Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã "cập nhật" số liệu về môi trường Thủ đô thế nào?
Không sử dụng số liệu cũ từ 14 năm trước nữa song báo cáo mới cũng chẳng đề cập gì đến mức độ ô nhiễm môi trường Hà Nội hiện nay
Không sử dụng số liệu cũ từ 14 năm trước nữa song báo cáo mới cũng chẳng đề cập gì đến mức độ ô nhiễm môi trường Hà Nội hiện nay.
Báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô, hoàn thành ngày 17/10, vẫn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Như VnEconomy đã thông tin, tại báo cáo về nội dung này được gửi đến đại biểu Quốc hội hồi đầu tháng 10/2019, Bộ Tư pháp đã sử dụng số liệu thể hiện sự ô nhiễm của môi trường Thủ đô từ 2005.
Sau khi báo chí lên tiếng, Bộ Tư pháp đã có thông cáo báo chí, cảm ơn sự góp ý kịp thời và đầy trách nhiệm của các cơ quan báo chí và cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến này trong quá trình hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về thi hành Luật Thủ đô, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Bản thông cáo đó còn cho biết, hiện Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan đánh giá bổ sung việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô, rà soát, kiểm tra và cập nhật số liệu, trong đó có số liệu về ô nhiễm môi trường không khí Thủ đô mà báo chí đã phản ánh.
Vậy, việc cập nhật đã được thực hiện thế nào?
Tại báo cáo mới, phần kết quả có thêm đoạn sau: "Thành phố đã xây dựng phương án, lộ trình xử lý, khắc phục ô nhiễm tại các kênh mương, ao hồ, các điểm tập kết rác thải, hiện tại, các quận huyện và thị xã đã và đang tích cực triển khai xử lý, khắc phục ô nhiễm, đã nạo vét bùn, hệ thống thoát nước với tổng khối lượng năm 2017 là 134.534m3; năm 2018 là 166.610 m3; dự kiến năm 2019 là 174.468 m3 chú trọng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường.
Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định số 5168/QĐ-UBND ngày 8/10/2014 về việc phê duyệt chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội tỷ lệ 1/500; tổ chức chức cắm mốc giới hành lang sông Nhuệ, chỉ giới hành lang thoát lũ và đê điều sông Đáy.
Kết quả đã kiểm tra, xử lý 50/57 trường hợp vi phạm với diện tích lấn chiếm khoảng 4.596,5 m2 đất, trong đó đã phát hiện, xử lý được 01/01 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất hành lang sông Nhuệ. Qua rà soát, đến nay trên tuyến sông Nhuệ thuộc địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn 48 công trình vi phạm hành lang bảo vệ hệ thống sông Nhuệ (vi phạm từ nhiều năm trước), Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo xử lý".
Phần hạn chế thì các số liệu trong" thống kê gần đây nhất" đã không còn xuất hiện.
Ô nhiễm nguồn nước và không khí trên địa bàn Thành phố đang xảy ra khá phổ biến đã được sửa thành xảy ra ở một số điểm.
Báo cáo trước nêu "qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã của Thành phố cho thấy đã có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Tốc độ đô thị hóa của Thành phố càng diễn ra nhanh chóng bao nhiêu, thì đi kèm với đó là chất lượng môi trường đã và đang giảm sút nghiêm trọng".
Báo cáo mới "cập nhật": "Năm 2017, qua rà soát, kiểm tra tại 21/30 quận, huyện, thị xã có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Tốc độ đô thị hóa của Thành phố diễn ra nhanh chóng đã tác động xấu đến chất lượng môi trường.
Như vậy, mặc dù "hứa" là sẽ "cập nhật" nhưng chỉ có phần kết quả là đến 2019 còn hạn chế chỉ đến 2017.
Trong khi đó, ô nhiễm môi trường của Thủ đô có lẽ chưa lúc nào đáng báo động như bây giờ. Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 đang diễn ra của Quốc hội, đều đề cập đậm nét.
Chỉ có báo cáo chuyên về Thủ đô thì không có chữ nào.