14:48 21/08/2024

Trà trái cây sẽ làm thay đổi thị trường đồ uống?

Băng Hảo

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và chất lượng của những sản phẩm họ đang tiêu thụ. Trà trái cây được làm từ các thành phần tự nhiên như trái cây tươi, lá trà, đã trở thành lựa chọn phổ biến hơn bao giờ hết…

Ảnh: Nikkei Asia
Ảnh: Nikkei Asia

Thị trường thực phẩm, đồ uống liên quan đến trái cây đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong những năm gần đây, với nhiều xu hướng mới đang xuất hiện. Theo báo cáo từ Market Data Forecast, quy mô thị trường trái cây toàn cầu ước tính sẽ đạt giá trị khoảng 5,1 tỷ USD vào năm 2028, mở rộng với tốc độ CAGR trên 10% trong giai đoạn 2023 – 2028. 

Cụ thể hơn, Maximize Market Research - một công ty nghiên cứu thị trường - tháng trước đã công bố một phân tích chuyên sâu về "Thị trường trà trái cây". Cụ thể, quy mô thị trường trà trái cây toàn cầu được định giá là 3,15 tỷ USD vào năm 2022 và tổng doanh thu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng ở tốc độ CAGR là 9,6% trong giai đoạn 2022 đến 2029, đạt gần 5,99 tỷ USD.

Theo tạp chí World Tea News, đáp ứng xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thiên nhiên, các nhà sản xuất trà trái cây đã tạo ra sự đa dạng về hương vị với nhiều sự kết hợp mới, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm mới mẻ. Không chỉ còn là trà giải nhiệt thông thường, người tiêu dùng có thể tìm thấy các loại trà kết hợp hương vị độc đáo như trà chanh bạc hà, trà vải, cam, dâu và nhiều loại trà trái cây khác. Sự sáng tạo trong việc phối hợp các thành phần tạo ra một loạt trà trái cây mới, thỏa mãn sở thích cá nhân của nhiều người dùng. 

Trà trái cây sẽ làm thay đổi thị trường đồ uống? - Ảnh 1

Báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường Technavio nhận định, thế hệ Millennials và những người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe đang chuyển thị trường từ thói quen uống trà truyền thống sang ưu tiên các loại nước uống từ trái cây nhiệt đới và các phương pháp canh tác hữu cơ, cùng với đó là các nỗ lực tiếp thị làm nổi bật các thành phần tự nhiên, hương vị và sự tiện lợi của trà trái cây. Trong đó, các loại trà trái cây pha sẵn kết hợp với hương vị sáng tạo đang phục vụ cho lối sống bận rộn và nhu cầu về các lựa chọn mang theo của người tiêu dùng đang có xu hướng tăng nhanh.

Báo cáo phân tích cũng chỉ ra rằng các dòng sản phẩm đồ uống chức năng, bao gồm cả trà trái cây đá, đang được ưa chuộng hơn cả, bởi đặc tính tăng cường khả năng miễn dịch. Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến ​​sự ưa chuộng ngày càng tăng đối với các lựa chọn ít đường hoặc không đường, phản ánh nhu cầu của người tiêu dùng trong việc các lựa chọn các sản phẩm lành mạnh, có lợi cho sức khoẻ hơn.

Tại Nhật Bản, các cửa hàng kinh doanh đồ uống chuyên về các loại trà trái cây đang mọc lên “như nấm” ở Tokyo, Osaka và các thành phố lớn khác. Chẳng hạn như cửa hàng thứ hai của chuỗi Yucha, nhãn hàng chuyên bán trà trái cây, mới được khai trương tại khu mua sắm và giải trí nổi tiếng Ikebukuro của Tokyo. Cửa hàng này được đưa vào vận hành sau khi ra mắt cửa hàng Yucha đầu tiên tại Takadanobaba - điểm vui chơi yêu thích của sinh viên ở Thủ đô Tokyo.

Các loại trà trái cây pha sẵn kết hợp với hương vị sáng tạo phục vụ cho lối sống bận rộn đang có xu hướng tăng nhanh.
Các loại trà trái cây pha sẵn kết hợp với hương vị sáng tạo phục vụ cho lối sống bận rộn đang có xu hướng tăng nhanh.

Đặc điểm nổi bật của Yucha là tính thời vụ của đồ uống. Chẳng hạn như vào mùa Xuân, cửa hàng sẽ phục vụ loại trà có hương vị quất, còn nếu thời tiết nóng, trà dưa hấu sẽ là loại đồ uống được phục vụ trong suốt dịp Hè. Theo đó, với mỗi đơn đặt hàng, Yucha sẽ phục vụ theo yêu cầu của thực khách, sử dụng loại trà không có chất phụ gia kèm trái cây vắt bằng tay.

Yucha được điều hành bởi Tendo, công ty có trụ sở tại tỉnh Saitama, cách trung tâm Tokyo khoảng 20 - 30km. Chủ tịch Tập đoàn Tendo Han Yafei cho biết, ông đã học được phương pháp pha trà bằng cách "ghé thăm các cửa hàng ở Trung Quốc, quê hương của trà trái cây".

Bằng chứng cho thấy sự nổi tiếng của Yucha là một hàng dài các thực khách đang chờ mua hàng trong suốt vài tháng qua. Trong mùa Hè năm nay, loại đồ uống bán chạy nhất là Super Fruit Tea. Với sự kết hợp hoàn hảo của năm loại trái cây như cam, kiwi, chanh, dưa hấu và táo, một chiếc cốc Super Fruit Tea cỡ vừa được bán với giá 580 Yên (tương đương 5,30 USD).

Một hãng trà trái cây khác cũng nổi tiếng ở khu vui chơi sinh viên Takadanobaba là cửa hàng Te a Mo đã được khai trương vào tháng 2/2019. Tại đây, khách hàng có thể tùy chọn các loại trà trái cây, cũng như chọn toppings (đồ đi kèm) như trân châu và điều chỉnh độ ngọt. Một cửa hàng khác phục vụ trà trái cây tự nhiên ở Osaka là Fruits &. Theo Nikkei Asian Review, Fruits & bán được khoảng 200 cốc mỗi ngày, trong đó lượng trà trái cây được bán ra chiếm khoảng một nửa doanh số.

Không muốn bỏ lỡ xu hướng, các cửa hàng tiện lợi Lawson nổi tiếng của Nhật Bản cũng đã bắt đầu chiến dịch bán trà trái cây tại khoảng 14.000 cửa hàng trên khắp Xứ sở hoa anh đào. Với giá 350 Yen/cốc, đây được coi là mức giá khá đắt cho một đồ uống ở cửa hàng tiện lợi, tuy vậy món đồ uống này rất đắt hàng.

Trà trái cây đem đến tính thời vụ cho đồ uống.
Trà trái cây đem đến tính thời vụ cho đồ uống.

Cũng tại châu Á, khi mốt pha trà kiểu mới lan rộng khắp Trung Quốc, nhiều cửa hàng trà sữa chuyển sang trào lưu mới để thu hút giới trẻ thành thị với những công thức pha chế sáng tạo từ trà đen kết hợp trái cây tươi. Với công thức pha chế cá nhân hóa đi kèm quảng cáo tác dụng sức khỏe, các thương hiệu trà mới nổi ở Trung Quốc muốn định hướng loại đồ uống theo cách thời thượng và từ đó tạo nên trào lưu sử dụng lá trà đen để pha trà trân châu và trà trái cây.

Liu Yang, một trong những doanh nhân trẻ sáng sáng lập nên 1 thương hiệu trà trái cây cho giới trẻ ở Trung Quốc, mới đây thậm chí đã gia giảm trà trái cây với quả La Hán và vỏ cam khô để khuếch đại lợi ích sức khỏe của loại đồ uống. Với việc người tiêu dùng trẻ ngày càng quay về với lối sống dưỡng sinh và ưu tiên thực phẩm hữu cơ, Liu dự kiến lượng khách sẽ tăng lên trong tương lai khi hiện đã có khoảng 30% khách hàng trung thành với loại đồ uống mới.

Theo nghiên cứu của iiMedia Research, thị trường trà trái cây của Trung Quốc ước tính đạt khoảng 55 tỷ USD vào năm 2025, với 26,2% người tiêu dùng vào năm 2022 và dự kiến sẽ tiêu thụ nhiều loại đồ uống này nhiều hơn trong tương lai. Do đó, triển vọng thị trường của đồ uống có trà kiểu mới còn rất lớn.

Mùa hè năm nay, trà chanh, trà quất không còn là thức uống được ưa chuộng bậc nhất. Thay vào đó, trà mãng cầu "lên ngôi".
Mùa hè năm nay, trà chanh, trà quất không còn là thức uống được ưa chuộng bậc nhất. Thay vào đó, trà mãng cầu "lên ngôi".

Tại Việt Nam, trước khi thành “trend”, trà mãng cầu, trà dâu, trà ổi hồng hay trà dưa lưới... cũng từng bị thị trường hoài nghi về hương vị, cách pha chế. Thế rồi, cũng không cần tốn quá nhiều thời gian chứng minh trên thị trường nước giải nhiệt vốn đa dạng, nhiều cái tên trà mới đã tìm được vị thế trong lòng những khách hàng trẻ tuổi.

Nhiều thực khách Gen Z khi được hỏi cho biết có nhiều lý do để chọn trà trái cây làm thức uống giải khát hàng đầu. Đó là khi so giá một ly trà sữa của các thương hiệu có chút tiếng tăm tại TP.HCM hay ở Hà Nội, mức giá trung bình khoảng 60.000 đồng/ly, thì một ly trà trái cây có giá rẻ hơn khá nhiều, vào khoảng 40.000 đồng. Ngoài ra, việc các loại trà đang là “trend” hiện nay được pha chế thủ công từ nhiều nguyên liệu sẵn có là trái cây trong nước cũng giúp họ thấy an tâm hơn khi uống.