Phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, vận tải hàng không tăng gần 4 lần so với năm 2021
Cục Hàng không Việt Nam cho biết năm 2022, thị trường vận tải hàng không dự kiến đạt 55 triệu khách, tăng 3,7 lần so năm 2021...
Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 do Cục Hàng không Việt Nam vừa tổ chức, lãnh đạo cục đánh giá thị trường hàng không Việt Nam đặc biệt là thị trường nội địa đã có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng.
Điều này chứng minh cho sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải trong thời gian qua cùng với các biện pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt của Cục Hàng không Việt Nam, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để ngành hàng không phát triển, đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững, hiệu quả, an ninh, an toàn; đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Trong đó, thông tin về sản lượng vận chuyển nội địa, Cục Hàng không Việt Nam cho hay ước đạt 43,2 triệu khách, tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019 - thời điểm trước dịch.
Về hàng hoá, 152 nghìn tấn hàng hóa được luân chuyển, tương đương năm 2021 và bằng 60% so với năm 2019.
Về vận chuyển quốc tế đạt 11 triệu khách, tăng 22 lần so năm 2021 và bằng 27% so năm 2019; ước đạt 1,1 triệu tấn hàng hóa, xấp xỉ năm 2021 và tăng 10% so năm 2019.
Theo đó, năm 2022, dự kiến thị trường vận tải hàng không đạt 55 triệu khách, tăng 3,7 lần so năm 2021 và bằng 69,6% so năm 2019. Cùng với đó, sản lượng hàng hoá ước đạt 1,25 triệu tấn, bằng 95% so năm 2021 và tương đương năm 2019.
Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số được Đảng uỷ và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam quan tâm triển khai và chỉ đạo quyết liệt, đổi mới phương thức làm việc truyền thống sang phương thức làm việc trực tuyến, sử dụng nền tảng số tích hợp các chức năng của văn phòng điện tử.
Đối với dự án trọng điểm quốc gia là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Cục Hàng không Việt Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát, họp định kỳ để kịp thời xử lý các công việc phát sinh và báo cáo Bộ Giao thông vận tải...
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trên cơ sở nhu cầu thị trường, khả năng đáp ứng của hạ tầng cảng hàng không, đề nghị của các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam ban hành nhiều chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường công tác chuẩn bị cũng như triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực phục vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của hành khách.
Theo đó, đối với các hãng hàng không, Cục yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chuyến bay, hạn chế tối đa việc chậm trễ; cung cấp thông tin kịp thời cho hành khách, tránh gây bức xúc cho hành khách; xây dựng phương án và điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến trong giai đoạn cao điểm dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Quý Mão năm 2023.
Đồng thời, bố trí nguồn lực, tăng cường khai thác các chuyến bay vào ban đêm, đặc biệt là tăng cường việc khai thác các khung giờ muộn, khung giờ đêm từ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến các cảng hàng không địa phương...
Trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 950 - 990 chuyến/ngày trên các đường bay nội địa. So với lịch bay thường lệ mùa đông 2022/2023, trung bình hàng ngày các hãng hàng không khai thác tăng thêm từ 250-290 chuyến hàng ngày với ghế cung ứng trung bình tăng thêm hàng ngày từ 50 - 60 nghìn ghế trên các đường bay nội địa.
Tổng cộng trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, lượng ghế cung ứng tăng thêm xấp xỉ 1,7 triệu ghế trên các đường bay nội địa với tỷ lệ tăng hơn 33% so lịch bay thường lệ mùa đông 2022/2023.