08:00 25/01/2023

Cơ hội để ngành vận tải hàng hóa hàng không “cất cánh”

Anh Tú

Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và ứng viên sáng giá trong làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội cho ngành vận tải hàng hóa hàng không “cất cánh” khi chứng kiến sự “đổ bộ” của nhiều ông lớn nước ngoài cũng như các hãng vận tải hàng không trong nước nóng lòng lập hãng hàng không chuyên biệt để giành lại thị phần...

Cứ mỗi 10 năm, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam tăng gấp 2,5 lần giai đoạn trước.
Cứ mỗi 10 năm, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam tăng gấp 2,5 lần giai đoạn trước.

Sau hơn 30 năm phát triển, thị trường vận tải hàng hóá đường hàng không tại Việt Nam chứng kiến bước tăng trưởng ngoạn mục, với tốc độ bình quân thời kỳ 1991-2022 là 15,3%/năm.

Bất chấp khó khăn từ đại dịch Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng, năm 2021, trong khi sản lượng hành khách tụt dốc thẳng đứng, sản lượng hàng hoá vẫn tăng trưởng đột biến đạt 1,5 triệu tấn cùng giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng vọt. Nối tiếp đà tăng trưởng khả quan, trong 11 tháng đầu năm 2022, ngành hàng không vận chuyển 1,28 triệu tấn hàng, trong đó, riêng hàng quốc tế vận chuyển tới 1,02 triệu tấn.

Tuy nhiên, trong hơn 1 triệu tấn hàng quốc tế vận chuyển bằng đường hàng không trong 11 tháng, các hãng hàng không Việt chỉ đảm nhận 129 nghìn tấn, với thị phần 12,6%.

 

Dù nhiều tiềm năng nhưng hoạt động vận tải hàng hóa chuyên biệt vẫn là khoảng trống với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam. Sự thiếu hụt này khiến 80-90% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không tại Việt Nam do 29 hãng hàng không nước ngoài đến từ 16 quốc gia tham gia khai thác và tiếp tục chứng kiến sự tiến công của các “ông lớn” quốc tế.

Song, có một tín hiệu vui là dù IPP Air Cargo rút lui và xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không nhưng “tân binh” VUAir Cargo ra mắt từ sự kết hợp giữa Vietravel Airlines và Công ty Asean Cargo Gateway (ACG) để phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hoá hàng không.

Mục tiêu của hãng bay này là mở dịch vụ chuyên chở hàng hóa ở châu Á với 2 - 4 chiếc máy bay chuyên dụng B737-800F trong năm đầu tiên và dự kiến tăng gấp đôi trong năm tiếp theo. Hay Bambooo Airways công bố thành lập Công ty cổ phần Hàng hóa Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways Cargo (BAC) từ đầu năm nay.

Trong bàn tròn số Xuân Quý Mão 2023, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy ghi nhận lại ý kiến của những doanh nghiệp, chuyên gia về tiềm năng tăng trưởng thị trường vận tải hàng hóa hàng không Việt Nam thời gian tới và gợi mở nhiều điều giúp các hãng hàng không Việt sớm nhìn nhận ra cơ hội và giành thêm thị phần trên sân nhà.

SUY GIẢM LÀ NHẤT THỜI, THỊ TRƯỜNG SẼ SỚM KHỞI SẮC

Hàng hóa hàng không chiếm một vị trí độc nhất trong thương mại thế giới. Cụ thể, trọng lượng vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không chưa đến 1% nhưng chiếm tới 35% giá trị thương mại thế giới. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và khả năng sinh lời của hàng hóa hàng không.

Ông J. Michael Carson Giám đốc kinh doanh Boeing khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ.
Ông J. Michael Carson Giám đốc kinh doanh Boeing khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ.

Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch, thế giới đánh giá cao tầm quan trọng cũng như độ tin cậy khi vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không... Hàng không cũng thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại điện tử bùng nổ trong đại dịch.

Điều này minh chứng khi trước đại dịch, 60% hàng hóa chở bằng máy bay chở hàng và khoảng 40% hàng hóa được vận chuyển ở boong dưới máy bay chở khách xuyên Thái Bình Dương.

Cơ hội để ngành vận tải hàng hóa hàng không “cất cánh” - Ảnh 1

Tuy nhiên, sau đại dịch, vận chuyển hàng hoá chứng kiến bước chuyển dịch mới, khi 81% hàng hóa vận chuyển bằng máy bay chở hàng và chỉ còn 19% dùng máy bay chở khách.

Cùng với đó, năm 2019, doanh thu vận chuyển hàng hóa đường hàng không khoảng 100 tỷ USD thì đến năm 2021, con số này tăng vọt lên 170 tỷ USD. Giá cước vận tải hàng không cũng tăng cao, từ mức trung bình 1,84 USD/kg trước dịch lên 3,82 USD/kg trên toàn cầu hiện nay, thậm chí có những khu vực, giá cước lên tới 10 USD/kg nhưng đã giảm và ổn định hơn.

Dự báo trong 20 năm tới, đội tàu bay dùng chuyên biệt trong vận tải hàng không thế giới sẽ tăng 60% để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ mức 2.240 chiếc lên tới 3.610 đến năm 2041.

Trước mắt, thị trường đang suy giảm do nhiều nền kinh tế suy yếu và những lo ngại về suy thoái kinh tế vào năm 2022-2023 nhưng sẽ khởi sắc trở lại vào năm 2024-2025 và duy trì mức tăng trưởng ổn định từ 8-10% đến cuối thập kỷ.

Thời gian tới, theo dự báo, lưu lượng hàng hóa đến, đi và trong khu vực Đông Á tiếp tục là thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới và Việt Nam sẽ là thị trường hàng hóa hàng không tại khu vực này có tốc độ phát triển nhanh nhất trên tuyến xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên cần lưu ý, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là một mô hình kinh doanh riêng biệt, không thể dựa vào mạng bay hay quy hoạch đội bay chở khách mà cần đầu tư bài bản hơn.

BỐN GỢI Ý ĐỂ DOANH NGHIỆP VIỆT GIÀNH THÊM THỊ PHẦN

Thị trường hàng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng trong khi các hãng bay Việt Nam chỉ vận chuyển khoảng 10% sản lượng hàng hóa và phụ thuộc phần lớn vào các công ty giao nhận nước ngoài. Như vậy, dư địa vẫn còn rất lớn để giành lấy thị phần, tuy nhiên sẽ cần lưu ý nhiều yếu tố.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục vận chuyển hai chiều, đây là cơ hội để đầu tư mở rộng lĩnh vực này.

Thứ hai, hàng không cạnh tranh trong môi trường quốc tế và đầu tư lớn. Vận chuyển hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nhiều hãng có tiềm lực và kinh nghiệm chuyên chở hàng chục năm, do đó, các hãng hàng không trong nước cần nâng cao năng lực.

Thứ ba, việc đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết và cần sớm được quan tâm đúng mức.

Thứ tư, cơ quan quản lý và các địa phương cần sớm đưa ra định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển vận tải hàng hóa trong lĩnh vực hàng không.

Theo đó, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phải tập trung thực hiện nhanh, không chỉ giải quyết những ách tắc hiện nay mà còn phải thu hút thêm nguồn tài chính, nhà đầu tư để dành địa điểm gom tụ hàng lớn và sớm hình thành ga hàng hóa tại các sân bay.

HÀ NỘI NHIỀU TIỀM NĂNG, CƠ HỘI MỞ ĐƯỜNG BAY THẲNG

Có nhiều lý do khiến chúng tôi quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Trong mỗi chu kỳ 10 năm, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam tăng đều đặn, gấp 2,5 lần giai đoạn trước.

Bà Đoàn Bích Thuỷ, Giám đốc Quốc gia Việt Nam Lufthansa Cargo.
Bà Đoàn Bích Thuỷ, Giám đốc Quốc gia Việt Nam Lufthansa Cargo.

Nhận thấy tiềm năng to lớn từ thị trường của Việt Nam, chúng tôi lựa chọn mở đường bay đến Hà Nội và chuyến bay đầu tiên hạ cánh ở Hà Nội đầu tháng 11 vừa qua.

Hơn nữa, khi những hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Khi đó, sản lượng hàng hoá xuất đi từ Việt Nam đến châu Âu lớn hơn chiều ngược lại, đây cũng là lý do Lufthansa Cargo là hãng hàng không vận tải duy nhất cung cấp đường bay thẳng với tần suất 2 chuyến/tuần từ Hà Nội tới thành phố Frankfurt, một trong những hub - trung tâm lớn nhất của châu Âu. Sau đó, hàng hóa sẽ nhanh chóng được kết nối trên những chuyến bay...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam đặc biệt Xuân Quý Mão 2023 (số 4+5) phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cơ hội để ngành vận tải hàng hóa hàng không “cất cánh” - Ảnh 2