08:47 27/06/2022

Xu hướng mỹ phẩm thuần chay làm thay đổi thị trường làm đẹp

Tường Bách

Mỹ phẩm thuần chay tuy không phải là khái niệm quá mới, nhưng gần đây đã trở thành xu hướng và đặc biệt gây sốt trong nhóm khách hàng Gen Z - các bạn trẻ có nhận thức cao về sức khỏe và vấn đề môi trường...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong đại dịch Covid-19, phong cách sống của nhiều người có sự thay đổi. Họ chuyển sang phong cách sống tối giản, sống xanh, thân thiện với môi trường. Bằng cách lựa chọn thực phẩm hữu cơ, hạn chế dùng túi ni lông, đồ nhựa… thế hệ người tiêu dùng thời bình thường mới ưu tiên những sản phẩm “thân thiện” với cơ thể. Ngoài ra, sự thay đổi về sở thích và thói quen làm đẹp của người tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch cũng đã dẫn đến việc tìm kiếm các lựa chọn mỹ phẩm lành mạnh hơn.

MỘT THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG VÀ BỀN VỮNG

Xét về khái niệm, tương tự với thực phẩm chay, mỹ phẩm thuần chay (Vegan Cosmetics) cũng nói "không" với các thành phần có nguồn gốc từ động vật như trứng cá hồi, nhau thai cừu, dịch ốc sên, mật ong, sữa ong chúa… và không thí nghiệm trên động vật (cruelty-free). Hầu hết các mỹ phẩm thuần chay có chứa rất nhiều thành phần từ thiên nhiên. Tuy nhiên, không phải bất kỳ mỹ phẩm tự nhiên (Natural) hoặc mỹ phẩm hữu cơ (Organic) đều là mỹ phẩm thuần chay. Bởi trong mỹ phẩm tự nhiên hoặc hữu cơ chỉ cần chứa một lượng nhỏ thành phần dù chỉ 1 - 2% có nguồn gốc từ động vật, thì cũng đều được xem là không thuần chay.

Ngay từ trước đại dịch, tờ báo The Economist từng tuyên bố 2019 là năm của “thuần chay” với 1/4 những bạn trẻ thế hệ Millennials trên thế giới tự nhận rằng mình ăn chay hoặc ăn chay trường. Tại Mỹ, trong 3 năm vừa qua, số lượng người ăn chay đã tăng lên 300% trong khi tại Anh Quốc, con số này là 350%. Bên cạnh đó, xu hướng “thuần chay” ngày nay đã vượt qua giới hạn của khía cạnh ẩm thực, mà đã phát triển thành một phong cách sống được giới trẻ toàn cầu cũng như những ngôi sao và cả chính khách theo đuổi.

Trên trang thương mại điện tử cao cấp Net-a-porter hiện nay, danh mục “mỹ phẩm sạch” bao gồm những dòng mỹ phẩm thuần chay, hữu cơ cũng như bền vững xuất hiện càng ngày càng nhiều các thương hiệu và đã tăng 50% doanh thu so với năm trước. Theo đó, hạng mục chăm sóc da sạch tăng lên 70% còn mỹ phẩm trang điểm tăng lên 30%. Trong khi đó, chuỗi mỹ phẩm bình dân Superdrug tại Anh cũng cho ra mắt 1 cửa hàng pop-up về mỹ phẩm thuần chay ở London và ghi nhận tăng 60% doanh số của mỹ phẩm thuần chay trong năm qua. 

Xu hướng “thuần chay” ngày nay đã vượt qua giới hạn của khía cạnh ẩm thực, mà đã phát triển thành một phong cách sống.
Xu hướng “thuần chay” ngày nay đã vượt qua giới hạn của khía cạnh ẩm thực, mà đã phát triển thành một phong cách sống.

Nắm bắt xu thế đó, rất nhiều thương hiệu đã tập trung nghiên cứu, sản xuất ra mỹ phẩm thuần chay, đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của thị trường. Với tuyên ngôn “Beauty without cruelty” (Làm đẹp không tàn nhẫn), hàng loạt các thương hiệu mỹ phẩm như Real Techniques, Too Faced, Anastasia Beverly Hills, Urban Decay, Wet N Wild,… đã và đang dẫn đầu cuộc cách mạng nói không với việc thử nghiệm trên động vật và các sản phẩm trang điểm có nguồn gốc từ động vật.

Không chỉ những công ty khởi nghiệp đặt nền móng ngay từ đầu với Vegan Cosmetics, mà giờ đây nhiều thương hiệu lớn cũng đã nhìn ra tiềm năng của thị trường này cùng với những lợi ích bền vững mà nó mang lại. Điển hình đầu tiên chính là thương hiệu Liquidflora của Ý - một trong những thương hiệu đặc biệt đề cao sự bảo vệ môi trường, đã cho ra mắt Bioactif - một trong những loại phấn phủ bán chạy nhất của hãng, có thành phần chính là dầu ép từ trái quýt vàng, mơ cùng với dầu olive, dầu dừa và hoa cúc hoạ mi. Ngay cả hoạt chất glycerin được sử dụng trong quá trình sản xuất cũng có nguồn gốc từ thực vật.

Too Faced, hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Mỹ cũng không hề đuối sức trong cuộc đua. Hãng vừa cho ra mắt một bộ sưu tập mỹ phẩm thuần chay, không có bất cứ thành phần nào liên quan đến động vật hay các hoạt động sử dụng động vật trong quá trình sản xuất. Các sản phẩm phấn phủ, kem nền, mascaras, phấn mắt... được tung ra thị trường với tên gọi “Bạn hữu của những người thuần chay”. Còn hãng mỹ phẩm Kat Von D thì đã chính thức đổi tên thành KVD Vegan Beauty. Họ đã chuyển dịch hoàn toàn các dòng sản phẩm của mình từ mỹ phẩm thông thường sang mỹ phẩm 100% thuần chay.

HƠN CẢ CÂU CHUYỆN VỀ LÀM ĐẸP

Mỹ phẩm thuần chay được đánh giá là sẽ tạo nên một diện mạo mới, thậm chí thay đổi một phần ngành công nghiệp làm đẹp. Số liệu của Statista cho thấy, thị trường mỹ phẩm thuần chay toàn cầu đã tăng từ 13,56 tỉ USD năm 2018 lên 16,29 tỉ USD trong năm 2021. Ước tính đến năm 2025, thị trường này sẽ cán mốc 20,8 tỉ USD.

 
Một báo cáo của Công ty nghiên cứu MarketGlass thì dự đoán thị trường mỹ phẩm thuần chay toàn cầu sẽ vượt 21 tỷ USD vào năm 2027, với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada là những quốc gia quan trọng thúc đẩy giá trị của thị trường.

Theo đó, có 4 nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của thị trường Vegan Cosmetics. Thứ nhất, khi người tiêu dùng chứng kiến các hành vi tàn nhẫn, đối xử bất công với động vật, họ muốn chống lại các hành vi phi đạo đức này. Thứ 2, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên đang được ưa chuộng. Thứ 3, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật bị cấm tại một số quốc gia phát triển. Cuối cùng là sự phổ biến trên diện rộng của các dòng mỹ phẩm an toàn cho người sử dụng.

Ngoài ra, thế hệ người tiêu dùng trẻ hiện nay có xu hướng lựa chọn những thương hiệu cộng hưởng với giá trị của chính bản thân. Theo nghiên cứu thị trường do Fung Retail & Technology Group thực hiện, hơn cả câu chuyện làm đẹp, 67% người tiêu dùng sinh sau năm 1996 sẽ ngừng sử dụng một thương hiệu nếu họ cảm thấy các hành vi của thương hiệu là phi đạo đức. Điều này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng khi Gen Z đang nhanh chóng trở thành đối tượng tiêu dùng quan trọng nhất trong ngành công nghiệp làm đẹp.

Thế hệ người tiêu dùng trẻ hiện nay có xu hướng lựa chọn những thương hiệu cộng hưởng với giá trị của chính bản thân.
Thế hệ người tiêu dùng trẻ hiện nay có xu hướng lựa chọn những thương hiệu cộng hưởng với giá trị của chính bản thân.

Du nhập từ văn hoá phương Tây, hiện nay ở Việt Nam cũng xuất hiện khá nhiều thương hiệu Vegan Cosmetics được người dùng ưa chuộng, tạo nên sự sôi động cho thị trường mỹ phẩm nội địa. Chẳng hạn các bánh xà phòng của Herb n’ Spice hay BareSoul tuân thủ 4 yếu tố: sản phẩm thủ công, không thí nghiệm trên động vật, không nước thải xám, không sử dụng dầu cọ. Thương hiệu NauNau cũng tuân thủ quy trình trên với các dòng sản phẩm, từ chăm sóc da, trang điểm, cho đến sản phẩm phòng tắm, nước hoa, tinh dầu, dầu thơm... Hay Cocoon - thương hiệu nhận được chứng nhận “thuần chay” từ tổ chức bảo vệ động vật toàn cầu PETA - đã tận dụng các nguyên liệu thuần Việt như cà phê, bí đao, bạc hà, tràm trà, nghệ... tạo ra các dòng sản phẩm giá cả phải chăng, phù hợp với làn da người Việt.

Tuy nhiên, do chỉ là xu hướng mới nổi tại Việt Nam, đa phần các dòng sản phẩm chăm sóc da thuần chay còn được sản xuất với quy trình đơn giản, dẫn đến nhiều băn khoăn về mức độ hiệu quả. Không ít người tiêu dùng, đặc biệt là những đối tượng đang tìm kiếm giải pháp điều trị cho những tình trạng da cụ thể, cho rằng mỹ phẩm thuần chay quá "nhẹ đô" so với yêu cầu của họ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng hiệu quả của Vegan Cosmetics sẽ chậm hơn mỹ phẩm thông thường, bởi không chứa các hóa chất có thể đem lại hiệu quả nhanh chóng.

Điều kiện và thời hạn bảo quản cũng là điểm khiến nhiều người tiêu dùng "chùn bước" sau khi tìm hiểu các dòng sản phẩm này. Cuối cùng, giá thành cũng là yếu tố khiến nhiều người cân nhắc sử dụng, vì Vegan Cosmetics thường đắt hơn một chút so với mỹ phẩm thông thường. Giá của các sản phẩm này sẽ phụ thuộc vào nguyên liệu, độ hiếm của nguyên liệu, thương hiệu, bao bì…