10:26 29/05/2014

Đồng ý tăng bội chi để đóng tàu sắt cho ngư dân

Nguyên Hà

Có thể dừng lại những công trình chưa thật sự cấp thiết để tập trung chi cho quốc phòng an ninh

Nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị tiết kiệm tối đa chi thường xuyên để dành ngân sách đầu tư cho ngư dân bám biển.<br>
Nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị tiết kiệm tối đa chi thường xuyên để dành ngân sách đầu tư cho ngư dân bám biển.<br>
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về cân đối ngân sách nhà nước năm 2013,  nhiều ý kiến đồng ý với phương án nâng bội chi lên 5,3% được Chính phủ trình.

Tuy nhiên, các vị thay mặt dân quyết định việc tiêu tiền cũng chỉ rõ, đồng ý nâng bội chi để có nguồn chi cho các mục tiêu giảm nghèo, hỗ trợ nhà, hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân miền Trung do xả điện gây lũ lụt, đền bù cho dân.

Tiền bội chi còn được dành để đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân bám biển, hỗ trợ thiệt hại cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình hình biển Đông (như ở tỉnh Bình Dương, Hà Tĩnh), củng cố tiềm lực tài chính quốc phòng... báo cáo nêu rõ.

Dự kiến bội chi vẫn ở mức tối đa

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thu không vượt dự toán nhưng chi vẫn tăng dẫn đến bội chi tăng là chưa hợp lý.

Chỉ đồng ý tăng bội chi tương ứng với phần hụt thu ngân sách Trung ương 21.560 tỷ đồng theo đúng nghị quyết của Quốc hội, tức là thấp hơn mức 5,3% GDP Chính phủ trình là ý kiến của đa số Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Bởi, điều này là hợp lý trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, nợ công đang tăng cao.

Nhiều ý kiến đồng ý với quan điểm của cơ quan thẩm tra phân tích rằng, 2013 là năm ngân sách đứng trước nhiều khó khăn. Tại kỳ họp tháng 10/2013, Chính phủ báo cáo Quốc hội hụt thu trên 63 ngàn tỷ đồng, trong đó hụt thu ngân sách Trung ương  47 ngàn tỷ đồng, vì vậy, Quốc hội thông qua nghị quyết điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Theo đó, cho phép thu vào ngân sách năm 2013 một số khoản thu đặc thù và nâng mức bội chi để bù đắp hụt thu ngân sách Trung ương nhưng không quá 195,5 ngàn tỷ đồng.

Thực tế thực hiện, nhờ có một số khoản thu Quốc hội cho phép, số hụt thu giảm. Tuy nhiên, Chính phủ dự kiến mức bội chi vẫn ở mức tối đa.

Các khoản chi tăng Chính phủ trình đều là cần thiết, nhưng nếu cho phép chi là không có trong dự toán, không đúng quy định của Hiến pháp, nhiều  đại biểu đồng tình với ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Do vậy, quan điểm của không ít đại biểu là không cho phép chi trong năm 2013, giữ lại khoản đó để giảm bội chi năm 2013. Trong năm ngân sách 2014 nếu có những khoản chi đột xuất, cấp bách phát sinh thì Chính phủ cần báo cáo rõ hơn.

Dự liệu tình huống đột xuất


Cân đong túi tiền quốc gia trong bối cảnh biển Đông căng thẳng, các vị đại diện cho nhân dân bày tỏ không ít lo lắng.

Trong đó có 2 điểm đáng lo nhất là dòng tiền có tăng trưởng nhưng có biểu hiện là không chảy vào khu vực sản xuất kinh doanh, việc xử lý nợ xấu chậm.

Thứ hai là các hoạt động khác (chính trị, xung đột biển Đông, gây rối trong nước…) có ảnh hưởng nhất định, có thể có những tình huống dẫn đến phải tăng chi.

Nhưng, trong báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến những tình huống đột xuất trong năm 2014. Do đó, cần chủ động tính toán để trình Quốc hội tăng bội chi ngân sách nhà nước nếu cần thiết, báo cáo nêu rõ.

Bản tổng hợp cũng nêu một số ý kiến đại biểu cho rằng cần rà soát lại một số công trình chưa cần thiết dù đã ghi vốn đầu tư cũng nên dừng lại để tập trung chi cho quốc phòng an ninh.

Và, vẫn như nhiều phiên thảo luận tại các kỳ họp trước, đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình rõ số liệu nợ công hiện nay đã tính đúng, tính đủ chưa? nguồn trả nợ như thế nào? tiếp tục là câu hỏi được đặt ra.