Trung bình 4 người thì có 1 người bị tăng huyết áp tại Việt Nam
Tại Việt Nam, mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người (chiếm tới 33% các ca tử vong). Chính vì mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới tập trung vào cải tiến các phương pháp chẩn đoán và điều trị…
Ngày 20/4, Hội nghị Tim mạch thường niên lần 2 với chủ đề "Điều trị bệnh tim mạch: Hiện tại & Tương lai" được tổ chức tại TP.HCM đã cung cấp một lượng kiến thức y khoa phong phú trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị các bệnh tim mạch trên thế giới. Hội nghị tim mạch FV năm nay thu hút 300 khách mời, là các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ tim mạch, nội khoa, bác sĩ nội trú tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
"Khác với những hội nghị khoa học thông thường, hội nghị Tim mạch FV năm nay tập trung vào tính ứng dụng thực tiễn. Mục tiêu của hội nghị là cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán và điều trị tim mạch trên thế giới, đồng thời thảo luận về khả năng ứng dụng những tiến bộ này vào thực tiễn tại Việt Nam", TS.BS Hồ Minh Tuấn, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện FV chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS.BS. Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam chia sẻ: “Điểm nổi bật của hội thảo này là chúng ta mời được nhiều chuyên gia quốc tế đến từ Singapore, Malaysia. Các chuyên gia này đã giới thiệu những kỹ thuật mới và đầy hứa hẹn. Một số kỹ thuật chưa được du nhập vào Việt Nam nhưng chúng tôi tin với sự nhanh nhạy của nền y tế Việt Nam, các bác sĩ trẻ đầy tham vọng và năng lực sẽ tiếp cận sớm các kỹ thuật này trong thời gian tới, chẳng hạn như kỹ thuật laser nội mạch để can thiệp các bệnh lý mạch máu ngoại biên, trong một số trường hợp sẽ được ưa thích hơn là phẫu thuật”.
Năm nay, các báo cáo khoa học trong hội nghị xoay quanh hai phần chính: Tim mạch tổng quát và can thiệp; Bệnh cơ tim và cấu trúc tim. Trong đó, các chuyên gia nhận định, đột quỵ và nhồi máu cơ tim là hai biến chứng nổi bật của tăng huyết áp. "Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ biến chứng đột quỵ cao, chỉ thấp hơn Trung Quốc một chút", GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh chia sẻ. “ Theo Thống kê Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tăng huyết áp trên thế giới từ 23 đến 37%, tức cứ 3 đến 4 người thì có một người mắc”.
Tăng huyết áp là tình trạng xảy ra khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140, huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg hoặc đang dùng thuốc điều trị. Ở Việt Nam, các thống kê ghi nhận 25% nam và 21,6% nữ mắc bệnh, song không phải ai cũng đạt được và duy trì huyết áp mục tiêu. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các biến chứng cũng đang gặp một số hạn chế. Bộ Y tế đã đề ra tiêu chí về việc tăng cường nhận thức, tuân thủ điều trị bệnh nhân hơn và kiểm soát được mục tiêu để đưa các chỉ số huyết áp về mức bình thường, từ đó giảm thiểu các biến chứng tim mạch của bệnh nhân.
Tăng huyết áp lâu ngày không kiểm soát tốt có thể biến chứng ở tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim. Ở thận, tăng huyết áp làm tổn thương thận cấp, bệnh thận mạn và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ. Tăng huyết áp cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn cương dương, đặc biệt nếu kèm đái tháo đường, hút thuốc lá… Ở những người bị tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 3 - 4 lần so với người bình thường. Một nghiên cứu tại 10 trung tâm đột quỵ ở nước ta cho thấy khoảng 78% số người bị đột quỵ có liên quan đến tăng huyết áp.
Trước đó, Chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp toàn diện quản lý tăng huyết áp", TS. BS. Hoàng Việt Anh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Phó khoa C2, Viện Tim mạch Quốc gia cũng cho biết thêm, thống kê tại nước ta, cứ 4 người trên 25 tuổi thì có một người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp tại Việt Nam gia tăng đáng kể trong thời gần đây và có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa.
"Tăng huyết áp là vấn đề rất phổ biến trong cộng đồng, ở rất gần quanh ta, có thể là người thân hay chính bản thân chúng ta. Chúng ta xác định sống chung, không sợ nhưng không được coi thường. Chẩn đoán bệnh không khó, thậm chí rất dễ vì chỉ cần máy đo huyết áp. Vấn đề là chúng ta có ý thức về nó hay không", BS. Việt Anh chia sẻ.
Còn theo TS.BS.Tôn Thất Minh, Chủ tịch phân hội Nhịp tim Việt Nam, nguyên nhân khiến người trẻ bị cao huyết áp ngày càng nhiều, là do chịu nhiều căng thẳng trong cuộc sống. “Người trẻ giờ làm việc với tốc độ cao hơn. Lối sống của họ cũng có nhiều thay đổi. Ví dụ họ sẽ ăn nhiều thức ăn nhanh hơn. Họ sẽ uống bia rượu nhiều hơn. Họ thức khuya làm việc nhiều hơn, áp lực công việc lớn hơn và những đòi hỏi, nhu cầu của xã hội mà họ phải đáp ứng nhiều hơn. Cho nên tỷ lệ tăng huyết áp ở người trẻ tăng lên chủ yếu do lối sống đưa đẩy,” BS. Tôn Thất Minh nói.
Cũng theo bác sỹ, trong những người bị cao huyết áp người ta chia thành 2 nhóm nguy cơ. Thứ nhất là nhóm nguy cơ không thể thay đổi được, như là tuổi tác, giới tính. Tuy nhiên còn có nhóm nguy cơ liên quan đến lối sống có thể thay đổi được để mình cải thiện tỷ lệ tăng huyết áp, ví dụ như chế độ ăn uống, tập thể dục, chúng ta cần tăng cường chế độ ăn lành mạnh và chăm chỉ thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe... Đồng thời cần loại bỏ những thói quen không tốt về ăn ngủ, sinh hoạt.. thì chúng ta sẽ giảm thiểu được nguy cơ bị tăng huyết áp.
Cụ thể hơn, Giáo sư Huỳnh Văn Minh khuyến cáo người tăng huyết áp tuân thủ điều trị, tự theo dõi huyết áp tại nhà. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, giảm muối, hạn chế ăn mặn. Tăng lượng kali, ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, giảm hàm lượng chất béo bão hòa và tổng chất béo. Đồng thời, người mắc cao huyết áp nên giảm cân, tích cực hoạt động thể chất, trong đó ưu tiên đi bộ nhanh 5 - 7 lần mỗi tuần, 30 - 60 phút mỗi buổi. Giảm tiêu thụ rượu, nam không quá 2 ly, nữ không quá một ly nhỏ mỗi ngày…