Cấp đông thịt heo để ăn Tết: cần một phương pháp đúng
Khi mà giá thịt heo tiếp tục tăng chóng mặt từng ngày, nhiều bà nội trợ đã tính đến phương án mua thịt sớm về cấp đông, để dành ăn Tết.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, bảo quản thực phẩm đông lạnh sẽ giúp cất trữ thực phẩm được lâu hơn, tuy nhiên nếu không rã đông thực phẩm đúng cách rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.Theo các chuyên gia, thịt cấp đông của các công ty lớn đủ tiêu chuẩn bảo quản có thể giết chết 90% các tế bào vi khuẩn gây hại. Nếu để cấp đông từ âm 18 độ đến âm 30 độ thì để được 6 – 12 tháng. Nếu cấp đông sâu ở âm 36 độ thì để được 18 tháng.Nhưng ở gia đình đã có những nghiên cứu cho thấy thịt tươi cất trữ trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người ăn. Nguyên do là quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông - rã đông giảm tới 20%. Do đó nếu thường xuyên ăn loại thịt này về lâu dài dễ sinh bệnh, bởi hàm lượng chất lượng dinh dưỡng sẽ bị mất đi theo thời gian bảo quản, chế biến.
Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thấp để ngăn ngừa hư hỏng, duy trì đầy đủ dinh dưỡng tự nhiên của thịt là đúng, nhưng không có nghĩa là thịt cất trữ trong tủ lạnh sẽ an toàn 100% Theo các chuyên gia thực phẩm, thời gian lưu trữ trong tủ lạnh thích hợp nhất là từ 3 - 7 ngày. Thịt nên giữ ở 0 độ C, và dùng trong vòng 3 ngày là phù hợp. Các loại thịt bắp nguyên khúc (đùi heo), thịt đã xử lý (thịt hun khói...) có thể giữ lâu hơn, nhưng không nên để lâu quá 7 ngày bởi chất dinh dưỡng sẽ mất đi theo thời gian bảo quản.Dù cất thịt sống vào ngăn mát hay ngăn đá trong tủ lạnh đều phải bọc thịt thật kỹ để giữ được độ tươi ngon và bảo vệ thịt không bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Nếu cho thịt vào ngăn đá cần bọc thịt nhiều lớp để ngăn cho chúng không bị đông cứng quá mức, mất nước và thay đổi màu sắc, mùi vị. Khi bọc thịt, cần chú ý bọc thật chặt để tránh không khí lọt vào bên trong, để thịt không có nhiều lớp đá bám vào.
Đối với thịt đã nấu chín (như thịt heo quay, heo luộc, hun khói,...), nếu muốn dự trữ thì nên cho vào các hộp đựng nhỏ và đậy kín nắp. Không đặt những hộp đựng thịt chín gần với những phần thịt sống để ngăn ngừa sự lây nhiễm vi khuẩn. Hãy đông lạnh những phần thịt đã chín nếu muốn bảo quản chúng trong thời gian dài hơn. Trước và sau khi cầm nắm thịt sống, bạn phải rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn. Những dụng cụ nấu nướng đã được dùng để sơ chế thịt cũng cần được rửa sạch sẽ, bao gồm cả dao và thớt. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên vệ sinh cả quầy bếp và những bề mặt có tiếp xúc với thịt sống.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi mang thịt cấp đông ra sử dụng thì phương pháp rã đông chậm, giúp thực phẩm từ từ trở về trạng thái ban đầu là phương pháp rã đông chính xác. Các bà nội trợ có thể rã đông ngay trong ngăn mát tủ lạnh, bằng cách lấy thịt từ ngăn đá để xuống ngăn mát cho đến khi khối thịt mềm ra. Cách này cần thời gian có khi cả ngày hoặc lâu hơn để rã đông nửa cân thịt.Đối với miếng thịt to hơn đòi hỏi thời gian lâu hơn. Bà nội trợ có thể lấy thực phẩm ra khỏi ngăn đá từ ngày hôm trước, để lên ngăn lạnh rã đông cho ngày hôm sau. Ngoài ra, nếu bạn muốn rút ngắn quá trình rã đông có thể, ngâm thực phẩm đông lạnh trong chậu nước. Tuy nhiên, nguyên tắc của cách này là nên để thực phẩm trong bao bì, túi bóng tránh mất chất dinh dưỡng. Nên thay nước liên tục (khoảng 30 phút/ lần) để tránh vi khuẩn xâm nhập vào thực phẩm.