14:00 09/06/2023

TP.HCM hướng đến phát triển giao thông xanh

Xuân Nghi

Phương án buýt điện cho tuyến buýt xanh và kế hoạch chuyển đổi xe mô tô điện ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn, là những hoạt động thuộc dự án Giao thông Xanh mà TP.HCM đang hướng tới và triển khai trong tương lai gần...

Tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM chính thức vận hành từ ngày 09/3/2022. Ảnh: Nguyễn Duy.
Tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM chính thức vận hành từ ngày 09/3/2022. Ảnh: Nguyễn Duy.

Trong các ngày 7 và 8/6/2023, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức các cuộc họp, hội thảo chuyên sâu về phương án buýt điện cho tuyến buýt xanh, kế hoạch chuyển đổi xe mô tô điện ứng dụng công nghệ với các sở, ngành, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hoạt động trên địa bàn.

XE MÁY VẬN TẢI SẼ DỊCH CHUYỂN SANG MÔ TÔ ĐIỆN

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, chương trình thí điểm giải pháp đổi pin chia sẻ trong sử dụng xe mô tô điện ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn TP.HCM, là một hoạt động nằm trong chủ trương chung của lãnh đạo Thành phố về chuyển dịch sang giao thông xanh.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, giải pháp đổi pin chia sẻ là một trong những giải pháp năng lượng tiềm năng, đặc biệt ứng dụng trong hoạt động giao vận, đã được một số nước trên thế giới triển khai thành công. Do đó Thành phố muốn triển khai thí điểm để nghiên cứu, đánh giá tính hiệu quả, làm cơ sở tham khảo cho việc xây dựng chính sách phát triển chung.

Các các doanh nghiệp giao nhận vận tải đang hoạt động trên địa bàn như Lazada Logistics, Grab, Baemin, Be, DHL, Viettel Post, Sagawa,…doanh nghiệp xe điện như Vinfast, Selex Motors,… và một số tổ chức đang có nhiều dự án hỗ trợ thúc đẩy giao thông xanh trên toàn thế giới, tham dự và chia sẻ các ý kiến cũng như đề xuất với Thành phố. Đại diện các đơn vị, liên quan đã chia sẻ về định hướng chuyển đổi sang giao thông xanh nói chung và trong lĩnh vực giao vận nói riêng của Thành phố; về giải pháp đổi pin và ứng dụng trong giao vận, đồng thời nghe các doanh nghiệp và các tổ chức chia sẻ kinh nghiệm sử dụng và đánh giá tính hiệu quả của giải pháp.

Ông Lâm nhấn mạnh, Sở Giao thông vận tải Thành phố sẵn sàng làm đầu mối tiếp nhận những đề xuất về chính sách, ủng hộ kế hoạch chuyển đổi xe mô tô điện ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa của Selex Motors và sớm hoàn chỉnh phương án thí điểm. Sở sẽ cùng với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) để trình Uỷ ban nhân dân Thành phố. Ông cũng đề nghị các hiệp hội vận tải đề xuất các giải pháp gửi Sở Giao thông vận tải tổng hợp để kiến nghị Thành phố đề xuất Bộ Công Thương.

BUÝT ĐIỆN ỨNG DỤNG CHO BRT

Dự án Giao thông Xanh TP.HCM do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ nhằm xây dựng hành lang tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 với tổng chiều dài 23 km.

Hành lang này có lộ trình từ thị trấn An Lạc (quận Bình Tân) đến Rạch Chiếc (Thủ Đức), là một phần trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông công cộng của Thành phố đến năm 2025. Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (TCIP) chịu trách nhiệm thực hiện dự án.

Selex Motor đã hợp tác với Grab Express đưa mô tô điện vào hoạt động. Các tài xế chỉ mất 2 phút để thay pin để đi được quãng đường 150 km.
Selex Motor đã hợp tác với Grab Express đưa mô tô điện vào hoạt động. Các tài xế chỉ mất 2 phút để thay pin để đi được quãng đường 150 km.

Theo thiết kế được phê duyệt năm 2015, khi nén thiên nhiên (CNG) dự kiến sẽ được sử dụng cho đoàn tàu của tuyến BRT số 1. Trong bối cảnh thực hiện giảm lượng phát thải khí carbon và xe buýt điện đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương, xe buýt điện đang nổi lên là một phương án thay thế tiềm năng cho dự án.

Nhận xét về dự án BRT số 1, chuyên gia điều phối chương trình giao thông tại Việt Nam thuộc WB, ông Shige Sakaki cho rằng, dự án BRT số 1 lúc đầu dự kiến sử dụng xe buýt CNG để hoạt động trên tuyến, nhưng hiện tại xe buýt điện đang là phương án rất khả thi. Buýt điện là phương tiện rất hấp dẫn với người dân và phương án này cũng có thể sử dụng cho BRT. Nhiều thành phố trên thế giới đang thí điểm hoặc đã đưa vào sử dụng xe buýt điện rồi. 

Đề án phát triển giao thông công cộng TP.HCM đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển bền vững, văn minh, ưu tiên hướng tới sử dụng phương tiện và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Thành phố đã phát triển xe buýt CNG khoảng 10 năm nay và hiện chiếm khoảng 20% (chừng 400 xe).

Theo quy hoạt về hạ tầng giao thông công cộng, TP.HCM sẽ có 6 tuyến BRT với tổng chiều dài khoảng 100 km, trong đó tuyến BRT số 1 là tuyến đầu tiên được triển khai. Hiện có 126 tuyến buýt với khoảng 2.100 xe các loại. Quy hoạch đến 2025, TP.HCM sẽ phát triển 260 tuyến với khoảng 3.000 xe; đến 2030 tăng lên 350 tuyến với quy mô từ 4.000 – 4.200 xe.