10:47 29/07/2021

Giá cả leo thang do đứt gãy nguồn cung, Bộ Tài chính sốt ruột ra công văn chấn chỉnh

Ánh Tuyết

Trước nguy cơ đứt gãy nguồn cung rình rập, tin đồn thất thiệt gây bất ổn đến giá cả thị trường, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành tiếp tục tăng cường công tác bình ổn giá trên địa bàn…

 Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.
Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 8227/BTC-QLG ngày 26/7 đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, diễn biến của dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. Trong thời điểm một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng chủ yếu do nguồn cung bị đứt gãy. Nhu cầu mua sắm tích trữ nhu yếu phẩm của người dân tăng cao nên tại một số thời điểm chưa kịp đáp ứng đủ nhu cầu.

Đồng thời, giá của một số mặt hàng quan trọng thiết yếu là nguyên, nhiên, vật liệu trong nước tiếp tục có xu hướng tăng theo giá thế giới. Đặc biệt, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, tác động đến các ngành sản xuất khác, thực hiện các dự án đầu tư và đời sống kinh tế - xã hội.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.

Theo đó, thứ nhất, chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp; giá cước vận tải... Từ đó, kịp thời có các giải pháp bình ổn giá thị trường phù hợp.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công....

Chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá thuộc thẩm quyền của địa phương để kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội dung có vướng mắc, chồng chéo không phù hợp với thực tiễn để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn.

Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình giá cả thị trường. Công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp; giá cước vận tải...  

Hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân.