Cẩn thận với "nước mía siêu sạch" bán lề đường
Nước mía là một trong những loại đồ uống được rất nhiều người ưa chuộng trong mùa nóng. Trên các tuyến phố vào mùa hè, vô số các hàng nước mía "sạch" mọc lên.
Trong y học cổ truyền, mía được xếp vào nhóm thực vật có tính mát (tính lương), có tác dụng giải khát, tiêu phiền, bớt nhiệt bốc nóng. Càng uống nước mía thì bạn càng hấp thu nhiều "độ mát", cơ thể bạn càng giải tỏa bớt nhiệt ra ngoài. Nước mía có tính mát, đã đối chọi được với tính nóng của mùa hè. Do đó, từ trẻ con tới người cao tuổi, ai cũng thích uống nước mía đá.Đa số mọi người tìm đến những quán "nước mía siêu sạch" nằm trên vỉa hè mỗi con đường góc phố bởi sự thuận tiện. Do quán được mở trên vỉa hè nên người đi đường đang cơn khát có thể dừng xe mua một ly nước mía uống ngay tại chỗ, hoặc chờ khoảng 5 – 7 phút để xách tay mấy ly nước mía mang về. Bên cạnh đó, điểm thu hút nhiều người dân với "nước mía siêu sạch" là giá cả khá rẻ, hợp túi tiền. Chỉ khoảng từ 10.000 – 15.000 đồng, là đã có thể giải khát với nước mía.
Dừng chân tại một quán nước mía vỉa hè trên phố Trần Duy Hưng (hà Nội), chúng tôi nhận thấy quán chỉ có 5 -6 chiếc ghế nhựa, bên cạnh là một giá úp ly cốc và 1 máy ép mía. Mỗi cốc nước mía ở quán có giá 12.000 đồng. Theo chia sẻ của anh T. chủ quán, bình quân mỗi ngày anh bán được khoảng từ 60 - 80 cốc và lượng khách thường tăng đột biến vào những ngày nắng nóng. Khi được hỏi về máy ép mía, anh T. tâm sự: "Xe nước mía đời cũ có giá khoảng 5 triệu đồng nhưng tốn điện và nguy hiểm, vì nếu không để ý, người bán rất dễ đưa tay vào trong lồng ép. Còn với loại máy ép siêu sạch đời mới này thì giá khoảng 10 - 12 triệu đồng/bộ. Lốc máy bên trong được thiết kế kín đáo nên đảm bảo an toàn cho người đứng ép". Tuy vậy, cũng vì máy ép được thiết kế quá kín, nên cuối ngày chủ quán chỉ cần xịt nước vào bên trong là xong, chẳng cần chùi rửa gì nhiều vì đơn giản… chẳng có cách nào để chùi rửa sâu bên trong cả.Theo quan sát của chúng tôi, các điểm bán "nước mía siêu sạch" dọc theo các tuyến phố đều có một điểm chung là đa số chủ quán đều tận dụng thùng sơn cũ để đựng những cây mía đã cạo vỏ. Đặc biệt, nhiều quán nước mía vỉa hè tranh thủ róc vỏ mía sẵn, cắt khúc ngắn, dựng bên lề đường mà không hề có dụng cụ che chắn. Ấy thế mà, khách dừng chân uống nước mía đã nhiều, khách mua mang về còn nhiều hơn. Có quán trung bình mỗi ngày thu vào được 1,5 triệu đến 1,7 triệu. Những ngày cuối tuần khách đông hơn thì có thể bán được hơn 2 triệu một ngày.
Nhìn thì có vẻ ngon và sạch, quảng cáo cũng là "siêu sạch", nhưng nhiều khách hàng không thể lường được quy trình sản xuất "nước mía siêu sạch" lại không hề sạch. Thông thường, các hàng quán thường róc vỏ mía sẵn, bày và phơi mía trên vỉa hè. Với lượng phương tiện giao thông dày đặc như hiện nay, cộng với việc đường đông, nhiều bụi, dẫn đến mía được bày trên vỉa hè cũng không đảm bảo vệ sinh.Ngay cả những chiếc máy ép mía cũng không sạch như chúng ta tưởng. Chiếc máy ép không được chà rửa cẩn thận có thể chứa những vụn bã mía, thậm chí còn có cả côn trùng như ruồi, nhặng lẫn bên trong. Đặc biệt, đây còn là "địa bàn" hoạt động của rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Cốc nước mía mà bạn xách tay mang về thường là nhựa tái chế. Người chủ quán pha chế nước mía cho khách cũng chưa chắc đã có đeo găng tay hay đồ nghề vệ sinh. Vì thế, bên trong những cốc nước mía tưởng như rất sạch sẽ, không hề có cặn hay bã mía này lại ẩn chứa rất nhiều mối nguy hại.
Sử dụng nước mía bẩn, kém vệ sinh, không đảm bảo an toàn không chỉ gây nên những ảnh hưởng xấu trước mắt mà còn dẫn đến những hậu quả lâu dài. Một hệ lụy tất yếu của việc sử dụng đồ uống kém vệ sinh thường xuyên chính là ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Cho dù một số người khỏe mạnh hơn, không bị hoặc ít khi bị đau bụng, tiêu chảy do uống nước mía bẩn, nhưng như thế không có nghĩa là không bị ảnh hưởng. Những chất bẩn và các vi khuẩn trong đó vẫn có thể tích tụ và gây hại cho hệ tiêu hóa. Nó có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh cho dạ dày và hệ tiêu hóa bất cứ lúc nào.