08:48 07/03/2023

Du lịch Nhật Bản “chật vật” tìm lối phục hồi

Tường Bách

Nhật Bản gần đây thông báo loại bỏ yêu cầu xét nghiệm chung đối với khách du lịch từ Trung Quốc, áp dụng từ 1/3. Quốc gia này chỉ cho kiểm tra ngẫu nhiên 20% hành khách trên các chuyến bay từ Trung Quốc...

Ảnh: The Japan Times
Ảnh: The Japan Times

Dù vậy, chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với du khách Trung Quốc trước khi lên máy bay vẫn được yêu cầu. Ngoài ra, các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc - hiện chỉ được phép hạ cánh tại Narita (Tokyo), Haneda (Tokyo), Chubu (Nagoya) và Kansai (Osaka) - sẽ được mở rộng sang các sân bay khác ở Nhật Bản. Các hãng hàng không cũng được phép cung cấp dịch vụ thường xuyên hơn.

Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết thay đổi này nhằm mục đích thúc đẩy du lịch quốc tế. Khoảng 9,6 triệu người Trung Quốc đã đến thăm Nhật Bản vào năm 2019, chi tiêu tổng cộng 1,7 nghìn tỷ yen (12,5 tỷ USD). Các hạn chế nới lỏng dự kiến sẽ đẩy nhanh sự trở lại của những khách du lịch chi tiêu lớn.

Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ Nhật Bản đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ tăng trưởng khách du lịch khi đất nước mở cửa hoàn toàn từ tháng 10/2022. Trong hơn 10.000 nhà trọ cũng như khách sạn mà công ty nghiên cứu và cung cấp dữ liệu Teikoku Databank của Nhật hồi tháng 1 khảo sát, gần 78% cho biết không đủ nhân viên toàn thời gian. Hơn 81% nói rằng không đủ cả nhân viên bán thời gian và thời vụ. "Sự thiếu hụt nhân sự đang diễn ra ở mức kỷ lục, thiếu hơn cả 2019 và trước đó", Teikoku Databank nhận định.

Chuỗi nhà hàng nổi tiếng Kiwamiya có trụ sở chính ở Fukuoka, phía nam đất nước, ngày nhiều nhất trong tháng 1 vừa qua từng đón 400 khách (tại một cửa hàng). Và quán đã không thể phục vụ xuể với lượng nhân viên ít như hiện tại. Kanucha Bay Resort, có trụ sở tại Okinawa, cũng đối mặt tình trạng tương tự vì thiếu nhân viên. Người đứng đầu khách sạn Takehiro Shiraishi cho biết họ buộc phải tập trung vào khách nội địa vì không đủ nhân lực đón thêm khách quốc tế.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ tăng trưởng khách du lịch khi đất nước mở cửa hoàn toàn từ tháng 10/2022.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ tăng trưởng khách du lịch khi đất nước mở cửa hoàn toàn từ tháng 10/2022.

Khoảng 1,5 triệu lượt khách đến Nhật Bản vào tháng 1/2023, theo Tổ chức du lịch Quốc gia, gấp 84 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 55,7% so với trước dịch. Nhật Bản đang tiến gần về mốc đón 20 triệu lượt khách của năm 2019, năm đón lượng khách đông nhất. Sự thiếu hụt này càng cao hơn nữa khi du lịch nội địa dự kiến tăng trong kỳ nghỉ Tuần lễ vàng (vào tháng 5) và mùa hè.

Nhật Bản từ lâu đã tự hào với tinh thần “omotenashi” - hết lòng với khách hàng, song tình trạng thiếu nhân viên dịch vụ trầm trọng bởi ảnh hưởng của đại dịch khiến họ không đủ hào hứng để đối mặt với số lượng du khách tăng vọt. “Sự thiếu hụt nhân sự trong toàn bộ lĩnh vực dịch vụ là vấn đề rất nghiêm trọng”, Sayaka Hamano, chủ quán trọ truyền thống Nhật Bản chia sẻ.

Tác động của việc thiếu nhân viên cũng được thể hiện trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng khi các sân bay không thể đảm bảo đủ nhân viên an ninh, nhập cảnh và phi hành đoàn. Hậu quả đã được kiểm chứng qua những hàng người chờ đợi ngày càng kéo dài tại các điểm nhận hành lý và kiểm tra hải quan. Ashley Harvey, nhà phân tích có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch cho biết: “Nhật Bản đơn giản là chưa sẵn sàng cho làn sóng du khách mới”.

Trước tình hình này, Tổng cục Du lịch Nhật Bản đang xây dựng "Kế hoạch cơ bản thúc đẩy quốc gia du lịch mới, trong đó mục tiêu đến năm 2025, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản sẽ đạt 200.000 Yen/người (1.520 USD/người). Thay vì trông chờ vào số lượt khách thì nước này hy vọng doanh thu của mỗi khách du lịch sẽ tăng cao, do đó kế hoạch mới chỉ đặt mục tiêu số lượng du khách "cao hơn năm 2019", năm đánh dấu số lượng khách du lịch đến Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục là 31,88 triệu lượt.  

Để có thể nâng chi tiêu của khách du lịch, việc tăng số ngày lưu trú và đơn giá phòng nghỉ là cần thiết. Tổng cục Du lịch Nhật Bản sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ như cải tạo cơ sở lưu trú tại các địa phương, mục tiêu nâng số ngày lưu trú tại các địa phương nằm ngoài 3 thành phố lớn là Tokyo, Aichi, Osaka là 1,5 ngày, tăng so với mức 1,35 ngày năm 2019.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch Nhật Bản sẽ triển khai chính sách thu hút khách du lịch tầng lớp thượng lưu. Theo cơ quan này, tại thời điểm năm 2019, mặc dù số khách du lịch thượng lưu đến Nhật Bản (giá trị chuyến du lịch trên 1 triệu yen trở lên) chỉ chiếm 1% (290.000 người), song lại chiếm tới 11,5% tổng chi tiêu (550 tỷ yen). Theo Nikkei Asia, ngành du lịch Nhật Bản đang phát triển nhiều dịch vụ hướng đến các du khách giàu có.

Nikkei Asia cũng cho biết, Nhật Bản sẽ khởi động một dự án khuyến khích các nhà điều hành khách sạn toàn cầu mở dự án hạng sang trong công viên quốc gia sớm nhất là vào năm 2024. Đây là một phần trong kế hoạch thu hút nhiều khách du lịch hơn hậu đại dịch. Theo đó, chính phủ Nhật Bản muốn khách du lịch coi nước này là một điểm đến gần gũi với thiên nhiên và họ đang nỗ lực làm việc với các thành phố, doanh nghiệp địa phương để hướng tới triển khai các dự án phục vụ mục tiêu trên.

Thay vì trông chờ vào số lượt khách thì nước này hy vọng doanh thu của mỗi khách du lịch sẽ tăng cao.
Thay vì trông chờ vào số lượt khách thì nước này hy vọng doanh thu của mỗi khách du lịch sẽ tăng cao.

Vào tháng 6 tới, chính phủ Nhật Bản sẽ quyết định cách thức chọn các công viên và doanh nghiệp đủ điều kiện. Một hoặc hai vườn quốc gia sẽ được chọn. Sau đó, họ sẽ mời các nhà điều hành khách sạn hạng sang tham gia dự án. Kế hoạch sơ bộ là để các nhà khai thác mở những khách sạn nhỏ chỉ khoảng vài chục phòng nhưng tính phí ít nhất hàng chục nghìn yên mỗi đêm cho mỗi phòng.

Hiện tại, các nhà điều hành khách sạn có thể mở cơ sở nghỉ dưỡng trong các khu vực được chỉ định nằm gần hoặc bên trong khuôn viên công viên quốc gia nếu được chính phủ cho phép. Còn theo kế hoạch mới, chính phủ Nhật Bản đang xem xét cho phép các nhà khai thác mở cơ sở bên ngoài các khu vực được chỉ định hiện tại, miễn là họ được sự chấp thuận của địa phương.

Chính phủ hy vọng kế hoạch mới sẽ mang lại thêm doanh thu du lịch cho các công viên quốc gia và các khu vực xung quanh. Các nhà điều hành khách sạn dự kiến sẽ cần làm việc với Bộ Môi trường và các chính quyền địa phương để đưa ra kế hoạch khuyến khích khách khám phá các khu vực địa phương, ví dụ như trải nghiệm ẩm thực và các điểm tham quan như suối nước nóng. Thủ tướng Fumio Kishida hy vọng rằng doanh thu từ du lịch có thể quay lại mức trước đại dịch là hơn 5 nghìn tỷ Yen (36,6 tỷ USD)/năm.

 

Trong khi đó, báo cáo tháng 2 của Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) cho thấy, xứ sở hoa anh đào đón 51.500 lượt khách du lịch từ Việt Nam trong tháng 1/2023. Lượng khách tăng 45,6% so với cùng kỳ 2019 (35.375 lượt) và tăng 12.046,2% so với cùng kỳ năm 2021. Xét về tỷ lệ tăng trưởng, JNTO đánh giá Việt Nam là thị trường có số lượt khách đến Nhật Bản tăng cao nhất nếu so với cùng kỳ năm 2019 trong khi tỷ lệ này đang là -44.3% khi tính chung toàn bộ các thị trường.

Các công ty du lịch và công ty hàng không bán sản phẩm du lịch tới Nhật Bản đều chia sẻ đã nhận được nhiều đặt chỗ vào thời gian hoa anh đào nở. Hiện hàng ngày, các sản phẩm này vẫn nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng Việt Nam. JNTO kỳ vọng lượng khách du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vào mùa hoa anh đào trong tháng 3 và tháng 4.