15:48 18/08/2023

Dừng dự án hỗ trợ buýt nhanh tại TP.HCM

Xuân Nghi

Dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 thuộc Dự án hỗ trợ kỹ thuật Phát triển giao thông xanh TP.HCM, vừa được Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu dừng triển khai, do thời gian còn lại để thực hiện dự án theo hiệp định tài trợ ODA là không đủ theo quy định...

Dừng dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến BRT số 1 TP.HCM do thời gian còn lại theo hiệp định tài trợ ODA không đủ để thực hiện. Ảnh: Phối cảnh dự án BRT số 1 (Saigon BRT - TCIP).
Dừng dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến BRT số 1 TP.HCM do thời gian còn lại theo hiệp định tài trợ ODA không đủ để thực hiện. Ảnh: Phối cảnh dự án BRT số 1 (Saigon BRT - TCIP).

Dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến BRT số 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, thực hiện từ năm 2016-2020. Dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) ủy thác, tài trợ.

Dự án nhằm tăng cường chất lượng và nâng cao hiệu quả của Dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM trên hành lang tuyến BRT số 1. Tổng giá trị dự kiến của dự án gần 250 tỷ đồng; trong đó vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 10,5 triệu USD (tương đương 245 tỷ đồng), vốn đối ứng 4,7 tỷ đồng. Hiệp định tài trợ ODA có thời hạn thực hiện là 3 năm.

Đến cuối tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2023 và giao Ủy ban nhân dân TP.HCM phối hợp với Bộ Tài chính trao đổi, làm việc với nhà tài trợ để thực hiện thủ tục điều chỉnh hiệp định tài trợ của dự án.

Tuy nhiên, do mục tiêu tổng quát dự án, tiến độ triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật phụ thuộc vào tình hình thực hiện dự án BRT, nên sau khi WB có thư ngày 27/9/2022 về việc ngưng thực hiện dự án BRT, các hoạt động triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật tạm ngưng để theo dõi tình hình chủ trương thực hiện dự án BRT.

Theo giải thích của Ủy ban nhân dân TP.HCM, nguyên nhân dừng thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật là do quá trình từ khi văn kiện dự án được phê duyệt (tháng 11/2018) đến khi Hiệp định tài trợ WB được ký kết và có hiệu lực (tháng 01/2020) là 3 năm, dẫn đến thời gian còn lại để thực hiện dự án là không đủ theo quy định. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến việc huy động tư vấn nước ngoài, dẫn đến chủ đầu tư chưa triển khai và ký kết toàn bộ các gói thầu của dự án.

Vẫn theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, tính đến hết tháng 7/2023, tỷ lệ giải ngân dự án hỗ trợ kỹ thuật là 0% đối với nguồn vốn ODA và 50,98% nguồn vốn đối ứng, tương đương 2,4 tỷ đồng. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật BRT là không còn phù hợp với tình hình thực tế do dự án hỗ trợ kỹ thuật bổ sung cho các hoạt động của dự án BRT và chỉ có thể triển khai khi dự án BRT được tiếp tục.

Ông Lương Minh, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho biết khi làm việc với nhà tài trợ ODA, WB cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ TP.HCM trong phát triển giao thông xanh trên trục đông - tây với quy mô lớn hơn, toàn diện hơn gắn với định hướng phát triển mới, quy hoạch mới của TP.HCM. Đại diện Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ cũng nói sẽ tiếp tục duy trì nguồn viện trợ cho một dự án hỗ trợ kỹ thuật khác của TP.HCM. Hiện TCIP cùng Sở Giao thông vận tải Thành phố đang rà soát, nghiên cứu để trình Uỷ ban nhân dân Thành phố.

Ngày 12/7/2023, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có tờ trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét việc dừng triển khai thực hiện dự án. Sau đó, ngày 24/7/2023, Ban Thường vụ Thành ủy kết luận thống nhất chủ trương ngưng thực hiện Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM, theo đề nghị của WB.

Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM với việc xây dựng tuyến BRT đầu tiên của Thành phố, được phê duyệt năm 2013 do TCIP làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu gần 156 triệu USD, thời gian thực hiện 5 năm, từ 2014 - 2019. Theo đó, tuyến BRT số 1 có chiều dài 26 km trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (tức đại lộ Đông – Tây tên cũ) cùng hệ thống hạ tầng hỗ trợ như trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu và cuối, bãi hậu cần kỹ thuật và hệ thống quản lý hiện đại.

 

Đề án Phát triển giao thông công cộng TP.HCM đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển bền vững, văn minh, ưu tiên hướng tới sử dụng phương tiện và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Theo quy hoạt về hạ tầng giao thông công cộng, TP.HCM sẽ có 6 tuyến BRT với tổng chiều dài khoảng 100 km, trong đó tuyến BRT số 1 là tuyến đầu tiên được triển khai và là tuyến đầu tiên sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) hoặc bằng điện năng.