Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ chờ ngày "hồi sinh" sau đại dịch
Trải qua bốn đợt dịch Covid-19, hơn 90% doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, các đơn vị sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ được cho là nhóm dễ tổn thương vì họ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, sản xuất mang tính chất hộ gia đình hoặc làng nghề.
Các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ này hầu như đều bấp bênh trong đại dịch vì các đối tác tiêu thụ đa phần là doanh nghiệp nước ngoài và thuộc các nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch như thời trang, du lịch…
Nón lá bồ đề của thương hiệu Việt Sourvenir hay dép cao su của thương hiệu Vua Dép Lốp là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từng rất được ưa chuộng trên thị trường, đặc biệt với những khách du lịch nước ngoài. Nhưng gần 2 năm qua, doanh thu từ thị trường lớn này đã cơ bản đóng băng. Các chủ doanh nghiệp phải tìm ra nhiều giải pháp khác nhau để tồn tại.
Mở cửa trở lại hoạt động du lịch lữ hành quốc tế là sự kiện rất được trông đợi đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ổn định, sẽ là cơ hội để hàng vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa như Việt Sourvenir, Vua dép lốp... hồi sinh.