13:34 02/10/2016

Bộ trưởng “chỉ sợ quy định không hợp lòng dân”

Bạch Dương

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phản hồi những ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định 19

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Bộ Công Thương vừa phát đi thông báo về nội dung trong một cuộc họp của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh với thành viên ban soạn thảo Nghị định 19, về quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản, tổ chức ngày 30/9.

Trong đó, nhiều ý kiến tranh cãi về các quy định chưa phù hợp với thực tế, thiếu rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp… đã được đưa tra bàn luận.

Không ngại giải trình với Chính phủ

Trong thông báo, Bộ trưởng Tuấn Anh yêu cầu Vụ Công nghiệp nặng có văn bản trả lời Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định, điểm nào chưa được thì tiếp thu chỉnh sửa hoặc bãi bỏ, quy định nào giữ phải có giải trình rõ ràng.

“Mục đích xây dựng nghị định của chúng ta là tốt nhưng cách đặt vấn đề của chúng ta vẫn chưa sát cần phải tư duy lại và thay đổi. Luật đặt ra là quản lý có hiệu quả, tạo hành lang pháp lý bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển chứ không phải đẻ ra một loại giấy phép con mới để hành doanh nghiệp, cần phải làm rõ mục tiêu quản lý của nghị định này”, ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng chia sẻ, những ngày qua ông đã đọc tất cả các ý kiến đóng góp từ VCCI, báo chí, doanh nghiệp… Cá nhân ông cảm thấy đau xót trước những ý kiến cho rằng Bộ Công Thương vì doanh nghiệp lớn giết chết doanh nghiệp nhỏ hay luật xây dựng trên cơ sở lợi ích nhóm…

Theo ông, mục tiêu xây dựng dự thảo là tốt đẹp nhằm tạo cơ sở cho doanh nghiệp phát triển, bảo vệ môi trường, an toàn người lao động, bảo tồn tài nguyên quốc gia.

Mục đích tốt đẹp nhưng bị nhìn nhận sai như vậy, có phần lỗi của ban soạn thảo khi chưa công khai minh bạch thông tin, chưa rộng đường dư luận để mọi thành phần trong xã hội có thể đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định.

“Khi vẫn còn những phàn nàn, ý kiến trái chiều chưa đồng thuận tức là vẫn còn vấn đề ban soạn thảo cần tiếp thu, cân nhắc, chỉnh sửa. Chúng ta không sợ chậm ban hành. Tôi không ngại việc phải lên giải trình với Chính phủ vì việc chậm ban hành, mà chỉ sợ quy định đưa ra không hợp lòng dân, không đúng mục tiêu về Chính phủ kiến tạo, xóa bỏ các rào cản để doanh nghiệp phát triển”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Lần thứ ba lấy ý kiến

Nghị định quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản đã qua hai lần dự thảo với nhiều cuộc họp lấy ý kiến của ban soạn thảo và các bộ, ban ngành liên quan.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khoáng sản là một nguồn lực của quốc gia và là nền tảng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Số liệu từ Liên minh Khoáng sản cho thấy, Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới.

Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới.

Thời gian qua, ngành công nghiệp này tăng trưởng nóng về quy mô với hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau, với khoảng 170 doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chỉ mới điều chỉnh đến hoạt động thăm dò khai thác chứ chưa điều chỉnh đến hoạt động chế biến.

Trong khi đó, khai thác và chế biến khoáng sản tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động xấu và nghiêm trọng đến môi trường và ảnh hưởng trên phạm vi sâu rộng như chiếm dụng nhiều đất, sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình, biến đổi dòng thủy văn do đổ thải, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí, bụi, ồn, phóng xạ, chất thải cực độc, thay đổi cảnh quan thiên nhiên, phá hủy hệ sinh thái… tác động trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Theo Bộ Công Thương, nghị định nói trên ra đời sẽ là cơ sở để nâng cao năng lực của doanh nghiệp ngành khai khoáng, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cấp vai trò, trách nhiệm, quản lý Nhà nước về khoáng sản từ khai khai thác đến sử dụng khoáng sản…

Nghị định sẽ tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp xây dựng để hoàn thiện dự thảo lần ba, dự kiến vào đầu tháng 10.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp gas đã có ý kiến lo lắng Nghị định 19 sẽ “ép chết” hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ, buộc họ phải rời bỏ thị trường. Sự việc nóng lên giữa tuần qua khi Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn để người dân, doanh nghiệp được lên tiếng về công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ.