Chuyển đổi số đồng hành cùng du lịch xanh
Xu hướng phát triển du lịch xanh, tiến tới Net Zero, đang được quan tâm cao độ, cả về phía doanh nghiệp và khách du lịch. Kể cả phải tăng giá dịch vụ vì đầu tư cho chuyển đổi Net Zero, nhiều doanh nghiệp cho biết đã sẵn sàng…

Phát biểu khai mạc Diễn đàn “Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam” vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, thúc đẩy giao lưu văn hóa, là phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Trong bối cảnh mới, chuyển đổi xanh trong du lịch là xu hướng để phát triển bền vững, có trách nhiệm.
DOANH NGHIỆP VÀ ĐỊA PHƯƠNG GÓP SỨC
Một trong những ví dụ điển hình về du lịch xanh tại Việt Nam là Thiềng Liềng, ốc đảo nằm giữa rừng ngập mặn Cần Giờ - nơi đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển. Du khách đến Thiềng Liềng vừa được trải nghiệm sự hoang sơ của thiên nhiên vừa có cơ hội tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng.
"Thiềng Liềng có khoảng 900 người dân. Số hộ làm kinh tế chỉ có 24 hộ. Tiêu chí đầu tiên của chúng tôi khi xây dựng sản phẩm du lịch Thiềng Liềng là gắn với đặc thù địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa, không phá vỡ hệ sinh thái", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết. Đó cũng là lý do mà các phương tiện di chuyển đến Thiềng Liềng đều được thiết kế sao cho du khách có thể cảm nhận được hành trình khá gian nan nhưng đầy ý nghĩa, từ đó nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường.

Một ví dụ khác là mô hình du lịch thích ứng với thời tiết ở Tân Hóa (Quảng Bình). Năm 2023 Làng du lịch Tân Hóa được tổ chức du lịch thế giới vinh danh là một trong 49 làng du lịch tốt nhất thế giới, với 3 tiêu chí nổi trội bao gồm sản phẩm thích ứng thời tiết, bảo tồn giá trị văn hóa địa phương và chia sẻ lợi ích du lịch trong cộng đồng.
Mặc dù làng thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt, nhưng người dân nơi đây với sự giúp đỡ của các chuyên gia đã sáng tạo ra mô hình nhà phao chống lũ. Đó cũng là điểm khởi đầu cho các mô hình du lịch thích ứng với thời tiết, như biến nhà dân thành homestay trên nhà nổi, sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường như thuyền kayak và SUP để phục vụ du khách. Chỉ riêng năm 2024, Tân Hóa đón 11.000 lượt khách, doanh thu hơn 10 tỉ đồng.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam, cho biết tại Việt Nam hiện đã có một số doanh nghiệp đã triển khai hoạt động du lịch bền vững, hầu như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Tràng An - Ninh Bình; KDL sinh thái Thung Nham - Ninh Bình; Mũi Né Bay Resort - Bình Thuận; Furama Resort - Đà Nẵng, H’Mong Village Resort - Hà Giang....
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp triển khai sẽ gặp một số khó khăn như: Thiếu nhân sự chuyên môn và kinh phí đầu tư ban đầu, không dễ thay đổi thói quen vận hành cũ vì thế, để triển khai được cần sự đồng hành từ lãnh đạo đến nhân viên cộng đồng và du khách bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Bà Hoàng Thị Thu Hường, Giám đốc phát triển thị trường Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An, cho biết mặc dù phục vụ một lượng lớn du khách mỗi năm nhưng không gian ở đây vẫn rất sạch do Tràng An có một đội ngũ vớt rác bất kể sáng, trưa, chiều tối cùng sự giúp đỡ từ 2.000 lái đò liên tục vớt rác trong hành trình di chuyển.

"Dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng lượng rác chúng tôi thu được vẫn rất lớn. Với vai trò là đơn vị làm du lịch, tôi cho rằng phát triển điểm đến xanh không phải chỉ là trách nghiệm của đơn vị quản lý điểm đến hay du khách mà còn là sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp kể cả lữ hành, du thuyền hay lưu trú. Các doanh nghiệp có thể bỏ công sức, vật chất để cùng với cộng đồng bảo vệ điểm đến thay vì chỉ khai thác điểm đến", bà Hường cho biết.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ ĐỂ XANH HÓA
Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi xanh, ông Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup, nhận định làm du lịch bền vững là con đường khó nhưng là tất yếu và bắt buộc phải đi. Thực tế, việc áp dụng chuyển đổi xanh sẽ khiến giá thành sản phẩm du lịch đắt hơn, nhưng với những tệp khách hàng ở châu Âu và Mỹ, họ sẵn sàng chi trả cao hơn để có môi trường thân thiện. Hiện nay, doanh nghiệp của ông có cả tour Net Zero và tour bình thường, giá có thể vênh từ 1 – 1,5USD/ngày nhưng khách vẫn chấp thuận.
Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp định hướng thị trường, hướng tới các mục tiêu bền vững thông qua việc thực hiện những tiêu chí cụ thể trong chuẩn hóa quy trình nội bộ, kết nối đối tác. Tuy nhiên, cái khó của ngành du lịch là không thể xanh một mình được mà các điểm đến, đơn vị cung cấp dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn cũng cần có trách nhiệm để du khách đến địa phương không chỉ được trải nghiệm mà còn có trách nhiệm với điểm đến, không phát thải ra môi trường và người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch của họ.

Về vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu, người làm du lịch cũng cho rằng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số không thể tách biệt trong phát triển du lịch hiện nay. Đại diện nhiều đơn vị hàng đầu về du lịch xanh như Tràng An, Tùng Lâm… đều cho rằng ứng dụng công nghệ và AI là xu hướng không thể cưỡng lại được. Nhờ có công nghệ, du lịch xanh, Net Zero được đo lường bằng những con số rất cụ thể. Các ứng dụng AI còn có thể khuyến nghị những giải pháp phù hợp trong hoạt động du lịch.
Tại hội thảo “Chuyển đổi xanh trong hoạt động du lịch” trong khuôn khổ VITM Hà Nội 2025, ông Vũ Quyết, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ LocaAI, khẳng định công nghệ AI hỗ trợ rất tốt cho du lịch MICE chuyển đổi theo hướng xanh.
Hiện nay có nhiều nền tảng AI được áp dụng trong mọi công đoạn của du lịch MICE, từ việc quản lý chương trình hội thảo, trợ lý ảo hỗ trợ trải nghiệm của khách hàng theo hướng cá nhân hóa, tối ưu hóa hoạt động marketing bằng việc dùng công nghệ để tạo nội dung đến việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi, cung cấp thông tin cho khách hàng mọi lúc mọi nơi.
Tại hội thảo, ông Vũ Quyết đã trình diễn sản phẩm ứng dụng AI với tính năng dịch ngôn ngữ. Chỉ cần 1 thiết bị nhỏ như chiếc điện thoại, mọi người có thể tự tin giao tiếp, trao đổi thông tin với người nước ngoài. Tỷ lệ dịch chuẩn xác của các thiết bị với những nội dung được trình bày bằng những ngôn ngữ phổ biến như: Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha… lên đến 92 - 95%. Đáng quan tâm, thiết bị được cài đặt hơn 100 ngôn ngữ, trở thành trợ lý phiên dịch hữu hiệu.

Để xây dựng, phát triển các điểm đến du lịch xanh, bền vững, cần có sự chung tay giữa cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đề nghị các đối tác quốc tế tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Việt Nam trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức định hướng cho các doanh nghiệp để thực hiện tốt các nội dung trên.