Dòng tiền vẫn điều tiết tích cực, VN-Index chốt phiên giá cao nhất
Một nhịp giảm khá nhanh giữa phiên chiều nay thậm chí ép VN-Index lùi sát tham chiếu chỉ còn tăng 0,5 điểm. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một thoáng chênh lệch cung cầu, về cơ bản sức ép từ phía bán vẫn rất nhẹ. Thị trường phục hồi nhanh trở lại sau đó đưa VN-Index chốt phiên ở sát đỉnh cao nhất ngày, tăng 0,41%, tương đương +4,59 điểm so với tham chiếu, xác nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp trọn vẹn...
Một nhịp giảm khá nhanh giữa phiên chiều nay thậm chí ép VN-Index lùi sát tham chiếu chỉ còn tăng 0,5 điểm. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một thoáng chênh lệch cung cầu, về cơ bản sức ép từ phía bán vẫn rất nhẹ. Thị trường phục hồi nhanh trở lại sau đó đưa VN-Index chốt phiên ở sát đỉnh cao nhất ngày, tăng 0,41%, tương đương +4,59 điểm so với tham chiếu, xác nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp trọn vẹn.
Khối ngoại chiều cũng gây bất ngờ khi tăng mua đáng kể. Cụ thể, mức bán ra trên HoSE chiều nay vẫn khá lớn, đạt 877,3 tỷ đồng, tăng 70% so với phiên sáng. Tuy nhiên bên mua tăng tới 178% với 793,8 tỷ đồng, nên mức bán ròng chỉ là 83,5 tỷ. Tính chung cả ngày khối này xả ròng khoảng 314,8 tỷ trên HoSE, 27,6 tỷ trên HNX và 12,1 tỷ trên UpCOM.
Dù vậy nếu tính riêng phiên chiều thì cầu ngoại cũng đã tham gia hỗ trợ thị trường. Thanh khoản HoSE chiều nay chỉ tăng nhẹ 5,3% so với buổi sáng, đạt hơn 6.687 tỷ đồng. Điều đó nghĩa là dòng tiền nội có suy yếu một chút.
Kết quả cuối cùng vẫn là khả năng phục hồi ở giá cổ phiếu cũng như VN-Index. Áp lực bán không mạnh tạo điều kiện cho thị trường cân bằng khá dễ dàng. Chỉ trong 20 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục chỉ số đã lấy lại khoảng 4 điểm và đợt ATC cầu giữ vững thế trận. VN-Index tăng ít nhưng đóng cửa vẫn sát ngưỡng cao nhất ngày là một kết quả tích cực.
Dẫn dắt điểm số chiều nay vẫn là các trụ từ sáng: VHM tăng thêm 0,48% so với giá chốt phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 1,7%. HPG tăng thêm 0,36%, chốt trên tham chiếu 1,28%. VCB tăng thêm 0,49%, chốt tăng 1,22%. Hơi tiếc là FPT lại tụt giá nhẹ chiều này và chỉ còn tăng 1,25% so với tham chiếu. VNM cũng tụt 0,44%, còn tăng 0,15%. Nhìn chung nhóm VN30 phiên chiều cũng có cải thiện giá tốt hơn, với 15 mã tăng cao hơn phiên sáng và 10 mã tụt giá. VN30-Index đóng cửa cũng có cải thiện, tăng 0,33% so với tham chiếu, độ rộng ghi nhận 17 mã tăng/11 mã giảm.
Việc thị trường “đánh võng” nhiều nhịp trong suốt phiên hôm nay, đặc biệt là nhịp VN-Index lùi xuống sát tham chiếu buổi chiều cho thấy áp lực bán đôi lúc đã gây ảnh hưởng rõ nét hơn. Độ rộng tại đáy chỉ số ghi nhận 193 mã tăng/281 mã giảm. Dù vậy đây cũng chỉ là sự thay đổi cung cầu trong thoáng chốc. Nhịp phục hồi sau đó lại kéo giá cổ phiếu hồi lên, độ rộng cuối phiên có 265 mã tăng/216 mã giảm.
Hoạt động chốt lời từng đợt phản ánh quan điểm ngắn hạn. Nhà đầu tư cảm nhận thị trường yếu đi khiến rủi ro “cụt lãi” xuất hiện là sẽ bán ra. Tuy nhiên đó không phải là sự cộng hưởng rộng rãi và nhu cầu bán cũng không lớn. Do đó giá phục hồi tương đối thuận lợi ngay cả khi thanh khoản vẫn duy trì thấp. Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn phiên chiều tăng 4,7% so với phiên sáng, đạt 7.283 tỷ đồng là mức không nổi bật. Tới 3 phiên chiều trở lại đây giao dịch chỉ loanh quanh ngưỡng này.
Một yếu tố khá bất lợi về thanh khoản là dòng tiền không tập trung nhiều vào các blue-chips mà chạy vào nhóm Midcap nhiều hơn. VN30 hôm nay chỉ chiếm khoảng 35% tổng thanh khoản sàn HoSE trong khi Midcpa chiếm hơn 52%. Trong số 20 cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường (đều trên 200 tỷ đồng thanh khoản mỗi mã) thì chỉ có 6 mã thuộc rổ VN30. Những cổ phiếu thu hút dòng tiền rất tốt lại là GEX, DIG, VND, DBC, CTD, DGC, VIX, VCI… và giá đều tăng.
Việc tiền vào VN30 ít sẽ làm chậm tốc độ tăng của VN-Index vì dù sao khả năng kéo điểm vẫn nằm ở nhóm trụ. BID, GAS, CTG, TCB, MSN đỏ là hạn chế lớn. Phiên hôm qua thị trường có được sự đồng thuận ở nhóm trụ nên đà tăng mạnh khác biệt. Hôm nay sự phân hóa diễn ra sâu sắc không chỉ ở nhóm vốn hóa mà ngay cả trong từng nhóm ngành. Dòng tiền có vẻ hạn chế nên chỉ có thể tâp trung có chọn lọc.