10:05 06/11/2007

Giá dầu cao đẩy nguy cơ lạm phát

Quốc Trung

Các nền kinh tế mới nổi đang đứng trước nguy cơ lạm phát gia tăng, do giá dầu và giá lương thực liên tục leo thang

Một số nước vừa phải tăng giá bán xăng trong bối cảnh giá dầu thế giới được dự báo lên đến 100 USD/thùng, càng làm gia tăng nguy cơ lạm phát.
Một số nước vừa phải tăng giá bán xăng trong bối cảnh giá dầu thế giới được dự báo lên đến 100 USD/thùng, càng làm gia tăng nguy cơ lạm phát.
Các nền kinh tế mới nổi đang đứng trước nguy cơ lạm phát gia tăng, do giá dầu và giá lương thực liên tục leo thang. Một số nước vừa phải tăng giá bán xăng trong bối cảnh giá dầu thế giới được dự báo lên đến 100 USD/thùng, càng làm gia tăng nguy cơ lạm phát.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, giá cả các mặt hàng thiết yếu đã chi phối chỉ số giá tiêu dùng của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Vì vậy, các nước thuộc nhóm đang phát triển ở khắp các châu lục đều trở thành nạn nhân của cơn sốt giá toàn cầu.

Lạm phát gia tăng ở các nước đang phát triển

Tình trạng lạm phát đã tác động mạnh tới Nam Phi (từ 4,9% năm 2006 đến 7,2% năm 2007), Trung Quốc (6,2% vào tháng 9/2007). Siêu lạm phát cũng xuất hiện tại Iran: 13,5% vào tháng 3, 16% vào tháng 10 và có khả năng lên tới 20% vào cuối năm nay... Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây lạm phát là giá các mặt hàng năng lượng và lương thực tăng, ảnh hưởng mạnh tới chi phí của các hộ gia đình. Tại nhiều nước đang phát triển, những biện pháp kiềm chế lạm phát tỏ ra ít hiệu quả.

Tại Nga, Tổng thống Putin đã bày tỏ lo ngại về mức độ tăng giá có thể tới 10% trong năm nay và những hậu quả của vấn đề này đối với cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào đầu năm 2008 . Theo đánh giá của các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), con số 10% cũng là tỷ lệ trượt giá của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tại vùng Vịnh.

Theo ông Daniel Cohen, Giáo sư kinh tế Đại học Paris I, một nguyên nhân khác đẩy lạm phát tăng là tình trạng thiếu cạnh tranh thực sự tại nhiều nước. Các nước này có tốc độ phát triển kinh tế đều cao hơn 5% (Trung Quốc có thể đạt 11,5% năm nay) và có nguồn ngoại tệ dồi dào do thặng dư xuất khẩu hàng hóa hoặc nguồn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào. Dòng tài chính hùng hậu này làm tăng khối lượng tiền tệ lưu thông trên thị trường và kích cầu nội địa. Vì thế, lạm phát tăng là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, lạm phát cao lại không xảy ra đối với các nền kinh tế phát triển . Tỷ lệ lạm phát của Mỹ, châu Âu năm nay là gần 2%, Nhật Bản thậm chí còn thấp hơn nữa. Điều đáng lo ngại là mặc dù đang phải chống chọi với tình trạng lạm phát để bảo đảm nền kinh tế phát triển cân bằng, lành mạnh, song nhiều nước vẫn buộc phải điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu.

Châu Á bị tác động mạnh bởi giá dầu

Điều đó sẽ dẫn đến giá tiêu dùng càng bị đẩy lên cao và làm tăng nguy cơ lạm phát. Kể từ giữa tháng 8 đến nay, giá dầu đã tăng tới 40% khiến nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng giá dầu vẫn có khả năng tăng tiếp và ngưỡng 100 USD/thùng có thể phá vỡ trong thời gian tới do những căng thẳng chính trị tại Trung Đông.

Trung Quốc ngày 1/11 đã quyết định tăng giá bán xăng dầu trong nước thêm gần 10%. Lạm phát ở Trung Quốc đã vượt 6% trong quý 3, giá thực phẩm cũng tăng nhanh khiến dư luận lo ngại sẽ dẫn đến bất ổn xã hội. Giá xăng ở Nhật Bản ngày 1/11 cũng đã tăng 5%, lên tới 1,26 USD/lít. Giá xăng ở Philippines tăng 1% khiến thu nhập của giới tắc xi giảm sút...

Trong khi đó, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh cảnh báo về nguy cơ 80 nghìn việc làm trong ngành bán lẻ xăng dầu ở Ấn Độ bị đe dọa vì biến động giá dầu quốc tế. Các báo cáo chuyên môn cũng dự báo các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia có nhiều khả năng phải tăng giá năng lượng bán lẻ trong năm 2008.

Giới phân tích cho rằng, giá dầu tăng mạnh là do đồng USD giảm giá, trong khi các nhà buôn lo sợ việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa tấn công vào miền bắc Iraq, một trong các vùng sản xuất dầu chính của nước này, để trấn áp phiến quân người Kurd.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA), trong tháng 9, Iraq đã khai thác được 2,19 triệu thùng dầu/ngày, nhưng phần lớn hoạt động khai thác là ở miền nam. Các công ty dầu mỏ cho biết, trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10, Iraq chỉ xuất khẩu được khoảng 230 nghìn thùng dầu khai thác từ miền bắc.

Ngoài ra, giá dầu tăng còn do những quan ngại về tình trạng bạo lực bùng phát tại khu vực sản xuất dầu chính của Nigeria những tháng qua. Mexico mới đây buộc phải giảm 1/5 sản lượng dầu vì bão tràn vào vùng duyên hải nước này...

Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục bị chỉ trích đã không nỗ lực để kiểm soát giá, mặc dù đã chấp nhận tăng sản lượng hàng ngày thêm 500.000 thùng, bắt đầu từ ngày 1/11.