09:54 25/09/2024

Hành trình "xanh hóa" của các doanh nghiệp F&B Việt

Lưu Hà

Mở rộng thị trường mới là một trong những chiến lược để phục hồi của ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đi kèm với yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng mô hình sản xuất bền vững hơn…

Ảnh: VNR500
Ảnh: VNR500

Theo khảo sát từ tháng 8/2023 - 8/2024 trong báo cáo mới nhất của Vietnam Report về ngành Thực phẩm - Đồ uống (F&B), 62,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành F&B sẽ tăng trưởng từ 5 - 10% trong năm nay. Bộ Công Thương dự báo doanh thu ngành F&B sẽ tăng trưởng 10,92% vào năm 2024, đạt hơn 720.000 tỷ đồng.

BỀN VỮNG LÀ TRỌNG TÂM CHIẾN LƯỢC KINH DOANH

Tiềm năng tăng trưởng lớn, thế nhưng ngành F&B cũng là ngành tạo ra phát thải không nhỏ. Theo số liệu được chia sẻ từ hội thảo “Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất F&B”, phát thải từ ngành F&B chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu, con số này có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2050. Nhận thức rõ những điều này, không ít doanh nghiệp trong ngành F&B của Việt Nam đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để xanh hoá, phát triển bền vững.

Theo kết quả khảo sát, 72,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng là một trong những khó khăn lớn nhất trong năm nay. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến giá cả hay chất lượng sản phẩm mà còn đặt nặng yếu tố bền vững, an toàn cho sức khỏe và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Họ có xu hướng ưu tiên các sản phẩm xanh, hữu cơ, và có nguồn gốc rõ ràng.

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp F&B, tháng 08/2022-08/2024, của Vietnam Report.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp F&B, tháng 08/2022-08/2024, của Vietnam Report.

Do đó, 66,7% số doanh nghiệp F&B tham gia khảo sát cho rằng, việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Khoảng 71,2% số doanh nghiệp cho rằng việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị thương hiệu của mình.

Khi các yếu tố thúc đẩy xanh hóa ngày càng tăng, 92,6% doanh nghiệp F&B khẳng định phát triển bền vững có nằm trong trọng tâm chiến lược kinh doanh năm 2024. Hiện tại, 83,3% doanh nghiệp cho biết đã và đang trong quá trình lập kế hoạch và triển khai cam kết ESG như một công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Một tín hiệu tích cực là tỷ lệ thực sự bắt tay hành động để triển khai một phần hoặc toàn diện cam kết ESG chiếm phần lớn trong số này (55,0%).

Đáng chú ý, trong 3 khía cạnh của ESG, khía cạnh Môi trường là yếu tố được các doanh nghiệp thực F&B quan tâm nhất, liên quan đến đặc thù ngành và áp lực từ người tiêu dùng. Có tới 92,1% người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến mức độ thân thiện với môi trường của bao bì sản phẩm (tăng 12,5% so với năm 2023).

Điều này đã tạo ra áp lực đáng kể, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược bao bì để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tính bền vững. Thực tế, 75,0% doanh nghiệp đã và đang chủ động chuyển đổi sang sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường như một phần trong chiến lược dài hạn của họ.

Ngoài việc chuyển đổi sang bao bì thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp F&B cũng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo nhằm xây dựng một chuỗi sản xuất bền vững toàn diện. Việc sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên như năng lượng mặt trời không chỉ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn tối ưu hóa chi phí vận hành trong dài hạn. Nhiều nhà máy sản xuất đã lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái nhà xưởng, cung cấp năng lượng cho toàn bộ nhà máy sản xuất.

75,0% doanh nghiệp đã và đang chủ động chuyển đổi sang sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường như một phần trong chiến lược dài hạn.
75,0% doanh nghiệp đã và đang chủ động chuyển đổi sang sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường như một phần trong chiến lược dài hạn.

ĐỂ PHÁT HUY TIỀM NĂNG LÂU DÀI

Tại hội thảo "Ngành F&B Việt Nam: Nội lực bền cùng tiềm năng lớn" vừa tổ chức tại TP.HCM, ông Taku Tanaka, CEO và đồng sáng lập của KAMEREO, một nền tảng B2B cung cấp thực phẩm tại Việt Nam, chia sẻ ông tin vào tiềm năng lâu dài của ngành F&B khi nhiều thương hiệu quốc tế hiện đang tìm cách mở rộng tại Việt Nam. “Tôi có liên hệ với các công ty F&B lớn của Nhật Bản, và nhận thấy họ đang tìm nhiều địa điểm để mở cửa hàng. Họ đang cân nhắc mở 50, thậm chí 100 cửa hàng trong vòng mười năm tới vì họ có niềm tin lâu dài vào thị trường này”, ông Taku Tanaka nói.

Trước đó, tại buổi lễ ra mắt chiến dịch “Made with Care” 2024, ông Scott James, Tổng lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam nhận định, 12 thương hiệu New Zealand thông qua các sự kiện bán lẻ thực phẩm và đồ uống cũng muốn đưa các dòng sản phẩm an toàn, dinh dưỡng và tốt cho sức khoẻ đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam.

“Trong năm 2024 này, chúng tôi sẽ tập trung vào các cửa hàng, siêu thị như mà Lotte Mart. Chúng tôi sẽ nhờ các bạn streamer, các bạn sáng tạo nội dung để có thể truyền tải câu chuyện đến người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn thông qua các nền tảng xã hội như là Tik tok, Facebook...”, vị tham tán thương mại nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của Euromonitor International, ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam được xếp vào một trong các thị trường hấp dẫn nhất trên toàn cầu, và đứng thứ 10 Châu Á. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống của người Việt chiếm tỷ trọng thu nhập cao (khoảng 35%), và những người tiêu dùng này ngày càng giàu lên.

Báo cáo gần đây cho thấy, ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021 - 2026, và Chính phủ lựa chọn đây là một trong những nhóm ngành công nghiệp chủ lực cần được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025-2035.

Ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam được xếp vào một trong các thị trường hấp dẫn nhất trên toàn cầu, và đứng thứ 10 Châu Á.
Ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam được xếp vào một trong các thị trường hấp dẫn nhất trên toàn cầu, và đứng thứ 10 Châu Á.

Dù vậy, bàn luận tại Diễn đàn CEO: “Phá vỡ rào cản và mở rộng thị trường ngành F&B” diễn ra hồi đầu năm, ThS Đặng Bùi Khuê, chuyên gia tư vấn cấp cao F&B, chuyên gia tiêu chuẩn phát triển bền vững, Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Vietnam (BV), cho rằng việc tiếp cận thông tin về các quy định, yêu cầu mới của doanh nghiệp chưa cao, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Mặc dù đã có các chương trình giúp doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững nhưng một số doanh nghiệp ngành F&B còn chưa tiếp cận được. Doanh nghiệp chỉ dừng lại ở công đoạn kiểm kê khí nhà kính, tức chưa thực hiện việc kiểm kê khí thải carbon”, ông Đặng Bùi Khuê chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lâm Tố Trinh, Phó tổng giám đốc Đổi mới sáng tạo và Phát triển kinh doanh của Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam cho rằng, muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp chỉ có con đường “xanh hóa” sản xuất, xa hơn là mục tiêu tiến đến xu hướng Net zero. “Việc vận hành nhà xưởng hiệu quả sẽ giúp đơn vị tiết kiệm được năng lượng vận hành và tạo môi trường làm việc tốt hơn cho nhân viên”, bà Lâm Tố Trinh chia sẻ.

Đây là cũng nhận định của bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu  Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) khi cho rằng công nghệ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển và bắt kịp với bối cảnh xanh hóa, bền vững hiện nay. “Con đường để chinh phục được các nhà xuất khẩu đang còn dài và nếu đơn vị nào đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững thì sẽ có cơ hội lớn trong việc đưa hàng hóa gia nhập với thị trường các nước”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.