10:05 05/02/2024

Công nghệ trợ giúp chăm sóc sức khỏe sớm

Hoài Phương

Sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe của người dân toàn cầu gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn còn tình trạng “phó mặc” cho đội ngũ y tế thay vì phát huy khả năng tự chăm sóc...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuật ngữ “tự chăm sóc sức khỏe” (Self-care) được dùng để chỉ khả năng mà mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng cùng tăng cường chăm sóc, bảo vệ, duy trì sức khỏe và chống lại bệnh tật khi có hoặc không có sự giúp đỡ của chuyên viên y tế. Đây chính là phương án tối ưu thay cho việc chỉ phụ thuộc vào hệ thống và cơ sở y tế hiện tại. Trong báo cáo về Giá trị xã hội - kinh tế của hiểu biết về chăm sóc sức khỏe toàn cầu (Global Social and Economic Values of Self-care) của Tổ chức Global Self-care Federation, Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất về tự chăm sóc sức khỏe.

GIẢM GÁNH NẶNG LÊN NGUỒN LỰC QUỐC GIA

Self-care đã trở thành khái niệm quen thuộc ở nhiều quốc gia, khi người dân được khuyến khích tự chăm sóc sức khỏe, tự đáp ứng các nhu cầu cơ bản có tính cấp bách của bản thân và tự kiểm soát các bệnh lý mãn tính. Theo Global Self-care Federation, với mỗi 1 USD chi ra cho thuốc không kê đơn thay vì chi cho thuốc kê đơn, hệ thống y tế Mỹ tiết kiệm được 7 USD. Tương tự, châu Âu chuyển hướng từ đầu tư cho thuốc kê đơn sang đầu tư cho thuốc không kê đơn, với tỷ lệ đầu tư chuyển là 5% thì hệ thống y tế châu Âu mỗi năm tiết kiệm được tới 16 tỷ Euro. 

Chăm sóc sức khỏe sớm, chăm sóc sức khỏe ban đầu là nền tảng của xu hướng này. Nó cung cấp dịch vụ chăm sóc liên tục, lấy con người làm trung tâm, dựa trên mối quan hệ, có tính đến nhu cầu và sở thích của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Nếu không biết về Self-care, các vấn đề sức khỏe nhỏ có thể chuyển thành bệnh mãn tính, việc quản lý bệnh mãn tính trở nên khó khăn và thiếu phối hợp, số lượt đến khoa cấp cứu tăng lên, độ trễ trong chăm sóc phòng ngừa và chi tiêu chăm sóc sức khỏe tăng vọt đến mức không bền vững.

Theo cách hiểu nào đó, Self-care chính là y học lối sống. Mục tiêu của nó là hỗ trợ bệnh nhân sống khỏe mạnh lâu nhất có thể, tập trung vào việc phòng ngừa thay vì điều trị. Nếu biết cách tận dụng chương trình này, chính phủ sẽ có cơ hội trang bị kiến thức cho người dân, hướng dẫn cho họ về cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân thay vì dồn hết gánh nặng lên nguồn lực quốc gia. Do đó, tương lai của chăm sóc sức khỏe sớm sẽ xoay quanh việc chăm sóc sức khỏe chủ động, trong đó các bác sĩ sử dụng dữ liệu sức khỏe kỹ thuật số của bệnh nhân để phát hiện những bất thường và thông báo cho họ về các biện pháp phòng ngừa.

Nhờ việc thúc đẩy thói quen tự chăm sóc sức khỏe, toàn thế giới có thể có thêm 22 triệu năm sống chất lượng.
Nhờ việc thúc đẩy thói quen tự chăm sóc sức khỏe, toàn thế giới có thể có thêm 22 triệu năm sống chất lượng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng ngày càng thành thạo sử dụng các thiết bị đeo và công cụ kỹ thuật số để theo dõi sức khỏe của họ, thúc đẩy sự chuyển đổi từ khám bệnh, điều trị sang phòng ngừa, dự đoán. Trong sự dịch chuyển trên, ứng dụng công nghệ trong chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến, giúp lĩnh vực y tế chuyển mình nhanh hơn. Theo Grand View Research,  ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên thị trường chăm sóc sức khỏe quy mô toàn cầu có trị giá 22,4 tỷ USD năm 2023, dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 37,5% từ năm 2023 đến năm 2030.

Các thuật toán AI và máy học (ML) đang được áp dụng và tích hợp rộng rãi vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe để dự đoán chính xác các bệnh ở giai đoạn đầu dựa trên các bộ dữ liệu sức khỏe lịch sử. Hơn nữa, các công nghệ học sâu, phân tích dự đoán, phân tích nội dung và các công cụ xử lí ngôn ngữ tự nhiên (NLP) đang cho phép các chuyên gia chăm sóc chẩn đoán tình trạng sức khỏe tiềm ẩn của bệnh nhân ở giai đoạn sớm hơn. Cũng theo Grand View Research, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong việc đưa AI vào chăm sóc sức khỏe từ giai đoạn 2023 - 2030, với tỷ lệ lên đến 40,9%.

Nghiên cứu của Liên đoàn Chăm sóc sức khỏe Mỹ gần đây cho thấy, nhờ việc thúc đẩy thói quen tự chăm sóc sức khỏe, toàn thế giới có thể có thêm 22 triệu năm sống chất lượng. Self-care có thể giúp tiết kiệm đến 119 tỷ USD chi phí điều trị y tế mỗi năm và khoảng 1,8 tỷ giờ điều trị của đội ngũ y tế, giúp họ có thêm thời gian để tập trung vào những ca bệnh phức tạp hơn.

Việt Nam cũng có tiềm năng hưởng nhiều lợi ích kinh tế khi triển khai Self-care...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 06-2024 phát hành ngày 05-02-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Công nghệ trợ giúp chăm sóc sức khỏe sớm - Ảnh 1