Các thương hiệu thời trang Anh ngóng đợi Chứng chỉ Hoàng gia từ Vua Charles III
Theo Hiệp hội Những người nắm giữ Chứng chỉ Hoàng gia (RWHA), khoảng 875 thương hiệu hiện đã mất quyền in huy hiệu hoàng gia trên bao bì. Nổi bật trong số các thương hiệu này có nhiều tên tuổi trong làng thời trang và mỹ phẩm...
Các thương hiệu này đã có Chứng Chỉ Hoàng gia (Royal Warrant) để sử dụng quốc huy dưới thời của Nữ hoàng Elizabeth II. Song giấy phép này nay đã vô hiệu sau khi Nữ hoàng băng hà. Giờ đây, họ phải nộp lại đơn đăng ký dưới thời Vua Charles III, bằng cách chứng minh hoàng gia sử dụng sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, RWHA cho biết các thương hiệu có thể tiếp tục sử dụng quốc huy trong tối đa hai năm nếu "không có thay đổi đáng kể nào trong nội bộ công ty liên quan". Với tư cách là vị vua mới, Vua Charles III sẽ có quyền xem xét và cấp phép các chứng quyền mới.
Sản phẩm cung cấp cho một nữ hoàng khác với một vị vua, vì vậy hiện nhiều thương hiệu thời trang và mỹ phẩm như Burberry, Launer, Barbour, Elizabeth Arden, Clarins… đang lo "sốt vó" nếu không đạt được con dấu chấp thuận mới của Vua Charles III. Nếu điều đó diễn ra, họ sẽ phải gỡ bỏ các chứng chỉ Hoàng gia trên sản phẩm, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các nhãn hàng.
Đối với một số công ty, sự chứng nhận của Hoàng gia là lợi thế quan trọng giúp các sản phẩm của họ nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ các khách hàng. Đồng thời, chứng chỉ này cũng tăng vị thế của các thương hiệu so với các nhãn hàng của đối thủ.
Theo New York Times, trong trường hợp được cấp Chứng chỉ Hoàng gia mới, các doanh nghiệp cũng phải thay thế hình ảnh Nữ hoàng Elizabeth II trong các ấn phẩm quảng cáo của mình, bằng hình vua Charles III. Quá trình thực hiện sẽ tốn nhiều tiền bạc lẫn thời gian của doanh nghiệp. Đơn cử như Heinz, thương hiệu này chỉ được phép sử dụng biểu tượng Nữ hoàng trong 2 năm tiếp theo, tùy trường hợp, sau đó họ sẽ phải thu hồi các chai tương cà để đổi sang sử dụng biểu tượng của vua Charles III.
Chuyên gia Mauro F.Guillen của trường đại học Cambridge nhận định, doanh nghiệp không chỉ phải thay đổi mẫu mã bao bì mà còn phải đổi cả những chi tiết nhỏ nhất. Chẳng hạn, đi kèm quốc huy hoàng gia sẽ là một dòng chú thích bên dưới cho biết thành viên nào của gia đình hoàng gia đã cấp chứng quyền cho thương hiệu. Ví dụ như: "Được chỉ định bởi Nữ hoàng" và bây giờ sẽ được thay bằng “Được chỉ định bởi Nhà vua”.
Được biết, trước đây, ở vai trò thái tử, Vua Charles III đã ban chứng chỉ của riêng mình cho 150 thương hiệu. Trong số đó, có một số thương hiệu thời trang gần như chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được Chứng chỉ Hoàng gia dưới thời Vua Charles III, không chỉ bởi nhận được sự yêu thích lâu dài của tân vương, mà còn bởi chất lượng thực sự của những sản phẩm mà họ làm ra
HENRY POOLE & CO.
Kể từ khi thành lập cửa hiệu may đo đầu tiên trên phố Savile Row vào năm 1846, Henry Poole & Co. đã trở thành địa chỉ lựa chọn của giới hoàng tộc, bao gồm Hoàng đế Napoléon III, Nữ hoàng Victoria, Vua Edward VII, Nhật hoàng Hirohito... Henry Poole & Co. hiện đang nắm giữ kỷ lục với khoảng 40 giấy chứng nhận của hoàng gia. Thương hiệu được Nữ hoàng Elizabeth II cấp giấy chứng nhận từ năm 1952 và hiện vẫn tiếp tục công việc chăm lo cho các tủ trang phục tại lâu đài Windsor. Khoảng 1.200 bộ suits – mỗi bộ có giá khoảng 4.900 đô-la Mỹ – được thực hiện tại đây mỗi năm.
TURNBULL & ASSER
Turnbull & Asser là một trong những thương hiệu danh tiếng về áo sơ-mi và cà vạt, phục vụ Thái tử Charles cùng một số nhân vật đặc biệt như Pablo Picasso và Charlie Chaplin. “Chúng tôi tự hào được trở thành nhà cung cấp áo sơ-mi chính thức cho Hoàng tử xứ Wales kể từ năm 1980,” Giám đốc Steven Quin, người luôn tự hào vì thương hiệu vẫn tạo ra những chiếc áo sơ-mi tại Gloucestershire và Kent, cho biết. Dù rất kín tiếng về khách hàng hoàng gia của mình nhưng Quin cũng tiết lộ rằng, sau khi bị chấn thương ở vai do cưỡi ngựa vào năm 1990, Thái tử Charles – người giờ đã là Vua Charles III - đã đặt may một chiếc áo sơ-mi với dây treo đồng màu.
JOHN LOBB
Thương hiệu đóng giày danh tiếng tại London nhận được sự công nhận từ cả Hoàng thân Philip lẫn Charles khi ông còn là Thái tử. “Những đôi giày bốt đầu tiên của hãng do cụ tổ của tôi thực hiện,” Nicholas Lobb – thành viên thế hệ thứ 5 kiêm nhà quản lý của hãng – cho biết. “Từ Cornwall, ông đến Luân Đôn, và may mắn được đóng giày cho Hoàng tử xứ Wales vào năm 1863.” Những sản phẩm được ưa chuộng nhất của hãng bao gồm giày Oxford Cap và Double Monk. John Lobb từ chối tiết lộ loại giày yêu thích của các thành viên hoàng tộc nhưng cho biết Vua Charles III từng thử đôi giày Oxford đen đầu tiên vào năm 1971 và hiện giày của ông vẫn được đóng theo phom giày ban đầu.
JOHNSTONS OF ELGIN
Hãng sản xuất vải len Johnsons of Elgin mấy năm trước từng được Thái tử Charles yêu cầu khôi phục một mẫu vải cũ có tên gọi Albert Tweed với tông đỏ và xám đan xen tượng trưng cho địa hình đá granite của Aberdeenshire, nơi có trang viên của gia đình. Nổi tiếng với loại vải cashmere được sản xuất tại xưởng Elgin từ năm 1851, Johnstons cũng thu hút được một lượng khách hàng trung thành đối với loại vải Tweed họa tiết rằn ri vùng Scott, giúp người mặc dễ dàng ẩn mình vào khung cảnh thiên nhiên nơi đây.
KINLOCH ANDERSON
Kinloch Anderson hiện là công ty gia đình, một thương hiệu toàn cầu có nguồn gốc lâu đời ở Scotland. Thương hiệu không chỉ sản xuất trang phục tartan và đồng phục cho quân đội nước này, mà còn đảm nhiệm vai trò phục vụ Thái tử Philip, Thái tử Charles, và cả Nữ hoàng Elizabeth II. Và tartan không chỉ đơn thuần là loại vải kẻ ô như những gì mà những người làm việc tại thương hiệu gần 150 năm tuổi Kinloch Anderson này thường nói. Được cho là có nguồn gốc từ một tộc người ở Scotland, các thiết kế tartan của thương hiệu luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.