14:01 17/07/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29 phát hành ngày 18-07-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2022
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2022

Trong báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541,6 nghìn tỷ đồng.

Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu kéo dài trong 5 năm, kể từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2022. 

Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412,67 nghìn tỷ đồng. 

Như vậy, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017). 

Theo nhận định chung của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về kết quả thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu, từ khi có hiệu lực thi hành, Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Trong thời gian áp dụng Nghị quyết, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42.

Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...).

Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống. Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Bên cạnh đó, trước áp lực nợ xấu của các tổ chức tín dụng dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư vào các tài sản này.

Nhằm tránh khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu, ngày 16/6/2022, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 63/2022/QH1, trong đó chính thức cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 đến ngày 31/12/2023. Cùng đó giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Như vậy, Chính phủ có chưa đầy một năm để tập dượt cũng như hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.  

Trong số báo ra sáng thứ Hai, ngày 18.07.2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho chủ đề: “Chạy nước rút để lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu”, với việc nhìn lại toàn cảnh bức tranh xử lý nợ xấu, bao gồm cả tính vượt trội khi áp dụng Nghị quyết 42 và 6 nhóm bất cập được nêu trong Báo cáo 174 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp vừa qua; trả lời cho các băn khoăn: Quyền xử lý nợ xấu và bảo vệ quyền chủ nợ của các tổ chức tín dụng trong quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý và giải quyết các bất cập về thực thi trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42. Làm gì để tuân thủ lộ trình tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã đề ra, qua đó bảo đảm kịp tiến độ tiếp nối tính pháp lý khi Nghị quyết 42 chấm dứt hiệu lực gia hạn vào 31/12/2023?

Các bài viết bao gồm:

-Gia hạn Nghị quyết 42: “Bàn đạp” đề xuất một sắc luật mới. Trong bối cảnh nợ xấu bắt đầu phình to, việc Quốc hội chấp thuận gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 được giới chuyên môn đánh giá là “bàn đạp” để hoàn thiện pháp lý về xử lý nợ xấu. (Vũ Phong).

-Cần luật hóa Nghị quyết 42  để phá “tảng băng chìm” nợ xấu. Trải qua gần 5 năm triển khai trong thực tiễn, Nghị quyết số 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết số 42, xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương; từ chính những quy định tại Nghị quyết số 42. P/v ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC. (Nguyễn Hoài – Hoàng Việt).

-Nắm giữ “phao cứu sinh” nhưng vẫn khó thu hồi nợ. Ghi nhận thực tế quá trình tố tụng cho thấy, mặc dù ngân hàng nắm giữ “phao cứu sinh” là tài sản đảm bảo như bất động sản, song vẫn khó xử lý để thu hồi nợ. (Đỗ Mến).

-Minh bạch thông tin để tài sản đảm bảo thực sự bảo đảm. Hiện nay, các tổ chức tín dụng rất khó trong việc tiếp cận thông tin về tài sản đảm bảo, gây khó khăn trong việc xác định tài sản đảm bảo có đủ điều kiện để thu giữ hay không. Vướng mắc này xuất phát từ thực trạng Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết và pháp luật về đăng ký giao dịch đảm bảo ở nước ta hiện còn chồng chéo. P/v Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Chủ tịch SB Law để gợi mở một số giải pháp cho thực trạng trên, nhằm khơi thông điểm nghẽn cho hoạt động xử lý nợ xấu. (Hoàng Lan).

-Hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu. Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 đến 31/12/2023. Cùng đó giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét, chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Như vậy, kể từ ngày Nghị quyết Quốc hội được ban hành, Chính phủ có chưa đầy một năm để tập dượt cũng như hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. (Đào Hưng – Ánh Tuyết – Phan Linh).

Cùng các chuyên mục hấp dẫn khác:

-Mối quan hệ đặc biệt có một không hai. Cả Việt Nam và Lào đều xác định mối quan hệ song phương giữa hai nước là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất, được ưu tiên nhất trong mối bang giao quốc tế của mỗi nước. (Nguyễn Quốc Uy).

- Nâng tầm quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam – Lào. Việt Nam và Lào là 2 nước láng giềng, có quan hệ lâu đời, có biên giới rộng dài. Quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch giữa 2 nước trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, kỳ vọng tới đây sẽ ở tầm cao mới, nhưng cũng còn những vấn đề cần giải quyết. (Đỗ Văn Huân).

-Kế hoạch hành động vì một Việt Nam xanh và thịnh vượng. 184 tỷ USD tính theo giá trị hiện tại - đó là mức đầu tư tối thiểu cần huy động từ khu vực tư nhân từ nay đến năm 2040 để giúp Việt Nam nâng cao khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu và theo đuổi lộ trình tăng trưởng kinh tế với mức phát thải ròng bằng 0. (Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào; thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới).

-“Hạ nhiệt” lạm phát: Ổn định kinh tế vĩ mô gắn với cải cách kinh tế. Dù tăng trưởng GDP cả năm vẫn được dự báo ở mức cao so với nền chung của khu vực và thế giới, song trước vấn đề “nóng” của nền kinh tế - lạm phát đang gia tăng – ưu tiên hàng đầu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô gắn với cải cách. Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: cải cách và phát triển bền vững” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát hành giữa tháng 7/2022 đã dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 ở mức khá cao. (Anh Nhi).

-Thị trường bất động sản: Dần hồi phục, phát triển tốt. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt. Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao, hầu như không phát sinh lượng tồn kho mới. Thị trường đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng… (Phan Dương).

-Giá xăng giảm, doanh nghiệp có bớt khó? Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện giá xăng trong nước đã xuống dưới mức 30.000 đồng/lít, gần bằng mức giá vào giữa tháng 4. Xăng giảm giá, song liệu doanh nghiệp có bớt khó? (Lưu Hà).

-Áp lực giá xăng dầu “vơi bớt”, doanh nghiệp lại lo khó khăn khác. Sau đợt điều chỉnh giảm sâu giá xăng dầu trên thị trường, gánh nặng chi phí lên doanh nghiệp phần nào đã được giảm bớt. Song khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt vẫn rất lớn khi nguồn nguyên vật liệu bị thiếu hụt, tồn kho ở mức cao… (Ngân Hà).

-Các ngân hàng trung ương toàn cầu quay cuồng chống lạm phát. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang đẩy mạnh việc tăng lãi suất nhằm hãm phanh đà leo thang của giá cả tiêu dùng - một hệ quả từ việc theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong đại dịch Covid-19. Giờ đây, việc đảo ngược chính sách nhằm chống lạm phát lại đặt ra một rủi ro đáng sợ không kém là suy thoái kinh tế. (An Huy).

-Điều gì đã ảnh hưởng đến “sức sống” của Luật PPP? Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 được kỳ vọng sẽ tạo cú hích huy động vốn từ khu vực tư nhân vào các dự án hạ tầng, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện có rất ít dự án PPP được chấp thuận đầu tư. (Vũ Khuê).

-Bán vốn nhà nước:  Ế ẩm vẫn “neo” giá cao! Trên thị trường hiện nay mặc dù bán vốn nhà nước “ế ẩm” nhưng giá khởi điểm không giảm, thậm chí vẫn “neo” ở mức cao. Vì sao lại có nghịch lý trên? (Đỗ Mến).

-Dòng tiền đang đổ vào các dự án Blockchain. Việt Nam hoàn toàn có thể nằm trong top 10 trên thị trường và là một trong những cái nôi sản sinh ra những dự án sản phẩm Blockchain tốt nhất thế giới. Tỷ lệ vốn rót vào các startup lĩnh vực Blockchain có thể chiếm 1/3, thậm chí một nửa trong tổng số vốn đầu tư vào startup ở thị trường Việt Nam. P/v ông Trần Minh Duy Cris, Giám đốc điều hành Quỹ Khởi nghiệp quốc gia Việt Nam, Giám đốc chiến lược Tập đoàn Huobi Global tại Việt Nam. (Phan Anh).

-Tận dụng EVFTA, vượt rào cản: Đưa nông sản Việt tiến sâu hơn vào EU. Để gia tăng xuất khẩu nông sản vào thị trường EU, doanh nghiệp cần nắm bắt các lợi thế từ EVFTA và tính toán đi đường xa cho các sản phẩm, vượt qua khó khăn, ký được những đơn hàng lớn, ổn định lâu dài. (Vũ Khuê).

-Sầu riêng Việt được cấp “visa” vào Trung Quốc. Sau gần 4 năm nỗ lực đàm phán, ngày 11/7/2022 trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được cấp “visa” xuất khẩu vào Trung Quốc theo con đường chính ngạch. Kết quả này đã mang đến sự phấn khởi cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trồng sầu riêng. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu, còn về lâu dài, để giữ vững được thị trường tiềm năng này, vẫn còn nhiều việc phải làm. (Chu Khôi).

-Rất nhiều việc phải làm: Để Đà Nẵng hấp dẫn, giữ chân khách ngoại. Sở hữu nhiều lợi thế về cảnh đẹp tự nhiên mà ít có nơi nào sánh bằng, hạ tầng du lịch vượt trội với những khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới… Đà Nẵng được đánh giá là một điểm đến độc đáo thế nhưng lại chưa phải là một thành phố đáng đến, đáng sống. (Anh Văn - Nam Huyền).

-Xử lý ngay tình trạng hàng không chậm chuyến. Lượng hành khách bùng nổ là tín hiệu đáng mừng cho thị trường hàng không Việt, nhưng tình trạng trễ chuyến, quá tải hạ tầng tăng “nóng”, dẫn đến sự hỗn loạn tại sân bay, bức xúc của hành khách đòi hỏi phải có các giải pháp giải quyết ngay. (Ánh Tuyết).

-Ngành y tế gỡ thế bí: Hàng nghìn nhân viên nghỉ việc. Năm 2021 đã có hơn 5.200 viên chức ngành y tế cả nước xin nghỉ việc. Sáu tháng đầu năm 2022 tiếp tục có trên 4.100 người xin thôi việc. Tính ra trong vòng 18 tháng qua, ngành y tế công đã có gần 9. 400 người nghỉ việc, chuyển công tác. Đây là bài toán nan giải về nhân lực của ngành y tế. (Lý Hà).

-Áp lực lạm phát “Đè nén” bán lẻ thời trang. Các nhà bán lẻ thời trang và các cửa hàng bách hóa đang chứng kiến doanh số tăng trưởng chậm lại khi mức tăng giá bán của họ chạm đến điểm giới hạn của người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới. (Minh Nguyệt).