20:10 21/07/2023

TP.HCM cần vay 20 tỷ USD để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống metro

Thiên Ân

TP.HCM cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép vay một khoản đủ lớn, ước khoảng 20 tỷ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị (metro) theo quy hoạch; đồng thời cần mạnh dạn đề xuất cách làm mới, huy động vốn vay...

Các ga ngầm của metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hiện đã hoàn thành trên 97%.
Các ga ngầm của metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hiện đã hoàn thành trên 97%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ như vậy với lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, nhân sự kiện hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, hôm 18/7/2023 vừa qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vùng Đông Nam Bộ (gồm 6 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu) có vị trí, vai trò quan trọng, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Mặc dù vậy, hệ thống kết nối giao thông nội vùng, liên vùng hiện còn thiếu và chưa đồng bộ. Sự phát triển chưa đồng đều, chưa tương xứng và còn chênh lệch giữa các địa phương, cũng như sự bảo hộ lợi ích kinh tế của mỗi địa phương đã góp phần triệt tiêu lợi thế chung của cả vùng.

Kết nối hạ tầng giao thông liên vùng được cho là chìa khóa giải quyết các “điểm nghẽn” giữa các địa phương với nhau. Trong giai đoạn 2026 – 2030, Bộ Giao thông vận tải xác định cần tiếp tục hoàn thiện nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam và khu vực đầu mối TP.HCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác vận tải đường sắt; đồng thời tiếp tục đầu tư hệ thống metro tại TP.HCM.

Sơ đồ tuyến metro 3a Bến Thành - Tân Kiên.
Sơ đồ tuyến metro 3a Bến Thành - Tân Kiên.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, các tuyến kết nối liên vùng như Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; đường Vành đai 4; các cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành, Chơn Thành – Đức Hòa, Chơn Thành – Gia Nghĩa, Dầu Giây – Liên Khương, TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận,… đến năm 2025 sẽ hoàn thiện đầu tư. Khi đó, mạng lưới giao thông giữa TP.HCM với các địa phương lân cận và trong vùng sẽ thông suốt, thuận lợi để phát triển kinh tế.

Các tuyến đường sắt liên vùng khác cũng đang được nghiên cứu tiền khả thi, khả thi và lập dự án đầu tư, như: Tuyến đường sắt tốc độ cao Sài Gòn – Cần Thơ, các tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành (kết nối sân bay quốc tế Long Thành), tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa – Vũng Tàu…

Đề cập đến hệ thống metro TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu bài học kinh nghiệm, rằng dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, một trong 8 tuyến metro của Thành phố, được xây dựng đến nay đã 17 năm (khởi công năm 2008 – NV) và vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương vừa mới khởi công gói thầu đầu tiên sau gần 13 năm giải phóng mặt bằng, đến nay được khoảng 87% diện tích mặt bằng. “Với tốc độ như vầy phải 100 năm nữa chúng ta mới có thể hoàn thành tuyến đường sắt đô thị. Và nếu với cách làm này, chúng ta cũng không phát huy được thế mạnh của đường sắt”, ông nhấn mạnh.

Trên cơ sở các phân tích và dẫn chứng trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương nên mạnh dạn tìm kiếm các phương thức đầu tư mới, nguồn vốn huy động, đề xuất cơ chế vay thế nào để đầu tư các dự án lớn. Cần ưu tiên nguồn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng, tăng thu để đầu tư các dự án cấp bách liên vùng. Với TP.HCM, ông đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép vay một khoản đủ lớn, ước khoảng 20 tỷ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Các tuyến này khi hoàn thành, có thể kéo dài qua các địa phương lân cận, mở rộng không gian của thành phố…

Sơ đồ 8 tuyến metro TP.HCM.
Sơ đồ 8 tuyến metro TP.HCM.

Trước đó, vào tháng 5/2023, trong dự thảo báo cáo dự án đầu tư xây dựng mạng lưới metro TP.HCM theo mô hình TOD (Dự án TOD), Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển TP.HCM (PDI) cho biết, tổng mức đầu tư xây dựng 500 km của toàn thành phố dự kiến sẽ vào khoảng 22,5 tỷ USD với chừng 45 triệu USD cho mỗi km chiều dài và không dùng nguồn vốn ODA.

Cụ thể, PDI đã đề xuất một quy hoạch tổng thể hệ thống đường sắt đô thị ngầm với tổng chiều dài khoảng 300 - 500 km phủ kín vành đai 2 cho vùng lõi thành phố, mỗi hướng tính từ trung tâm thành phố đi qua các khu vực đông dân cư đô thị cũ và mới (khoảng cách giữa các nhà ga từ 1- 1,2 km). Tuyến metro ngầm này sẽ kết hợp với quy hoạch phát triển các khu đô thị tổng hợp theo mô hình TOD, hiện đại, đa chức năng khép kín, khai thác không gian ngầm gắn với nhà ga tàu điện ngầm với khoảng cách giữa các ga.

Theo dự kiến, quy hoạch TOD này sẽ được triển khai từ đầu năm 2025 đến tháng 12/2035.