07:44 27/12/2022

Tăng trưởng hai con số, vận tải thuỷ vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng

Anh Tú

Năm 2022, sản lượng vận tải qua đường thuỷ nội địa có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, hành khách đường thủy nội địa ước đạt 232,4 triệu lượt khách, tăng 48% so với cùng kỳ và vận chuyển 406 triệu tấn hàng, tăng 29%. Tuy nhiên, so với tiềm năng, kinh doanh vận tải thủy nội địa còn khá khiêm tốn và chưa thu hút được vốn đầu tư tư nhân...

Vốn ngân sách cần làm vốn mồi, làm động lực thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nâng cấp hạ tầng đường thuỷ nội địa, gia tăng thị phần.
Vốn ngân sách cần làm vốn mồi, làm động lực thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nâng cấp hạ tầng đường thuỷ nội địa, gia tăng thị phần.

Ngày 26/12, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023.

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRONG VẬN TẢI THUỶ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy Việt Nam Tống Hoàng Kha, cho biết từ đầu năm 2022, tình hình thế thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. 

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cùng với sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và sự quyết tâm nỗ lực toàn ngành đã phục hồi và phát triển ngành đường thuỷ nội địa đã triển khai mạnh mẽ và nhiều công tác của Cục Đường thủy đạt được một số kết quả nổi bật.

Ông Kha nêu rõ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đường thủy được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh lĩnh vực giao thông đường thủy với các loại hình giao thông truyền thống khác.

 

"Năm 2022, vận tải hành khách đường thủy nội địa ước đạt 232,4 triệu lượt khách, tăng 48% và 4,1 tỷ lượt khách.km, tăng 55%; về hàng hóa đạt 406 triệu tấn, tăng 29% so với năm trước và 97,4 tỷ tấn.km, tăng 43% so với năm trước", lãnh đạo Cục Đường thủy Việt Nam thông tin.

Đặc biệt, công tác quản lý điều hành hoạt động vận tải đường thủy tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Sản lượng vận tải tiếp tục tăng so với năm 2021 và là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy được tập trung triển khai với nhiều giải pháp cụ thể.

Theo đó, Cục đã ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa “Năm An toàn giao thông 2022” và ban hành 22 văn bản gửi Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành phố và các đơn vị trong ngành phối hợp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy tại các bến hành khách, bến khách ngang sông.

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, hoạt động của phương tiện vận tải khách ngang sông, phương tiện thủy thô sơ…

Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cũng tổ chức 13 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa tại các địa phương, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bắc Kạn, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, phòng, chống thiên tai tiếp tục được thực hiện hiệu quả, kịp thời khắc phục những hư hỏng về kết cấu hạ tầng khi xảy ra mưa bão để bảo đảm an toàn cho người dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương.

Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông thủy tiếp tục được nâng cao với nhiều thoả thuận được ký kết, với các mối quan hệ sâu sắc được hình thành trong lĩnh vực giao thông thủy giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Vai trò thường trực thực hiện các Điều ước quốc tế khi đề xuất tháo gỡ được những khó khăn bất cập không nhỏ đã được đặc biệt ghi nhận không chỉ với các doanh nghiệp, cơ quan liên quan mà còn được phía các nước thành viên đánh giá rất cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, công tác quản lý phương tiện, thuyền viên; công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa…

LƯU TÂM CÔNG TÁC BẢO TRÌ, HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN TƯ NHÂN

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam nỗ lực đạt được trong năm vừa qua. 

Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cũng kiện toàn được bộ máy theo hướng tinh gọn hơn, tập trung hơn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước tại các cảng bến tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo của các cấp ngành góp phần giảm thiếu tai nạn giao thông. Đây là sự đóng góp, nỗ lực không mệt mỏi của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, các Cảng vụ, Thanh tra Đường thuỷ nội địa…

"Công tác bảo trì kết cấu hạ tầng, khảo sát đánh giá hiện trạng đang dần đi vào nề nếp và là khởi đầu quan trọng, bước chuẩn bị cho những cải cách lớn hơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục cũng hết sức quan tâm kiểm tra, giám sát việc phân cấp, phân quyền quản lý về cảng bến cho một số địa phương…", Thứ trưởng đánh giá.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Bước sang năm 2023 với nhiều khó khăn phía trước, Thứ trưởng chỉ đạo lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam tiếp tục kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nhân sự.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thành các công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đặc biệt đối với tàu SB; tập trung vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

"Trong bối cảnh kinh doanh vận tải thủy nội địa còn khá khiêm tốn, thu hút xã hội hóa vào lĩnh vực đường thuỷ nội địa chưa được như các lĩnh vực khác, cần đầu tư Nhà nước làm vốn mồi, làm động lực thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải lưu ý.

 

Vận tải đường thủy nội địa có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt về chi phí khi vận tải hàng hóa đường thủy nội địa khi chỉ bằng 1/4 vận tải đường bộ, 1/2 đường sắt. Tuy nhiên, sự phát triển của đường thủy nội địa Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa được quan tâm đúng mức khi hạ tầng vẫn chậm phát triển. Hiện nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng số vốn đầu tư toàn ngành giao thông vận tải, trong khi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa còn hết sức manh mún, quy mô rất hạn chế.

Đến năm 2030, vốn đầu tư công để nâng cấp kết cấu hạ tầng, khai phá tiềm năng hệ thống đường thủy nội địa lên 24.716 tỷ đồng, tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa công cộng như luồng tàu, công trình chỉnh trị, báo hiệu, âu tàu, đập dâng nước… phục vụ đồng thời cho nhiều tuyến vận tải. Còn 39 cụm cảng hành khách và 54 cụm cảng thủy hàng hóa sẽ được kêu gọi đầu tư tư nhân.