Gia tăng số ca bệnh nhồi máu cơ tim trước tuổi 40
Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong ở nước ta. Hiện có khoảng 25% người Việt trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa…
Thông tin từ Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10 - 20%. 10 năm trước, mỗi năm bệnh viện làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân thì hiện nay đã tăng trung bình 15%/năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25 - 40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng và có nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 được ghi nhận.
Tại Hội nghị khoa học “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm 2024” diễn ra ngày 11/5 vừa qua, GS.TS Trương Quang Bình, nguyên Phó giám đốc, Chủ tịch hội đồng khoa học Bệnh viện Y dược TP.HCM, cho biết bệnh lý tim mạch là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Theo thống kê, người bệnh tử vong do bệnh xơ vữa động mạch vành ở nước ta hàng năm có thể lên đến 100.000, thuộc vùng nguy cơ cao.
Lý giải về tình trạng này, GS Bình cho biết Việt Nam là nước đang phát triển, lối sống ngày càng hướng theo nước phát triển và hiện đại. Chính lối sống không lành mạnh có thể là yếu tố nguy cơ lớn, quan trọng, tạo ra những bệnh lý tim mạch. Bệnh lý này làm tăng nguy cơ tử vong cho người dân. Vì vậy, vấn đề cấp bách là phòng ngừa tiên phát, các chuyên gia phải có phương án để cộng đồng ít mắc bệnh tim mạch. Đồng thời, khi phát bệnh, người dân sẽ được chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả.
"Ở thời điểm này, cách phòng ngừa hữu hiệu là tác động vào những yếu tố nguy cơ mà cộng đồng đang gặp phải như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ trong máu, hút thuốc lá, béo phì... Đặc biệt, cần tuyên truyền cho người dân có một lối sống lành mạnh hơn", GS Bình nói.
Tháng 4 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (TP Cần Thơ) cho biết, bệnh viện vừa can thiệp cấp cứu thành công cho trường hợp nhồi máu cơ tim cấp của nam bệnh nhân 25 tuổi. Bệnh nhân là anh V.P.H (25 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp), nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ trong tình trạng đau ngực dữ dội, kèm vã mồ hôi và khó thở.
Theo chia sẻ, trước đó bệnh nhân đi nhậu về, bỗng cảm thấy mệt và đau ngực, nhưng cứ nghĩ là do say nên đi ngủ. Đến sáng, cơn đau không thuyên giảm mà càng tăng lên, đau ngực lan ra tay trái và cằm trái, đau kèm vã mồ hôi, khó thở nên gia đình đưa đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ tiến hành đo điện tim ghi nhận hình ảnh nhồi máu cơ tim cấp, kèm theo đó xét nghiệm men tim tăng cao gấp 5 lần bình thường. Bệnh nhân được can thiệp đặt 1 stent phủ thuốc, giúp tái thông đoạn động mạch liên thất trước. Kết quả, bệnh nhân được can thiệp kịp thời, giảm được nguy cơ suy tim nặng và rối loạn nhịp tim.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết, những người có tiền sử hút thuốc lá, kèm uống rượu bia, công việc thường xuyên thức khuya, căng thẳng là yếu tố gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân trẻ tuổi, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Theo đó, nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân cũng phải duy trì việc uống thuốc gần như là suốt đời, không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn hệ lụy về kinh tế.
Tương tự, ngày 29/4, đại diện Bệnh viện Quân y 103 cho biết khi đang chơi cầu lông, một người đàn ông 41 tuổi đột ngột đau ngực, vài phút sau ngừng tim phổi, bác sĩ chẩn đoán biến chứng rất nặng của nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả chụp động mạch vành thấy tổn thương từ thân chung động mạch vành trái (đây là động mạch lớn nhất nuôi cho cơ tim) kèm theo hẹp nặng và nhiều cục máu đông. Ê kíp can thiệp đặt giá đỡ động mạch (stent). May mắn ngay sau can thiệp, các chỉ số mạch và huyết áp người bệnh ổn định, giảm được các thuốc vận mạch và không xuất hiện các rối loạn nhịp thất nguy hiểm.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Hùng, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, cho biết rối loạn nhịp thất gây ra ngừng tuần hoàn là biến chứng rất nặng của nhồi máu cơ tim cấp, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Thời gian vàng cấp cứu nhồi máu cơ tim là 24 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng đau ngực. Thời gian tốt nhất để tái thông mạch vành là trong 12 giờ đầu tiên. Người nghi ngờ có các triệu chứng cảnh báo nên đến bệnh viện khám sớm.
Có thể nói, nhồi máu cơ tim cấp thường là kết quả của sự tắc nghẽn của hệ thống mạch vành. Tắc nghẽn có thể do sự hình thành mảng xơ vữa tại chỗ với thành phần chủ yếu là chất béo, cholesterol và sản phẩm thải của tế bào hoặc do huyết khối từ nơi khác đến làm giảm đột ngột dòng máu đến tim. "Dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp rất đa dạng nhưng điển hình là đau ngực và khó thở. Các triệu chứng bao gồm cảm giác nặng ngực hoặc thắt bóp trong tim. Đau vùng ngực lan ra sau lưng, lên hàm hoặc cánh tay trái, kéo dài hơn vài phút hoặc có thể hết, sau đó tái phát.
Người bệnh có thể có những dấu hiệu như khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn và nôn, hồi hộp, cảm giác ngột thở, nhịp tim nhanh, mệt mỏi. Tuy nhiên các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thường có biểu hiện rất khác nhau về triệu chứng và mức độ. Trong đó đau ngực là triệu chứng điển hình và phổ biến nhất ở cả hai giới. Tuy nhiên triệu chứng ở phụ nữ thường ít điển hình hơn nam giới, có thể là: khó thở, đau hàm, đau vùng lưng, choáng váng, buồn nôn và nôn.
PGS Phạm Mạnh Hùng, viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay ngoài ra nhóm bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, từng bị tai biến mạch máu não hoặc có tiền căn nhồi máu cơ tim, tiền căn gia đình có người mắc bệnh động kinh có nguy cơ cao hơn.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, các bác sĩ khuyến cáo cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh. Tích cực tập luyện thể thao, hạn chế bia rượu và các chất kích thích. Đặc biệt, người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.
Tại Hội nghị khoa học “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm 2024”, GS.TS Trương Quang Bình khẳng định hiện nay, Việt Nam làm chủ được nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh tim mạch. Các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tim mạch của Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới với đầy đủ các loại thuốc điều trị, những phương tiện và kỹ thuật tiên tiến nhất được áp dụng thành công. Do đó, người bệnh không cần ra nước ngoài điều trị, không phải chịu đựng các ca mổ lớn, giảm thiểu rủi ro và nhanh chóng bình phục.