Hà Nội mở rộng sản phẩm du lịch đường sông
Du lịch đường sông đã nổi lên như một trong các loại hình du lịch quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Gắn liền với sông nước, du khách có thể trải nghiệm từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch di sản văn hóa...
Việt Nam có mạng lưới sông ngòi phong phú, trải dài từ miền Bắc đến miền Nam, tạo nên những tuyến du lịch đường sông đa dạng và độc đáo. Ở miền Bắc, hệ thống sông Hồng không chỉ đóng vai trò là tuyến giao thông quan trọng mà còn là điểm đến hấp dẫn với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, làng cổ ven sông.
Trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã định hướng, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Để hiện thực hóa định hướng này, việc khai thác, phát triển tuyến du lịch sông Hồng cùng những sản phẩm du lịch mới ở hai bên bờ sông là giải pháp cần thiết, góp phần đưa du lịch sông Hồng trở thành sản phẩm mang thương hiệu Thủ đô.
TIỀM NĂNG TỪ “SÔNG MẸ”
Sông Hồng có tổng chiều dài 556 km, trong đó đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 160km, đi qua địa bàn 15 quận, huyện, với gần 30 di tích lịch sử, văn hóa. Có thể kể đến đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm); đền Ghềnh, đền Rừng (quận Long Biên); làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); đền Dầm, đền Đại Lộ (huyện Thường Tín)... Cùng với đó là cây cầu Long Biên cổ kính hơn 100 tuổi, cầu Nhật Tân, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì... và nhiều làng chài, trang trại, vườn ven sông hấp dẫn du khách.
Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành nên tuyến du lịch sông Hồng đã được Xí nghiệp Đầu tư và phát triển Du lịch sông Hồng (thuộc Công ty Cổ phần Thăng Long GTC) khai thác gần 30 năm qua. Từ chỗ ban đầu chỉ có 1 tuyến mang tên “Ấn tượng sông Hồng”, hiện Xí nghiệp đã có thêm 5 chương trình đi từ Hà Nội tới Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam với nhiều điểm tham quan nổi tiếng. Ngoài ra còn có các chương trình dọc sông được thiết kế riêng theo nhu cầu khách hàng hay tour dành cho học sinh.
Tháng 10/2023, Xí nghiệp đầu tư thêm du thuyền Thăng Long Victory có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại nhất Hà Nội hiện nay. Cuối tháng 3/2024, Xí nghiệp đưa vào hoạt động chương trình “Những cây cầu hạnh phúc”. Hành trình bắt đầu vào lúc hoàng hôn và kết thúc sau 3 giờ, đưa du khách đi thưởng ngoạn cảnh sắc hai bên bờ sông vào buổi chiều tối, qua các cây cầu Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân và được phục vụ bữa tối, thưởng thức âm nhạc, giao lưu văn nghệ…
Nói về tiềm năng phát triển tuyến du lịch sông Hồng, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á (ATI) đánh giá: Tuyến du lịch sông Hồng là một sản phẩm hấp dẫn không chỉ với khách du lịch trong nước, mà cả khách quốc tế. "Nếu biết cách làm, sản phẩm này có nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt với đối tượng khách nước ngoài lớn tuổi đến từ thị trường châu Âu. Họ rất thích những trải nghiệm hướng đến các cảnh quan thiên nhiên và các hoạt động khám phá văn hóa bản địa,” ông Phạm Hải Quỳnh nói.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, bà Dương Thanh Hằng, Giám đốc Công ty Du lịch Sunsmiletravel, cho rằng tham gia tour du lịch đường sông thú vị nhất là vừa được ngắm cảnh, tham quan đình, chùa dọc hai bên bờ vừa có thể được khám phá, trải nghiệm làng nghề, du lịch nông thôn, du khách cũng có thể dùng bữa hoặc tận hưởng dịch vụ spa trên tàu, hoặc tàu dừng ở đâu đó cho du khách khám phá du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm… Đây là những ưu thế khác hẳn với tour đường bộ”.
NHỮNG Ý KIẾN CHUYÊN GIA
Nhờ vẻ đẹp độc đáo cùng những tiềm năng đem lại trải nghiệm phong phú, năm 2019, tờ Daily Mail (Anh) đã bình chọn sông Hồng là một trong 8 địa điểm du thuyền trên sông tuyệt nhất thế giới. Tuy nhiên, việc thiếu những hoạt động trải nghiệm gắn kết với các điểm đến là một trong những nguyên nhân khiến du lịch sông Hồng kém sức hấp dẫn.
Các chương trình hiện nay chủ yếu dừng ở việc tham quan đình, đền, chùa mà chưa có các sản phẩm du lịch trải nghiệm thu hút được người trẻ. Tại nhiều điểm đến, sự thiếu vắng các mặt hàng lưu niệm hay sản vật địa phương khiến du khách không có cơ hội chi tiêu...
Bên cạnh đó, nguyên nhân chính “kéo lùi” sự phát triển của du lịch sông Hồng được chỉ ra là do thiếu trầm trọng hệ thống bến cảng. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và phát triển Du lịch sông Hồng, chia sẻ: “Hai bên bờ sông Hồng dọc theo tuyến điểm đơn vị khai thác có rất ít bến thủy nội địa đáp ứng tiêu chuẩn đón khách du lịch. Ngay như bến Chương Dương - điểm đỗ của Xí nghiệp, xung quanh là khu vực sinh sống của người dân làng chài, các nhà thuyền lẫn vào nơi đón khách khiến khu vực bến lộn xộn, môi trường bị ô nhiễm và mất mỹ quan”.
Tại Hội nghị “Kết nối điểm đến du lịch trên dọc tuyến sông Hồng với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội” vừa qua, PGS. TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cùng chung nhận định, mặc dù du thuyền tour sông Hồng đi vào hoạt động từ năm 2004 nhưng không thu hút được lượng du khách như mong muốn. Nguyên nhân là bởi hệ thống giao thông kết nối; hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch đường sông còn chưa được đầu tư đáp ứng được yêu cầu đón du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
“Sự chồng chéo trong các chính sách, quy định về cấp phép, quản lý bến tàu thủy nội địa và phương tiện đường thủy khiến nhiều nhà đầu tư không dám vận hành, khai thác sản phẩm du lịch đường sông tại Hà Nội”, ông Long nhấn mạnh.
Để khắc phục những khó khăn này dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Lữ hành Travelogy Vũ Văn Tuyên hiến kế: “TP Hà Nội nên đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển nhiều điểm đón khách du lịch tại các địa phương dọc theo sông theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, không nên quá phụ thuộc vào một điểm cố định”.
Là đơn vị trực tiếp khai thác tuyến du lịch sông Hồng, bà Minh kiến nghị Thành phố Hà Nội quan tâm hơn đến việc quy hoạch lại khu vực sinh sống cho người dân làng chài ven sông cũng như cộng đồng dân cư hai bên bờ sông Hồng, nhằm đảm bảo an sinh, chia sẻ lợi ích để người dân được hưởng lợi từ du lịch. Ngoài ra, cần xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí trên sông như chèo thuyền kayak, chèo SUP, cắm trại; xây dựng khu trải nghiệm nông nghiệp ven sông; trải nghiệm nghề truyền thống tại các làng nghề...
Trước những ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành, các chuyên gia để xây dựng kế hoạch cụ thể. Hiện Sở Du lịch đã tham mưu UBND TP Hà Nội “hoàn thiện và mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông”.
Cụ thể định hướng phát triển một số sản phẩm du lịch trọng tâm như nâng cấp phát triển tuyến du lịch đường sông, phát triển các hoạt động du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí ven sông… qua đó thu hút các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng, dịch vụ cho loại hình du lịch này.