17:28 02/10/2024

Giảm lãng phí thực phẩm phải bắt đầu từ hành vi tiêu dùng

Tuệ Mỹ

Ngày 29/9 hàng năm, thế giới cùng nhau hưởng ứng Ngày quốc tế Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Lương thực thực phẩm, nhằm thu hút sự quan tâm của toàn thế giới về một vấn đề cấp bách, ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh lương thực...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có nhiều quan điểm khác nhau về lãng phí thực phẩm. Đối với một số người, lãng phí thực phẩm là thức ăn thừa từ các bữa tiệc buffet hay thức ăn hết hạn do dự trữ quá nhiều. Đối với các chuyên gia dinh dưỡng, lãng phí thực phẩm là sự mất mát các nguồn dinh dưỡng có giá trị, có nghĩa là ngay cả những người tiêu dùng giàu có cũng có thể là nạn nhân của “lãng phí thực phẩm” nếu bữa ăn của họ được chế biến từ các thành phần có giá trị dinh dưỡng thấp.

Ngày nay, quan điểm về lãng phí thực phẩm đã mở rộng và ngày càng được coi là một yếu tố góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Khi chất thải thực phẩm được đưa đến bãi rác hoặc chất đống, chúng sẽ phân hủy yếm khí, tạo ra khí metan (CH4) có hiệu quả giữ nhiệt cao hơn CO2 gần 30 lần. Do đó, việc quản lý chất thải thực phẩm kém góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Mặt khác, chính quyền địa phương quản lý rác thải đô thị lại bày tỏ lo ngại về khối lượng rác thải ngày càng tăng, trong đó khoảng một nửa là rác thải thực phẩm. Nguyên nhân được nhắc đến là do thiếu phân loại rác thải tại nhà, chợ, nhà hàng và cửa hàng. Điều này dẫn đến chi phí thu gom rác thải cao hơn và khiến các bãi chôn lấp ngày càng hạn chế không gian. Trong khi đó, các doanh nghiệp coi lãng phí thực phẩm là sự mất mát doanh thu do các vấn đề như bảo quản thực phẩm không đúng cách, thực phẩm thừa, thực phẩm không bán được, thực phẩm hết hạn…

Ngày nay, quan điểm về lãng phí thực phẩm đã thay đổi và ngày càng được coi là một yếu tố góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Ngày nay, quan điểm về lãng phí thực phẩm đã thay đổi và ngày càng được coi là một yếu tố góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận chung rằng hành vi tiêu dùng là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra rác thải thực phẩm. Điều này là do hầu hết rác thải thực phẩm xuất hiện dưới dạng thức ăn thừa của người tiêu dùng và bị vứt bỏ. Tuy nhiên, lượng thức ăn thừa này cũng liên quan đến người bán thực phẩm, người mua nguyên liệu, người chế biến và các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống.

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam hiện xếp vị trí thứ hai (sau Trung Quốc) với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị thất thoát hay vứt bỏ mỗi năm khi vẫn còn sử dụng hoặc tận dụng được, gây thất thoát khoảng 3,9 tỷ USD, chiếm gần 2% GDP hiện nay.

Đây là thông tin ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Việt Nam đưa ra tại buổi lễ ra mắt chiến dịch "Ngừng lãng phí thực phẩm - Stop Food Waste" và giới thiệu "Cẩm nang khuyến nghị quyên góp thực phẩm tại Việt Nam", diễn ra vào ngày 29/9 vừa qua. Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, lãng phí thực phẩm không chỉ là vấn đề của riêng một quốc gia, mà là một thách thức toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

“Chiến dịch Ngừng lãng phí thực phẩm không chỉ nhằm giảm thiểu lãng phí mà còn tạo ra những hành động cụ thể, góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn. Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như lên kế hoạch mua sắm thông minh, bảo quản thực phẩm đúng cách và chia sẻ với những người cần thiết. Mỗi hành động nhỏ đều mang lại ý nghĩa lớn lao. Thông qua chiến dịch này, hy vọng sẽ tạo ra một cộng đồng ý thức cao về việc bảo vệ thực phẩm, bảo vệ môi trường góp phần vào một tương lai bền vững hơn”, ông Khởi chia sẻ.

Theo Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, để giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm nhằm bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, đơn vị đã phát động nhiều chương trình hành động như thu gom thực phẩm còn sử dụng được tại các nhà vườn, chợ đầu mối, thu hồi thực phẩm tại các chuỗi cửa hàng cafe, bánh ngọt... để trao tặng cho người lang thang, cơ nhỡ, mạng lưới thụ hưởng của Ngân hàng thực phẩm Việt Nam...

Lãng phí thực phẩm không chỉ là vấn đề của riêng một quốc gia, mà là một thách thức toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Lãng phí thực phẩm không chỉ là vấn đề của riêng một quốc gia, mà là một thách thức toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Những sản phẩm khác như bã trà, bã cafe, rác thải hữu cơ... được Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam chuyển về các vườn thực phẩm cộng đồng của Food Bank Việt Nam (Nông Lâm Food Bank Garden, Green Community) để tái chế thành thức ăn chăn nuôi, ủ phân, trồng rau, cây xanh... những sản phẩm còn sử dụng được sẽ trao tặng lại cho các mái ấm, nhà tình thương, các đơn vị đối tác đã đồng hành trong hoạt động... Từ đó, trở thành một vòng tròn khép kín với mục tiêu và sứ mệnh giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm trong cộng đồng.

Mới đây, Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) đã phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM và Đại học Kinh tế TP.HCM cũng đã công bố kết quả từ đề tài nghiên cứu “Nguyên nhân dẫn đến thói quen lãng phí thực phẩm ở cấp hộ gia đình tại Việt Nam" trên trang web IIETA. Nghiên cứu thực hiện khảo sát và phỏng vấn các cá nhân đến từ 375 hộ gia đình về thói quen trong ăn uống của họ ở cả hai hình thực trực tiếp và trực tuyến, kết hợp với các lý thuyết liên quan, để chỉ ra và giải thích một số nguyên nhân dẫn đến lãng phí trong tiêu dùng thực phẩm tại Việt Nam.

Kết quả cho thấy, những yếu tố khiến việc lãng phí thực phẩm tăng cao bao gồm: thói quen mua sắm, thói quen nấu ăn, thói quen ăn uống và cách đánh giá chất lượng thực phẩm của người tiêu dùng. Trong đó, mua sắm là nguyên nhân chính gây nên lãng phí thực phẩm, người dân thường có xu hướng mua nhiều hơn số lượng cần thiết cho một bữa ăn để đáp ứng những nhu cầu khác nhau về khẩu vị của mỗi thành viên gia đình, để dự trữ, hoặc để nhận được khuyến mại, giảm giá từ người bán.

Tương tự, thói quen nấu nhiều đồ ăn cũng là một trong những nếp sống gây nên lãng phí lương thực tại Việt Nam. Lượng thực phẩm được chế biến trong mỗi bữa ăn thường nhiều hơn nhu cầu, gây nên dư thừa sau bữa ăn, đặc biệt nếu trong gia đình có khách, bữa cơm càng phải trở nên trang trọng với nhiều món ăn hơn.

Hành vi tiêu dùng là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra rác thải thực phẩm.
Hành vi tiêu dùng là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra rác thải thực phẩm.

Thói quen ăn uống của mỗi người là khác nhau, và nhìn chung, đây cũng là một yếu tố làm tăng tỷ lệ thức ăn bị lãng phí. Chẳng hạn, trẻ em gây lãng phí thức ăn nhiều hơn người lớn do khẩu vị thay đổi nhanh chóng, hoặc chỉ ăn mỗi thứ một chút rồi bỏ dở. Người lớn cũng có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn so với nhu cầu cho một bữa ăn bên ngoài nếu không thể ăn cơm nhà.

Yếu tố cuối cùng là sự đánh giá của người tiêu dùng với lượng thực phẩm còn dư thừa hoặc đang dự trữ. Người dân thường chỉ đánh giá lượng thức ăn này bằng cảm quan và khi cân nhắc rủi ro về các bệnh hay triệu chứng có thể mắc phải sau khi ăn, họ thường lựa chọn vứt bỏ chúng.

Từ đây, nghiên cứu cũng chỉ ra một số giải pháp đơn giản mà các hộ gia đình có thể thực hiện để giảm lãng phí thực phẩm như lên kế hoạch mua sắm thực phẩm hợp lý; không dự trữ quá nhiều thức ăn; bảo quản đồ dự trữ một cách khoa học; và có kế hoạch xử lý thức ăn dư thừa, chẳng hạntận dụng ăn dư thừa làm thức ăn cho gia súc, ủ làm phân bón vi sinh...