09:57 16/09/2011

Cần quy định chặt chẽ hơn về đình công

P.V

Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội

Phiên họp chuyên đề của Chính phủ - Ảnh: Chinhphu.vn
Phiên họp chuyên đề của Chính phủ - Ảnh: Chinhphu.vn
Ngày 15/9, Chính phủ đã họp chuyên đề đóng góp ý kiến xây dựng đối với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và 8 dự thảo Luật, trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết.

Theo nhận định của các thành viên Chính phủ, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định tương đối toàn diện những nội dung cơ bản của quan hệ lao động, tôn trọng và đề cao quyền tự chủ thỏa thuận của các bên trong quan hệ lao động. Quy định về các tiêu chuẩn lao động có nhiều đổi mới, phù hợp với các công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên. Quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động có tác dụng khắc phục được một phần những bất cập trong thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động và đình công…

Một số ý kiến đề xuất, dự thảo luật này nên có nội dung đề cập tới vấn đề đối thoại, có cơ chế đối thoại ở doanh nghiệp thường kỳ trong thời gian ít nhất là 6 tháng hoặc 1 năm giữa người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp; xem xét, quy định chặt chẽ hơn nội dung về đình công, làm thêm giờ; trách nhiệm của chủ doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp, đình công…

Theo một số ý kiến nên quy định cụ thể số giờ làm thêm trong 1 tuần, hoặc 1 tháng, không nên quy định theo năm nhằm tránh tình trạng người lao động bị chủ doanh nghiệp yêu cầu phải làm thêm giờ quá nhiều trong tháng, trong tuần trong khoảng thời gian nhất định theo thời vụ.

Một số ý kiến đề nghị cần tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Nhấn mạnh đây là bộ luật rất lớn, liên quan đến tất cả mọi người, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện; cố gắng tiếp thu để sửa đổi những vấn đề bức thiết mà thực tiễn đã rõ, những vấn đề còn đang thực hiện thí điểm thì chưa nên đưa vào dự thảo luật.

Vấn đề về làm thêm giờ, Thủ tướng cho rằng, cần quy định thế nào để bảo vệ được sức khỏe của người lao động; điều kiện làm việc của người lao động… không nên quy định cứng nhắc về số giờ bởi trên thực tế có những người đủ sức khỏe, có mong muốn làm thêm giờ để có thu nhập cho cuộc sống.

Vấn đề quy định nghỉ thai sản của lao động nữ cũng cần xem xét thực tế, bởi nhiều người cuộc sống gặp khó khăn, họ có nhu cầu  thực sự được lao động, mưu sinh, kiếm sống… vì vậy nên có quy định linh hoạt về thời gian nghỉ thai sản để phù hợp với thực tế, với ý nguyện, mong muốn của người lao động nữ nghỉ thai sản.