15:11 16/09/2008

Để trái cây rộng đường vào Mỹ

Chu Khôi

"Đến giờ phút này vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn rằng con đường vào Mỹ của trái cây Việt Nam sẽ thênh thang"

Thanh long là một trong những loại quả nhiệt đới được ưa chuộng nhất ở Mỹ.
Thanh long là một trong những loại quả nhiệt đới được ưa chuộng nhất ở Mỹ.
"Đến giờ phút này vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn rằng con đường vào Mỹ của trái cây Việt Nam sẽ thênh thang."

Ông Đàm Quốc Trụ, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đã ưu tư như vậy, khi trò chuyện với chúng tôi xung quanh việc "tìm đường" cho hoa quả Việt Nam xuất sang Mỹ.

Lộ trình dài

Mới đây các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đến Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam để đặt vấn đề nhập khẩu nhãn và chôm chôm của Việt Nam. Phải chăng trái cây nước ta đang đứng trước vận hội sẽ “tràn” vào thị trường Mỹ để thu lợi nhuận lớn?

Trong hội thảo “Trồng, chế biến và xuất khẩu rau quả sang châu Âu” ngày 4/9/2008 tại Tiền Giang, TS. Phạm Ngọc Liễu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam - đã đưa ra thông tin chưa chính xác, khiến nhiều người hiểu lầm.

Các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ đến Việt Nam không phải là để đặt hàng trái cây, kinh doanh là việc của mỗi doanh nghiệp chứ không phải chức trách của các nhà quản lý. Các chuyên gia này đến Việt Nam là do Cục Bảo vệ thực vật mời, việc này nằm trong khuôn khổ chương trình triển khai Global GAP đối với trái cây ở nước ta.

Để trái cây Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ, trong suốt nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật đã phải bền bỉ đàm phán và triển khai các chương trình theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Chúng ta đã phải trải qua lộ trình khá dài để có được “tấm giấy thông hành” này, chứ không phải là người Mỹ tự tìm đến nước ta để đặt hàng.

Xin ông cho biết chúng ta đã và đang phải trải qua lộ trình đó như thế nào?

Người dân Mỹ thuộc đối tượng tiêu dùng khó tính vào loại nhất thế giới. Họ rất sợ các loại sâu bệnh và chất hoá học dùng để diệt trừ sâu bệnh, chính vì vậy, cho đến giờ phút này vẫn chưa có một lô hàng trái cây nào của nước ta vào được thị trường này.

Để trái cây được phép nhập khẩu vào Mỹ, ngoài việc chúng ta phải tuân thủ Hiệp định SPS (hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật), còn phải tuân theo các quy định riêng của nước Mỹ. Hiệp định SPS đòi hỏi phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản: không phân biệt đối xử, chứng cứ pháp lý minh bạch, hài hoà các biện pháp.

Trái cây xuất khẩu phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất tồn dư khác ở dưới mức cho phép, không có các loại sâu bệnh thuộc đối tượng dịch hại mà nước nhập khẩu quan tâm. Sản phẩm phải tuân thủ công ước quốc tế về Bảo vệ thực vật, các quy định của: Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Dịch tễ Thế giới.

Nước Mỹ có nhiều quy định riêng đối với trái cây nhập khẩu: quy trình sản xuất đóng gói, truy nguyên nguồn gốc và phải được chiếu xạ để vô hiệu hoá ruồi đục quả.

Năm 2000, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam ta đã ký kết thoả thuận hợp tác với Cục Bảo vệ động thực vật Mỹ. Từ đó đến nay, hai bên cùng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ thực vất: nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, thường xuyên trao đổi thông tin về dịch bệnh hại, luật lệ đối với bảo vệ thực vật.

Năm 2005, chúng ta đã gửi danh sách dịch hại trên các loại cây ăn quả Việt Nam, và đề nghị phía Mỹ cho phép nhập khẩu 16 loại trái cây của nước ta. Kể từ năm 2006 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã “chạy đua” trong việc đào tạo nhân sự và hoàn tất bộ “Hồ sơ SPS” về khai báo nguy cơ nhiễm sâu bệnh và các biện pháp loại trừ để đảm bảo không có nguy cơ lây nhiễm cho 16 loại trái cây đăng ký xuất khẩu sang Mỹ.

Riêng thanh long đã được phía Mỹ khảo sát đánh giá từ năm 2005, và đến ngày 31/7/2008 họ chấp nhận mở cửa thị trường cho sản phẩm này của nước ta. Ngoài dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thì trở ngại lớn đối với trái cây Việt Nam là hiện tượng “ruồi đục quả”.

Hiện ở Việt Nam đã thống kê có tới 30 loài ruồi đục quả, trong đó có 3 loại  trên trái thanh long, vì vậy phía Mỹ yêu cầu chúng ta phải diệt trừ bằng phương pháp chiếu xạ. Suốt 3 tháng qua, đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ làm việc tại Việt Nam để hướng dẫn và giám sát quy trình.

Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các chuyên gia Mỹ cấp giấy phép cho 3 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long là: Công ty Sơn Sơn tại Tp.HCM, Công ty Hoàng Hậu, Công ty Hàm Minh tại tỉnh Bình Thuận. Đồng thời cũng đã cấp xác định mã vạch truy nguyên nguồn gốc cho các hợp tác xã đang canh tác thanh long cung cấp nguyên liệu đầu vào của 3 doanh nghiệp xuất khẩu trên.

Doanh nghiệp phải chủ động

Trên cơ sở nào, Cục Bảo vệ thực vật đề xuất 16 loại trái cây xuất khẩu sang Mỹ?

Nhiều doanh nghiệp nước ta đã sang Mỹ để khảo sát thị trường và định ra 16 loại trái cây tiềm năng cho Việt Nam. Đó là: chuối, thanh long, sầu riêng, ổi, mận hậu, mít, vải, nhãn, xoài, dứa, bưởi, mận, chôm chôm, hồng xiêm, vú sữa, dưa hấu.

Đây là nhóm hoa quả nhiệt đới vốn rất được người dân Mỹ ưa chuộng. Phần lớn các loại trái cây này đã hình thành nhiều vùng cây đặc sản ở nước ta, chuyên canh với diện tích rộng (vải thiều Lục Ngạn, nhãn Hưng Yên, thanh long Bình Thuận...).

Sau thanh long, từ nay đến hết năm 2008 sẽ có thêm nhãn và chôm chôm Việt Nam sẽ được Mỹ cho phép nhập khẩu. Nếu chôm chôm và nhãn vào thị trường Mỹ thì giá trị xuất khẩu sẽ rất lớn, vì 2 loại cây này đang sẵn có vùng chuyên canh lên đến 60 ngàn ha mỗi loại, và thường bị mất giá ở thị trường trong nước mỗi khi vào mùa thu hoạch rộ.

Phía Mỹ đã cho phép nước ta đưa thanh long vào thị trường nước này từ ngày 31/7/2008, thế nhưng vì sao cho đến nay vẫn chưa có lô hàng nào được xuất khẩu sang Mỹ, thưa ông?

Chúng ta đã hoàn tất khâu kỹ thuật đối với trái thanh long, nhưng mới chỉ có được “tấm giấy thông hành”, còn xuất khẩu sang Mỹ như thế nào lại là vấn đề của các doanh nghiệp. Ông Trần Trọng Ngâm, Giám đốc Công ty Sơn Sơn, cho biết nếu không có gì thay đổi thì lô thanh long đầu tiên xuất sang Mỹ sẽ được khởi hành vào ngày 20/9/2008.

Giá bán trái cây ở thị trường Mỹ cao gấp nhiều lần ở nước ta, nhưng để hạch toán kinh tế, các doanh nghiệp còn phải tính toán nhiều. Nếu vận chuyển bằng máy bay, cước phí 10 USD/kg, sẽ không khả thi. Vì vậy sẽ vận chuyển bằng tàu thuỷ, thời gian vận chuyển hơn 10 ngày, khâu bảo quản cũng đang là vấn đề khó.

Xuất khẩu sang Mỹ, lãi nhiều, lãi ít, hay là lỗ, thì phải đợi lô hàng đầu tiên xuất xong các doanh nghiệp mới tính toán được. Vì vậy, đến giờ phút này vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn rằng con đường vào Mỹ của trái cây Việt Nam sẽ thênh thang.

Nước Mỹ là thị trường tiêu thụ trái cây rất lớn, nhưng các doanh nghiệp phải chủ động sang Mỹ để nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng, chứ nếu ở nhà chờ người Mỹ tìm đến đặt hàng thì chẳng khác nào “há miệng chờ sung”.