Giám đốc công an tỉnh có cần lên tướng?
Chính phủ muốn bổ sung quy định cấp bậc hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Phong hàm tướng cho giám đốc công an tỉnh căn cứ vào đâu? đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên) đặt vấn đề khi thảo luận về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) tại tổ, chiều 7/6.
Dự thảo luật được trình Quốc hội sáng cùng ngày có một số quy định khác với Luật Công an nhân dân hiện hành: không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; bổ sung quy định cục đặc biệt để phong hàm trung tướng.
Dự thảo cũng bổ sung quy định cấp bậc hàm thiếu tướng đối với giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1.
Đây cũng là những nội dung được các vị đại biểu tập trung trong phiên thảo luận tổ.
Băn khoăn cấp tướng
Liên quan đến việc bổ sung quy định cấp bậc hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ý kiến cũng còn khác nhau.
Bên cạnh một số vị đồng ý, thì nhiều đại biểu cho rằng hàm đại tá là phù hợp.
Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) cho rằng trừ Hà Nội và Tp.HCM thì trần quân hàm công an tỉnh đại tá là phù hợp, cũng ngang bằng với quân đội. Còn nếu ở tỉnh mà phấn đấu tốt thì khi lên bộ sẽ được phong hàm cấp tướng.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng yêu cầu tương đồng cũng nên mức độ. Ông Quân lý giải, tới đây sẽ phân quyền mạnh cho công an cấp tỉnh. Hơn nữa, quân số ở tỉnh nơi đông có đến 6000- 7000 nên giám đốc là thiếu tướng là phù hợp. Hơn nữa số lượng được phong tướng vẫn trong phạm vi cho phép, không phát sinh thêm chính sách, chế độ.
Đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) đề nghị quy định cụ thể trong luật những địa phương mà giám đốc công an cấp tỉnh là thiếu tướng. "Quy định như trong dự thảo luật là quá mờ, nên nói rõ tiêu chí về quy mô dân số, vị trí chiến lược về an ninh, trật tự; thực tế tình hình an ninh, trật tự ở địa phương để tránh sự áp dụng tuỳ tiện. Nhưng cũng phải tính kỹ để tránh việc cán bộ bị "hút" về những địa phương có trần quân hàm cấp tướng", ông Trà nói.
Cùng phân vân với sự liên quan với lực lượng quân đội trên cùng địa bàn, đại biểu Chau Chắc (An Giang) phát biểu: "cùng là lực lượng vũ trang trên một địa bàn, nhưng áp dụng luật này sẽ có trường hợp giám đốc Công an tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, trong khi chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh lại chỉ là đại tá".
Đai biểu Phan Anh Khoa băn khoăn: phong hàm tướng, căn cứ vào đâu? Công an nói dựa trên quy mô hành chính cấp tỉnh, nôm na là rộng hay hẹp, nhưng quốc phòng là tính tầm quan trọng trong khu vực phòng thủ. Điều này có nghĩa là trọng điểm của quốc phòng chắc chắn là trọng điểm về an ninh, nhưng trọng điểm của an ninh chưa chắc là trọng điểm của quốc phòng.
"Giải thích của Bộ trưởng Công an tôi thấy chưa thuyết phục. Đề nghị giữ trần quân hàm giám đốc công an cấp tỉnh như hiện nay là đại tá thôi. Nếu phong tướng, như dự thảo, thì để tương đương giữa hai bên, cứ 1 tướng công an sẽ thêm hai tướng quân đội nữa, liệu ngân sách có chịu nổi không? Mà chỉ công an phong tướng thì không ổn. Cá nhân tôi là Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tôi nghĩ phong tướng như thế là nhiều quá", ông Khoa phát biểu.
Cục đặc biệt là cục gì?
"Cục đặc biệt là cục gì và có mấy cục chứ luật ra rồi ông làm mấy chục cục thì ai chịu nổi", đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) băn khoăn về quy định mới tại dự luật.
Theo đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) thì cần đưa tên cụ thể của cục đặc biệt vào luật để mai này thực hiện không bị vướng.
Tán thành ý kiến của đại biểu Vũ Trọng Kim, đại biểu Phan Việt Cường (Quảng Nam) góp ý thêm là đặc biệt hay không đặc biệt thì có ông Bộ trưởng biết, còn trong luật cứ nói cục và tương đương.
Theo đại biểu Chau Chắc (An Giang) số lượng cục được coi "đặc biệt quan trọng" mà lãnh đạo cục là cấp tướng trong dự thảo luật cũng cần tính kỹ, tránh phong tướng quá nhiều…
Về chính quy hoá công an, xã thị trấn, điểm mới khác của dự thảo luật, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình nhưng cũng có ý kiến băn khoăn.
Cho biết qua tiếp xúc cử tri, nhận thấy "anh em công an xã rất tâm tư", đại biểu Nguyễn Văn Giàu (An Giang) nhận xét: "Công an xã là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự xã hội, đấu tranh chống tội phạm. Nếu thông qua Luật Công an nhân dân sửa đổi thì trên sẽ chi viện về 25.000 công an chính quy, vậy thì anh em công an xã hiện nay sẽ thế nào.
Tôi ủng hộ phải chính quy hoá lực lượng này, nhất là trong điều kiện sẽ trang bị công cụ hỗ trợ cho họ, nhưng nên chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở để đáp ứng yêu cầu công tác, ông Giàu góp ý.