06:00 06/08/2022

Cảm hứng từ tơ nhện có thể tạo nên tương lai ngành dệt may

Minh Nguyệt

Thời trang là ngành công nghiệp quy mô 2,5 nghìn tỷ USD và có tác động lớn tới môi trường. Các loại sợi tổng hợp như polyester gây ô nhiễm đại dương còn sợi tự nhiên như cotton đòi hỏi diện tích đất trồng lớn và lượng hóa chất khổng lồ...

Theo các nhà tư vấn quản lý McKinsey & Company, ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 2,1 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Để cứu lấy môi trường, việc thời trang ngừng sử dụng vải sợi tổng hợp là điều cần thiết. Bền hơn thép gấp 5 lần, những phẩm chất độc đáo của tơ nhện đã được người Hy Lạp cổ đại công nhận. Gần đây, các nhà khoa học đã xem xét những ứng dụng từ y học đến kỹ thuật của tơ nhện.

Theo tờ Business of Fashion, thậm chí, giới chuyên gia mới đây còn phát hiện ra rằng ngành công nghiệp thời trang hoàn toàn có cơ sở để hy vọng vào một loại sợi vải trong tương lai đa năng như sợi tổng hợp, giá thành ở mức trung bình nhưng chất lượng cao và có chức năng tự phân huỷ.

Một công ty khởi nghiệp của Nhật Bản, Spiber Inc., đang có tham vọng thay đổi tương lai của ngành dệt may. Anh Oliver Syed từ công ty khởi nghiệp này giải thích, thế hệ nguyên liệu tơ nhện đầu tiên rất khó nâng cấp và sản xuất ở quy mô công nghiệp. Do đó, công ty đã phát triển Brewed Protein – loại chất liệu được sản xuất thông qua quá trình lên men vi sinh vật trong các bể chứa lớn sử dụng đường và khoáng chất để sản xuất protein. Công nghệ này có thể được sử dụng để sản xuất nhiều loại sợi và vải dệt với các đặc tính đặc biệt như bóng mượt và mềm như cashmere hoặc có khả năng hút ẩm và điều chỉnh nhiệt như len.

Công ty này tin rằng sợi Brewed Protein có tiềm năng đáng kể để thay thế các vật liệu có hại cho môi trường. Các phân tích ban đầu chỉ ra rằng vật liệu này có thể tái tạo, phân hủy sinh học và nó có thể giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất, đồng thời mang lại cơ hội để nghiên cứu các chức năng khác với chi phí cạnh tranh.

Cảm hứng từ tơ nhện có thể tạo nên tương lai ngành dệt may - Ảnh 1
Sợi Brewed Protein đã được sử dụng trong các bộ sưu tậpcủa thương hiệu thời trang đường phố Nhật Bản Sacai và trang phục ngoài trời của The North Face Nhật Bản.
Sợi Brewed Protein đã được sử dụng trong các bộ sưu tậpcủa thương hiệu thời trang đường phố Nhật Bản Sacai và trang phục ngoài trời của The North Face Nhật Bản.

Sản phẩm “The Sweater” ra mắt với sự hợp tác với thương hiệu đồ trượt tuyết Nhật Bản Goldwin là sản phẩm thương mại thứ ba sử dụng công nghệ này, sau khi Brewed Protein đã được sử dụng trong các bộ sưu tập phiên bản giới hạn của thương hiệu thời trang đường phố Nhật Bản Sacai và trang phục ngoài trời của The North Face Nhật Bản. Áo len này được sản xuất giới hạn, bạn chỉ có thể mua được bằng cách tham gia chương trình xổ số trực tuyến để giành được cơ hội mua nó với giá 800 USD.

Gần đây nhất, một bộ sưu tập mang phong cách Haute Couture đã được trình diễn trên sàn catwalk, với sự hợp tác của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Yuima Nakazato. Bộ sưu tập thời trang cao cấp dành cho mùa Thu - Đông này được làm gần như hoàn toàn từ Brewed Protein và đã được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Paris năm nay.

Trong đó, có một chiếc thiết kế được làm bằng 100% vật liệu Brewed Protein:  một chiếc váy dạ hội dài đi kèm áo choàng lạ mắt, với tông màu ombré trắng và đỏ loang trên vải một cách tự nhiên. "Sẽ có một sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp thời trang, nơi mà sự bền vững không còn chỉ là một khẩu hiệu, mà là phương pháp lựa chọn. Các vật liệu sinh học có thể phát triển và sẽ sớm không bị giới hạn bởi năng lực sản xuất hoặc chi phí," đại diện công ty Spiber nói.

Bộ sưu tập được làm gần như hoàn toàn từ Brewed Protein và đã được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Paris năm nay.
Bộ sưu tập được làm gần như hoàn toàn từ Brewed Protein và đã được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Paris năm nay.

Kenji Higashi, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của Spiber cho biết: “Hiện tại, công ty đang mở rộng quy mô sản xuất và sẵn sàng cho việc ra mắt thương mại toàn bộ hàng dệt may của mình”. Theo công ty, Spiber đã huy động được khoảng 100 tỷ yên (783 triệu USD) từ các nhà đầu tư bao gồm các công ty tài chính Carlyle và Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cùng với các khoản tài trợ từ các tổ chức chính phủ và quỹ phát triển khởi nghiệp.

Khoản tài trợ này sẽ cho phép công ty mở rộng thêm một nhà máy nhỏ ở Thái Lan vào cuối năm nay ngoài nhà máy thí điểm ở Yamagata và một cơ sở lớn hơn ở Mỹ vào năm sau. Anh Higashi cho biết việc mở rộng quy mô sẽ giúp giá thành của Brewed Protein giảm. Vào cuối năm 2023, hãng có thể sản xuất hàng nghìn tấn Brewed Protein. Higashi cho rằng công ty có đủ phương tiện để tạo ra các giải pháp cho phép giá trị của thời trang “tròn trĩnh” hơn.

Trong khi đó, tại phòng thí nghiệm công ty Bolt Threads ở thung lũng Silicon, Mỹ, nhà sáng lập kiêm CEO Dan Widmaier cùng hai đồng sáng lập David Breslauer và Ethan Mirsky đang sản xuất tơ nhện nhân tạo. Mô tả quy trình, Widmaier lấy ra một bình chứa từ tủ lạnh. Trong đó chứa những giọt nấm men cứ 4 giờ lại nhân đôi. Khi sẵn sàng vào lò lên men, chúng được lắc và khuấy trộn giống quá trình nấu bia nhưng oxy thêm vào để ngăn hóa cồn. "Đó là cách có thể tạo ra một loại tơ", Widmaier nói. 

Trong khi những nhà nghiên cứu tơ nhện khác tập trung cho mục đích quân sự hay ứng dụng y tế, Bolt Threads hướng đến chất liệu quần áo ưu việt hơn. Ba nhà sáng lập trải qua 4 vòng gọi vốn để có chi phí duy trì nghiên cứu. Nhiều nhà đầu tư đặt tin tưởng vào triển vọng của công ty và Bolt Threads đã gọi vốn thành công 213 triệu USD từ nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc thung lũng Silicon, giúp hãng được định giá 700 triệu USD.

Cảm hứng từ tơ nhện có thể tạo nên tương lai ngành dệt may - Ảnh 2
Cảm hứng từ tơ nhện có thể tạo nên tương lai ngành dệt may - Ảnh 3
 
Cảm hứng từ tơ nhện có thể tạo nên tương lai ngành dệt may - Ảnh 4
Cảm hứng từ tơ nhện có thể tạo nên tương lai ngành dệt may - Ảnh 5
 

Việc áp dụng chất liệu mới không hề dễ dàng. Bolt Threads mất nhiều thời gian mới có thể sản xuất và bán một số lượng ít ỏi cà vạt và mũ làm từ tơ nhện phòng thí nghiệm, chất liệu họ gọi là Microsilk. Nhưng CEO Widmaier tin rằng đội ngũ 130 người của họ đã có đột phá cần thiết để bắt đầu thương mại hóa, và tấn công thị trường. Năm ngoái, Bolt Threads chào hàng sản phẩm đầu tiên: chiếc cà vạt tơ nhện có giá 314 USD. Tiếp theo là mũ làm từ chất liệu tương tự nhưng pha len lông cừu Pháp, giá 198 USD.

Doanh thu năm nay của Bolt Threads được dự đoán vượt 10 triệu USD, chủ yếu đến từ công ty Best Made Co. mà họ mua lại năm ngoái. Việc thâu tóm hãng sản xuất áo len, túi vải nằm tại New York này là bước đi để họ tiếp cận thị trường thời trang. Hiện tại, tơ nhện Bolt Threads tốn kém hơn 100 USD mỗi kg, đắt đỏ hơn tơ tằm tự nhiên cao cấp với giá dao động 60 - 100 USD. Nhưng công ty tin có thể giảm giá thành khi vận hành kinh doanh trơn tru và đưa giá xuống mức dưới 40 USD mỗi kg.