10:47 24/08/2007

Bát nháo “gạo cao cấp”

Xuân Thái

Người tiêu dùng khi mua gạo ngon, thường nhắm tới thương hiệu là chính, còn xuất xứ thì khó có thể biết đích xác

Đánh vào tâm lý một số người dùng “sính” gạo ngoại, nhiều nhà bán lẻ đã đánh lừa khách hàng bằng cách dùng gạo nội loại ngon, đẹp rồi gắn vào một cái tên rất ngoại rồi bán với giá cũng rất... ngoại.
Đánh vào tâm lý một số người dùng “sính” gạo ngoại, nhiều nhà bán lẻ đã đánh lừa khách hàng bằng cách dùng gạo nội loại ngon, đẹp rồi gắn vào một cái tên rất ngoại rồi bán với giá cũng rất... ngoại.
Mặc dù Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng sự xâm nhập của gạo ngoại từ vài năm trở lại đây đã làm cho thị trường gạo cao cấp trong nước, nhất là các thành phố lớn trở thành vấn đề không chỉ của từng gia đình. Gạo ngoại thậm chí lấn át cả gạo nội ngay tại vựa lúa ĐBSCL.

Tại nhiều đại lý gạo, chợ đầu mối và một số siêu thị khu vực Tp.HCM, các mặt hàng gạo cao cấp với những tên gọi mới như Hồng Hạc, Chín Rồng vàng (Công ty Lương thực Tiền Giang), Trạng Nguyên (Công ty Lương thực sông Hậu), Nàng hương Chợ Đào, Tài nguyên Chợ Đào, Tài nguyên thơm (Long An - MECOFOOD), đã sánh vai cùng dẻo Thái, thơm Thái, thơm Đài Loan, Hàn Quốc, thơm Nhật, Jasmine... và trở nên phổ biến, gần gũi với người tiêu dùng.

Đánh vào tâm lý sính chuộng gạo ngoại

Vài năm trở về trước, thị trường gạo cao cấp này thường là “đặc quyền” của một số người dùng có nhiều tiền, bởi giá khá cao. Giá 1kg gạo thơm Hàn Quốc lên đến 18.000 đ/kg; gạo thơm Đài Loan giá 8.600 đ/kg. Gạo Nàng hương Chợ Đào, dù cho là không “chính gốc” cũng có giá từ 7.500 - 8.000 đ/kg. Ngoài ra, thị trường còn có sự tham gia của một số sản phẩm gạo từ châu Âu như Hà Lan, Pháp...

Một vài chuyên gia am hiểu về thị trường gạo cho biết, giá gạo ngoại nhập theo đường chính ngạch thường có giá bán rất cao vài chục ngàn một kg và thường nhập về theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, khách sạn, quán ăn thuần túy như nhà hàng Hàn Quốc, nhà hàng Nhật... nhằm phục vụ cho thực khách riêng của mình. Không nhiều người Việt Nam được ăn loại gạo “đặc sản” này.

Riêng gạo cao cấp có thương hiệu trong nước thì có bao bì khá bắt mắt và khá tiện ích. Trọng lượng từ 2kg đến 10 kg, trên nhãn có ghi hướng dẫn cách nấu cho mỗi loại, ngày sản xuất, ngày sử dụng, tên doanh nghiệp sản xuất.

Nhiều người dùng cho biết, rất thích những loại gạo này, do khi mua vào cảm thấy yên tâm hơn và cũng dễ bảo quản, nấu nướng, hương vị đa dạng, phong phú, ăn một lần là thấy “mê” liền!

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): “Phần lớn gạo có thương hiệu là gạo đặc sản, chủ yếu là trong nước, gạo nhập chiếm một tỷ lệ rất thấp”. Nguyên do là tâm lý người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen với các chủng loại gạo nội, dễ ăn, giá vừa phải.

Mặt khác, người tiêu dùng khi mua gạo ngon, thường nhắm tới thương hiệu là chính, còn xuất xứ thì khó có thể biết đích xác đâu là gạo ngoại xịn, đâu là gạo nội được đóng mác ngoại.

Đánh vào tâm lý một số người dùng “sính” gạo ngoại, nhiều nhà bán lẻ (thậm chí đại lý bán sỉ) đã đánh lừa khách hàng bằng cách dùng gạo nội loại ngon, đẹp rồi gắn vào một cái tên rất ngoại rồi bán với giá cũng rất... ngoại. Một trong những loại gạo ngoại này là gạo thơm Thái, dẻo Thái AAA, thơm dẻo Khawdakmali.

“Công nghệ” pha trộn, đánh bóng thương hiệu

Chủ một đại lý buôn gạo sỉ miền Tây ở Gò Vấp - Tp.HCM cho biết, khi giao hàng chính gốc miền Tây cho các cửa hàng bán lẻ tại đây, họ tự ý pha trộn, ướp hương liệu theo chủng loại rồi đóng bịch, dán mác ngoại và nghiễm nhiên thành gạo ngoại.

Hương liệu thì không khó tìm ở đất Sài thành này. Chợ Kim Biên có đủ tất cả các loại hương liệu, từ dành cho gạo, nước hoa đến dành cho cà phê, trà. Khách hàng chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ là cần gì có nấy.

Người tiêu dùng từng bị lừa bởi gạo Nàng hương Chợ Đào giả, bây giờ đến lượt gạo ngoại “dỏm”. Có một điều mà nhiều người tạm chấp nhận khi mua những chủng loại này là dẻo và thơm ngon. Còn ngoại thật hay ngoại dỏm họ cũng không quá bận tâm. Một chủ cửa hàng gạo miền Tây trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, Tp.HCM bật mí như vậy.

Gạo ngoại đến tận vựa thóc miền Tây. Rất nhiều vựa gạo lớn ở miền Tây như Cần Thơ, Sóc Trăng... đều bày bán gạo Thái Lan, thơm đặc biệt Đài Loan dù không thiếu những loại gạo nội cao cấp khác. “Như vậy cho dễ bán” đó là nhận xét của nhiều đại lý ở đây.

Bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, Tp.Cần Thơ cho biết: “Gạo Thái Lan vào thị trường trong nước nói chung và miền Tây nói riêng, có nhưng rất ít, chủ yếu phục vụ cho lớp người trung thượng lưu”.

Bà Sương cũng cho biết thêm: “Gạo ngoại thật chủ yếu là giống của Thái được đem về trồng trong nước. Ngoài ra, cũng có một số lượng khá nhiều được người dân nhập lậu từ Campuchia theo dạng thóc, rồi về Việt Nam xay ra... gạo Thái Lan. Trong khi gạo “ngoại” tại Tp. HCM gần như chen vai với gạo nội, thì tại miền Tây, thị trường này vẫn chưa áp đảo được gạo nội.

Doanh nghiệp không thể bỏ ngỏ thị trường

Vẫn bà Trần Ngọc Sương cho biết, thị trường gạo nội, nội cao cấp hầu hết do tư thương có quy mô nhỏ chi phối, họ dễ dàng “lách” thuế và đem đến cho người dùng giá vừa phải, dù hầu như nguồn này không có thương hiệu hoặc nguồn gốc không rõ ràng. Gạo có thương hiệu thì “vướng” khoản thuế VAT 5% nên rất khó cạnh tranh.

Lấy ví dụ, Nông trường sông Hậu đã xây dựng được thương hiệu gạo Sohafarm nhưng mấy năm nay chỉ để xuất khẩu hoặc chỉ vào dịp lễ Tết mà chưa tham gia được thị trường gạo nội địa. Công ty Xuất nhập khẩu Vật tư-Nông nghiệp Đồng Tháp cũng chỉ bán được trong tổng số hơn 200 nghìn tấn gạo xuất khẩu mỗi năm cho thị trường nội địa.

Bà Ngọc Sương cho biết thêm: “Các doanh nghiệp trong nước cần có những giải pháp hữu hiệu nắm lấy thị trường thương hiệu gạo nội cao cấp này. Bởi nếu không, gạo cao cấp đến tay người tiêu dùng vẫn là gạo không thương hiệu, trong khi đây là xu thế chung của hội nhập.

Ngoài ra, chính sách thuế cũng cần cởi trói cho hạt gạo thơm Việt Nam ngay tại sân nhà. Đặc biệt là không thể đem gạo Việt Nam đóng mác chất lượng nội địa ra bên ngoài mãi được. Các tiêu chuẩn quốc tế như GAP, HACCP... là một đòi hỏi không thể thiếu trong tiến trình hội nhập”.