trong đó hơn 175 quốc gia sẽ họp để xác định một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. Hiệp ước là một nỗ lực của quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa trên toàn cầu, với mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040 thông qua một nền kinh tế tuần hoàn.
ĐỘNG LỰC TỪ SỨC KHỎE
Ô nhiễm nhựa xảy ra ngay khi mọi người mở gói thịt nguội và phô mai, ngâm túi trà trong nước nóng hoặc mở hộp sữa hoặc nước cam. "Trong khi các nhà khoa học từ lâu đã biết về các hóa chất độc hại tiềm ẩn từ nhựa ngấm vào thực phẩm, thì điều đáng lo ngại sâu sắc là bao bì thực phẩm có vai trò quan trọng gây ra các hạt vi nhựa và gây hại cho sức khỏe của con người", David Andrews, giám đốc khoa học tại Environmental Working Group, một tổ chức ủng hộ sức khỏe và môi trường có trụ sở tại Washington cho biết.

Báo cáo từ Quỹ Diễn đàn Bao bì Thực phẩm, công bố ngày 17/5/2025, cho thấy bao bì thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với các hóa chất gây ung thư. Các chất hóa học được nhóm nghiên cứu đặc biệt lưu ý gồm PFAS (perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl), hay còn gọi là "hóa chất vĩnh cửu". PFAS không có ngưỡng phơi nhiễm an toàn, liên quan đến nhiều bệnh như ung thư, hen suyễn, vô sinh, béo phì, dị tật bẩm sinh, tiểu đường và rối loạn phổ tự kỷ.
BPA (bisphenol A) và phthalate, hai hợp chất phổ biến trong sản xuất nhựa, cũng nằm trong danh sách đáng lo ngại. Các tác giả báo cáo đặc biệt cảnh báo nguy cơ khi sử dụng các loại thực phẩm siêu chế biến, thường được đóng gói và bảo quản trong bao bì nhựa thời gian dài. Các sản phẩm như món ăn sẵn, kem, tương cà chua, vốn phổ biến vì tiện lợi, cũng thường được hâm nóng trực tiếp trong bao bì nhựa, làm tăng nguy cơ các hóa chất di chuyển vào thực phẩm, theoDaily Mail.
"Thực phẩm siêu chế biến thường được đóng gói và bảo quản trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng hoặc năm. Một số loại còn được làm nóng trực tiếp trong bao bì nhựa (như các khay nhựa dùng cho lò vi sóng), khiến hóa chất dễ thẩm thấu hơn", báo cáo viết. Nhóm nghiên cứu lưu ý thêm rằng quá trình sản xuất công nghiệp quy mô lớn cũng khiến thực phẩm tiếp xúc nhiều hơn với vật liệu nhựa.

Do đó ngành bao bì, từ chỗ chỉ đảm bảo chức năng chứa đựng, giờ đây đang chuyển mình để đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn về trải nghiệm, tính tiện dụng và cả câu chuyện thương hiệu. Từ việc sử dụng nhựa tái chế (PCR), giấy kraft, PLA đến các vật liệu có khả năng ủ phân hoặc phân hủy sinh học, các thương hiệu đang dần dịch chuyển từ lời cam kết sang hành động cụ thể. Một số hãng còn thử nghiệm các thiết kế tối giản vật liệu, tích hợp tính năng gấp gọn, tái sử dụng để giảm thiểu rác thải.
Tại Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Giang, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, chia sẻ ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt quy mô 96,68 tỷ USD năm 2025 và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 6,74% đến năm 2030. Trong bối cảnh đó, ngành phải liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu về yếu tố tiện lợi, chất lượng và bền vững của người tiêu dùng...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2025 phát hành ngày 07/7/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại :
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1493
