16:39 06/01/2023

Giảm lỗ sâu hơn 400 tỷ đồng, ngành đường sắt phấn đấu có lãi từ năm 2023

Ánh Tuyết

Dù giảm lỗ sâu và kinh doanh vận tải đường sắt có nhiều khởi sắc sau nhiều năm chìm sâu trong thua lỗ, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn âm 130 tỷ đồng. Ngành đường sắt phấn đấu năm 2023 cải thiện tình hình tài chính và hướng đến có lãi...

Năm 2022, kinh doanh vận tải đường sắt bắt đầu báo lãi sau nhiều năm khó khăn. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn âm 130 tỷ đồng.
Năm 2022, kinh doanh vận tải đường sắt bắt đầu báo lãi sau nhiều năm khó khăn. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn âm 130 tỷ đồng.

Chiều ngày 5/1 tại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2023. Sau hai năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt từng bước hồi phục với nhiều tín hiệu khả quan như sản lượng, doanh thu vượt xa so với kế hoạch; tai nạn giao thông đường sắt tiếp tục giảm ở cả ba tiêu chí; kinh doanh vận tải có nhiều khởi sắc và bắt đầu có lãi; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người lao động…

LẮNG NGHE THỊ TRƯỜNG, KINH DOANH VẬN TẢI ĐẢO CHIỀU BÁO LÃI

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo VNR cho biết năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo đó, doanh thu hợp nhất của tổng công ty đạt hơn 7.700 tỷ đồng, bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm; giảm lỗ 407 tỷ đồng so với năm 2021, tuy nhiên vẫn còn lỗ khoảng 130 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của công ty mẹ đạt 5.368 tỷ đồng, vượt 33,8% so với cùng kỳ và vượt 23% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước giao.

Đặc biệt, sản lượng vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đạt nhiều kết quả nổi bật, đem đến tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng. Trong đó, vận tải hành khách bằng đường sắt tăng mạnh do bố trí biểu đồ, lịch trình và lựa chọn tuyến vận tải hợp lý, khoa học phù hợp với nhu cầu của hành khách và năng lực phục vụ.

 

Vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, vận chuyển hành khách của đường sắt năm 2022 đạt 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 310,7% cùng kỳ. Vận chuyển hàng hóa đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100,8% cùng kỳ.

Tỷ lệ tàu đi đúng giờ đối với tàu khách Thống Nhất chạy tuyến Bắc-Nam đạt 98,9%; đến đúng giờ đạt 77,4%. Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ 97,7% (tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021); đến đúng giờ 84,6% (tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021).

Năm 2022, tổng công ty kiên trì triển khai các giải pháp nâng cao sản lượng, doanh thu vận tải như: tận dụng tối đa năng lực chạy tàu, điều hành thực hiện biểu đồ chạy tàu hiệu quả, xây dựng hành trình và tổ chức chạy thêm nhiều đôi tàu để đáp ứng nhu cầu của hành khách tăng cao trong dịp nghỉ hè, nghỉ lễ.

Song song với đó, các đơn vị vận tải còn chủ động xây dựng chính sách giá vé linh hoạt, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách hàng.

Điểm đáng chú ý là các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như food tour tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tàu cao cấp tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn (The Vietage)...

Đặc biệt, năm 2022 là năm kinh doanh vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau nhiều năm khó khăn do cạnh tranh khốc liệt của các loại hình vận tải khác và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cùng với đó, tổng công ty cũng xây dựng biểu đồ chạy tàu sau hè 2022 và biểu đồ chạy tàu Tết Nguyên đán 2023 để các công ty vận tải chủ động triển khai phương án bán vé Tết.

Sau khi mở bán, từ ngày 25/10 đến ngày 2/12/2022 đã bán được 129.257 vé tàu Tết. Để hành khách dễ dàng mua vé đi tàu, ngành đường sắt đã mở thêm hình thức đại lý bán vé trực tuyến. Đồng thời, điều chỉnh giá vé linh hoạt, xây dựng phương án giá nguyên đoàn cho các khách hàng có số lượng vận chuyển lớn.

Cùng với đó, công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng được các đơn vị tổ chức thực hiện đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng bảo đảm. Các đơn vị cũng tích cực, chủ động ứng phó bão, lũ, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai gây ra.  

BA TRỤ CỘT ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐƯỜNG SẮT

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, nhấn mạnh năm 2022 đánh dấu mốc phục hồi của nền kinh tế, trong đó có ngành đường sắt, sản lượng vận tải tăng, giảm lỗ sâu so với kế hoạch, có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải gợi mở ngành đường sắt cần xác định 3 trụ cột.

Một là, kết cấu hạ tầng bao gồm bảo trì và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng.

Hai là, cung cấp dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa. Sản phẩm cuối cùng của đường sắt là vận tải, cung cấp cho người dân và doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa.

Ba là, cơ khí đường sắt. 

Ngành đường sắt có bộ máy, tổ chức, cơ sở vật chất nhưng chưa năng động, mới chỉ tập trung vào sản xuất đầu máy, toa xe phục vụ ngành và các đơn vị vận tải.

Thứ trưởng cũng cho hay Bộ Giao thông vận tải rất quan tâm đến phát triển đường sắt. Ngoài gói 7.000 tỷ đồng nâng cấp kết cấu hạ tầng chạy tàu đã triển khai còn tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt, bởi nâng cấp đường sắt sẽ giúp phát triển vận tải.

Đặc biệt, để tháo gỡ những vướng mắc từ cơ chế, Tổng công ty là chủ thể chịu tác động lớn, cần chủ động phối hợp, đề xuất giải pháp. Đối với công tác tái cơ cấu cần xác định là việc làm thường xuyên, tuy nhiên, không nên quá nặng về hình thức, tách ra nhập vào các đơn vị mà quan trọng là giải pháp hiệu quả. 

“Bộ Giao thông vận tải luôn đồng hành của doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần đặt ra các nhiệm vụ này trong năm 2023 để chỉ đạo điều hành, có giải pháp thực hiện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đề cập tới các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023, Tổng giám đốc VNR cho biết sẽ tiếp tục xây dựng biểu đồ chạy tàu phù hợp với năng lực hạ tầng và phương tiện; hoàn thiện các phương án về giá dịch vụ; khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ.

Cùng với đó, tổng công ty sẽ triển khai hoàn thành kế hoạch quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2023 theo đúng các quy định tại hợp đồng và các tiêu chuẩn, chất lượng hiện hành, đảm bảo tiến độ giải ngân…

 

Năm 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng và doanh thu bằng 103% trở lên so với năm 2022 và phấn đấu cân bằng thu - chi trong hoạt động sản xuất kinh doanh chính, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động; nỗ lực phấn đấu đảm bảo tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ đạt 77% trở lên.