Du lịch đường sắt kết nối những di sản văn hóa
Với phương châm “Mỗi nhà ga một điểm đến”, “Đoàn tàu thân thương - Con đường kiến thiết”, nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo đã dần lấy lại vị thế cho đường sắt trong bối cảnh các loại hình vận tải cạnh tranh gay gắt...

Chuyến tàu "Kết nối di sản miền Trung" Huế – Đà Nẵng kéo dài khoảng 100km đi qua nhiều cung đường đẹp, đặc biệt là đoạn đường đến đèo Hải Vân. Trên con tàu sạch sẽ và sang trọng, bên cạnh thưởng thức các đặc sản của TP Huế và Đà Nẵng, du khách được nghe hát dân ca, cung đình Huế…
Anh Nguyễn Đình Quốc (trưởng tàu HĐ 4, chi nhánh vận tải đường sắt Đồng Hới) liên tục “vào vai” hướng dẫn viên để giới thiệu cho hành khách về những địa danh mà chuyến tàu đi qua. Theo anh Quốc, chuyến tàu "Kết nối di sản miền Trung" không chỉ kết nối các điểm đến giàu tính lịch sử mà còn kết nối giữa các du khách với nhau, kết nối nghệ sĩ với khán giả và hơn hết là kết nối con người với cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ…
Những năm qua, ngành đường sắt đã nỗ lực biến nhược điểm về tốc độ thành ưu điểm để cho ra những loại hình vận tải mới gắn liền với văn hóa, du lịch và nhiều dịch vụ tiện ích. Giờ đây, những chuyến tàu không chỉ đưa hành khách an toàn đến các nhà ga mà còn là những trải nghiệm thú vị, khám phá văn hóa và học thêm về lịch sử truyền thống.

TÁI HIỆN “ĐOÀN TÀU THỐNG NHẤT” 50 NĂM TRƯỚC
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy một đôi tàu mang tên “Đoàn tàu Thống nhất” được thiết kế riêng, mang đậm dấu ấn của sự kiện lịch sử. Cụ thể, “Đoàn tàu Thống nhất” gồm Tàu SE1 xuất phát từ ga Hà Nội và Tàu SE4 xuất phát từ ga Sài Gòn vào tối 29/4; hai đoàn tàu sẽ gặp nhau lúc 12 giờ trưa ngày 30/4 tại ga Đà Nẵng.
Tại lễ tiễn tàu vào tối 29/4, ngành đường sắt sẽ phối hợp với đối tác chuẩn bị một số phần quà bất ngờ dành cho hành khách trên hai đoàn tàu này. Nhân dịp này, ngành đường sắt tri ân giảm 40% giá vé đối với những người có công với cách mạng như: Thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân người có công với cách mạng… Chương trình áp dụng cho hành khách mua vé đi tàu trong khoảng thời gian từ ngày 24/4 đến 9/5.
Đặc biệt từ nay đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4, khi mua vé tàu, hành khách sẽ có cơ hội cùng với ngành đường sắt tạo nên "đoàn tàu Thống nhất" trên không gian mạng. Mỗi một vé đặt mua thành công là một lá cờ đỏ sao vàng được hiển thị trên hệ thống bán vé. Hãy cùng lấp đầy những toa tàu bằng màu cờ Tổ quốc, biến mỗi chuyến đi trở thành một hành trình của tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc.

Thực hiện chiến lược phát triển du lịch bền vững và khai thác tiềm năng đặc thù của địa phương, thành phố Hải Phòng đang tập trung đầu tư vào các sản phẩm du lịch mới, trong đó sản phẩm du lịch đường sắt với đoàn tàu “Hoa Phượng đỏ”, nhận được nhiều sự quan tâm của khách du lịch.
ĐOÀN TÀU “HOA PHƯỢNG ĐỎ”
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong số 20 toa tàu được đóng mới, sẽ có 2 toa VIP với thiết kế khoang 36 ghế gồm 16 ghế sofa đơn, 5 bộ sofa dài với 20 chỗ ngồi được bố trí trong 3 không gian khác nhau.
Toa VIP sẽ được thiết kế không gian với kiến trúc nội thất sang trọng, có nhạc công biểu diễn, quầy bar. 18 toa còn lại được thiết kế với 56 ghế xoay, nền lát thảm nhựa, trần dán vải hoa trang trí và lắp 2 dọc đèn Led lối đi, có màn hình LCD và khung Led quảng cáo.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, cho biết khi đoàn tàu đi vào vận hành sẽ có nhiều nhà hàng tham gia vào chương trình du lịch. Đây là cơ hội để du khách thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Hà Nội và Hải Phòng ngay trên tàu. Du khách sử dụng vé tàu du lịch sẽ được giảm giá khi sử dụng dịch vụ ăn uống, mua sắm, nghỉ ngơi. Từ đó sẽ giúp cho các chương trình foodtour có sức sống mới, tăng trải nghiệm cho du khách.
Đặc biệt, thành phố sẽ tổ chức liên hoan ẩm thực món ngon tại Ga Hải Phòng, nơi du khách có thể thưởng thức đặc sản đất Cảng và được trực tiếp tham gia vào quy trình chế biến món ăn cùng các đầu bếp địa phương. Không gian ga tàu cũng sẽ được thiết kế theo hướng “bảo tàng sống” – nơi du khách có thể tương tác, chụp ảnh với các mô hình lịch sử đường sắt, xe lửa cổ, thậm chí thử mặc trang phục truyền thống của nhân viên ngành đường sắt trước đây.

Bà Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025 sẽ là dịp để Hải Phòng trình làng hàng loạt sản phẩm du lịch mới, trong đó du lịch đường sắt với đoàn tàu “Hoa Phượng đỏ” sẽ đóng vai trò trung tâm. Dự kiến, đoàn tàu hạng sang “Hoa Phượng đỏ” sẽ khai trương trước ngày 13/5/2025, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025).
ĐƯA VĂN HÓA TRÀ LÊN TÀU DU LỊCH
Với vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50 km, Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, sở hữu hơn 1.000 di tích, trong đó 313 di tích được xếp hạng. Nơi đây từ lâu đã được biết đến là vùng đất của “Đệ nhất danh trà”, nơi nghệ thuật thưởng trà trở thành một nét văn hóa đặc sắc.
Nhằm lan tỏa giá trị văn hóa trà và thu hút du khách, tỉnh Thái Nguyên vừa cho ra mắt sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà và tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên nhằm hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 “Việt Nam – Đi để yêu”.
Theo đó, trên tuyến tàu Hà Nội - Thái Nguyên, hệ thống truyền thông đa phương tiện đã được lắp đặt trên các toa tàu để giới thiệu văn hóa trà và những điểm đến hấp dẫn của tỉnh. Hành khách trên tàu sẽ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, quy trình chế biến và thưởng thức trà Thái Nguyên qua những tài liệu hình ảnh, video sống động.
Tại các nhà ga, đặc biệt là ga Thái Nguyên, không gian văn hóa trà đã được xây dựng, kết hợp trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh. Khách du lịch khi dừng chân tại nhà ga có thể trải nghiệm thưởng trà và sử dụng sản phẩm ngay tại khu vực giới thiệu. Bên cạnh việc quảng bá, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành cải tạo cảnh quan dọc tuyến đường sắt bằng cách trồng hoa theo mùa và phát triển những vùng chè cảnh quan, tạo điểm nhấn du lịch xanh.

Cùng với đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức các chuyến tàu du lịch chuyên biệt như “Trà đạo”, tàu tham quan làng chè... Tuần Văn hóa, thể thao và du lịch Thái Nguyên năm 2025 sẽ có chủ đề “Trải nghiệm xứ trà đậm đà bản sắc”. Chương trình khai mạc vào 19h45 ngày 26/4, tại Quảng trường Vạn Xuân (thành phố Phổ Yên) với điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật “Thái Nguyên khát vọng vươn mình”.
Cùng với xu hướng du lịch xanh, du lịch đường sắt đang dần nhận được nhiều sự quan tâm từ các địa phương và du khách. Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, vừa qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, không chỉ đánh dấu sự cam kết hợp tác của hai ngành mà còn mở ra nhiều cơ hội mới để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.