Đà Nẵng – Quảng Nam “về một nhà”: Du lịch xanh lên ngôi
Năm 2024, 4,1 triệu lượt khách quốc tế đã đến với Đà Nẵng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Đà Nẵng phục vụ gần 4 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có gần 2 triệu lượt khách quốc tế...

Sở Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, trong một tháng diễn ra vòng loại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025 (DIFF 2025) từ 31/5 đến 30/6 vừa qua, tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 1,17 triệu lượt. Trong đó, riêng 5 đêm pháo hoa đầu tiên đã thu hút gần 400.000 lượt khách, tương đương với tổng lượng khách đến DIFF 2024.
Lễ hội pháo hoa không chỉ làm nóng bầu không khí du lịch tại Đà Nẵng mà còn tạo cú hích đáng kể về kinh tế. Trong tháng 6/2025, doanh thu từ các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành trên toàn thành phố ước đạt khoảng 3.869 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2024. Dự kiến mùa hè 2025, Đà Nẵng sẽ đón khoảng 4,5 triệu lượt khách và doanh thu tiếp tục tăng khi cùng Quảng Nam “về một nhà”.
KẾT NỐI KHÔNG GIAN DU LỊCH
Tại hội thảo “Du lịch Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới: Hội nhập và bứt phá”, các chuyên gia nhất trí rằng việc sáp nhập hai địa phương sẽ phá vỡ những giới hạn trong việc thiết kế sản phẩm du lịch. Một trong những điểm sáng là sự hình thành các tuyến tour liên tuyến - đa điểm kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết: “Việc kết nối tài nguyên du lịch giữa hai địa phương giúp doanh nghiệp mở rộng biên độ khai thác. Các tuyến du lịch sinh thái - di sản - biển đảo kết nối từ Sơn Trà đến Cù Lao Chàm, từ Hòa Bắc đến Núi Thành, từ đô thị ven biển đến bản làng miền núi… sẽ hình thành và vận hành liền mạch, tăng trải nghiệm và chiều sâu văn hóa cho du khách”.
Theo ông Thanh, không gian du lịch mới cũng là tiền đề khai thác các tiềm năng đang bị “bỏ ngỏ” hiện nay như hệ sinh thái rừng suối ở Hòa Bắc, Nam Giang; văn hóa Cơ Tu, làng nghề truyền thống, sản vật bản địa (sâm, quế, trà); không gian nông nghiệp hữu cơ, du lịch cộng đồng, du lịch chữa lành. Đây là những nguồn lực tạo nên bản sắc riêng đồng thời dẫn dắt du lịch địa phương phát triển theo xu hướng du lịch xanh - bền vững.
Thực tế trước khi hợp nhất, các vùng như làng rau Trà Quế (Hội An), An Tân, Duy Vinh (Duy Xuyên), Tam Thanh (Tam Kỳ), cùng các làng nghề như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh… đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Trong khi đó, Đà Nẵng cũng có những vùng nông thôn giàu tiềm năng như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên (huyện Hòa Vang cũ)...

Việc hợp nhất giờ đây sẽ giúp các tour trải nghiệm "một ngày làm nông dân" sẽ không còn dừng lại ở Hội An mà có thể mở rộng ra tận vùng cao Hòa Bắc hay các xã giáp ranh như Đại Lộc, nơi dòng sông Vu Gia chảy qua. Nếu có chiến lược đúng đắn, trung tâm Đà Nẵng mới với lợi thế hạ tầng hoàn toàn có thể trở thành “trạm trung chuyển” đưa du khách từ đô thị biển đến với những bản làng nguyên sơ chỉ trong vòng vài giờ.
Từ đó, các tour “xuyên rừng, ngủ bản, nghe cồng chiêng, học dệt thổ cẩm” hay lênh đênh trên những con thuyền giữa lòng hồ mênh mông sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần đa dạng hóa dịch vụ và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
ĐỊNH VỊ VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU
Như vậy, du lịch nông thôn và miền núi chính là “viên ngọc thô” đang chờ được tỉnh "Đà Nẵng mới" đánh thức một cách mạnh mẽ. Đồng thời, phát triển du lịch mang đậm bản sắc, bền vững và hướng về cộng đồng cũng chính là chìa khóa để đi xa trong thời đại hậu sáp nhập và kỷ nguyên kinh tế xanh.
Hiện nay, Đà Nẵng là thành phố lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Hầu như tất cả các loại hình du lịch đều quy tụ tại Đà Nẵng, từ du lịch sinh thái, du lịch di sản, du lịch giải trí cao cấp, du lịch văn hoá – thể thao, du lịch MICE cho đến du lịch nghỉ dưỡng hạng sang. Chỉ riêng về dịch vụ lưu trú, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước với khoảng 80.000 phòng, trong đó tỉ lệ phòng 5 sao cao nhất Việt Nam.

Theo phân tích của The Outbox Company - công ty phân tích dữ liệu cho ngành du lịch, lữ hành châu Á, lượng khách lưu trú quốc tế tại TP.Đà Nẵng sau sáp nhập có thể đạt tới 6,1 triệu lượt khách lưu trú mỗi năm, vượt TP.HCM - nơi đón khoảng 6 triệu khách quốc tế vào năm 2024.
Trong khi đó, tại hội thảo chuyên đề về du lịch xanh tại Hội An mới đây với chủ đề "Mô hình quản lý điểm đến du lịch xanh - Cách tiếp cận từ các bên liên quan", các chuyên gia nhận định vị thế của Quảng Nam (cũ) đã được xác lập là một điểm đến du lịch xanh của khu vực và quốc tế với nhiều doanh nghiệp được trao chứng nhận du lịch xanh. Từ đây, các mô hình du lịch xanh góp phần định hình thương hiệu địa phương mới có thể tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty The Outbox Company, nhận định thách thức lớn nhất là định vị và quảng bá thương hiệu “Đà Nẵng mới” sao cho không bị “trung bình hóa”, nhạt nhòa hay mất bản sắc.
Theo đó, việc tái tổ chức hệ biểu tượng và câu chuyện thương hiệu cần được thực hiện thận trọng. Cần tránh “tổn thương” bản sắc cũ cũng như gây khó khăn cho việc nhận diện từ phía du khách và người dân địa phương.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ thương hiệu riêng của từng địa phương bị mờ nhạt sau quá trình hợp nhất. “Để định vị thương hiệu, Đà Nẵng cần xác định rõ các giá trị cốt lõi. Từ đó xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới có chiều sâu và khả năng bao phủ vùng, nhưng vẫn gắn kết với hình ảnh Đà Nẵng hiện đại đã được định vị trước đó.
Đáng chú ý, Đà Nẵng đang là điểm đến của dòng khách golf khi liên tục đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn về golf. Sau khi hợp nhất, Đà Nẵng sở hữu một loạt các sân golf đẳng cấp quốc tế.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, nhìn nhận Đà Nẵng mới được kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch golf, điểm đến mới cho các tay golf khắp thế giới khi mà hệ sinh thái sản phẩm cho golf hết sức phong phú. Đồng thời, phát triển du lịch golf cũng phù hợp với xu hướng du lịch xanh của địa phương.
Mừng Đà Nẵng, Quảng Nam “về một nhà”, từ ngày 1/7, khu du lịch Sun World Ba Na Hills mang đến chương trình ưu đãi lớn từ nay đến hết năm 2025. Cụ thể, với người dân “Đà Nẵng mới”, mức giá vé cáp treo dành cho người lớn là 600 ngàn đồng/vé, trẻ em và người trên 70 tuổi là 500 ngàn đồng. Với chính sách này, combo vé cáp treo & buffet trưa cũng được ưu đãi tương ứng với 950 ngàn đồng/người lớn, trẻ em và người cao tuổi có giá là 700 ngàn đồng/người.