Hàng loạt dự án bất động sản vào "tầm ngắm" của thanh tra Bộ Xây dựng trong 2020
Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh vấn đề quy hoạch, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng cư dân phản ánh việc liên quan đến phí bảo trì căn hộ nên cần phải thanh tra trong 2020
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa ký ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2020 của Bộ Xây dựng, trong đó tập trung vào một số vấn đề nổi cộm của lĩnh vực bất động sản đang được dư luận quan tâm như quản lý, sử dụng phí bảo trì; quy hoạch các khu đô thị, tuyến đường BT; quản lý sử dụng phí bảo trì chung cư…
Theo đó, trong năm 2020, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tại nhiều khu vực. Trong đó, tại Tp.HCM sẽ thanh tra khu vực hai bên tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh, trong khi tại Hà Nội là tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính.
Thanh tra Xây dựng cũng sẽ tiến hành thanh tra tại các tỉnh Hòa Bình, Ninh Thuận, Tây Ninh với công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng và một số đồ án quy hoạch, thực hiện quản lý theo quy hoạch và một số dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng…
Về nội dụng phí bảo trì chung cư, trong năm tới, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư tại hàng loạt dự án tại Hà Nội, TP.HCM trong đó có nhiều dự án của các "ông lớn" bất động sản.
Trong danh sách này có: Công ty Văn Phú Invest với dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp và nhà ở thấp tầng tại khu đô thị An Hưng, phường La Kê và Dương Nội, Hà Đông, Chung cư Vitoria Hà Đông quận Hà Đông; Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex với dự án Hinode City tại phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông với loạt dự án Intracom Trung Văn, Intracom Cầu Diễn, Intracom Riverside tại Vĩnh Ngọc, Đông Anh.
Cùng với đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoàng Thành với các dự án chung cư tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp sông Đà 7 với dự án 90 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân; dự án CT2AB và CT2C Xuân Phương thuộc khu đô thị mới Xuân Phương, Nam Từ Liêm;
Tại Tp.HCM với hàng loạt các tòa chung cư như: Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú); Hoàng Anh River View (Công ty Hoàng Anh Gia Lai); Chung cư Khánh Hội 2 (Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ Khánh Hội); chung cư Morning Start (Công ty Cổ phần Dịch vụ Xây dựng Địa ốc Xanh); chung cư Investco- Babylon (Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển Hồng Hà)…
Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng cư dân phản ánh việc liên quan đến phí bảo trì căn hộ. Có nơi chủ đầu tư thiếu minh bạch, cố tình chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư 2%; một số đối tượng dùng thủ đoạn tham gia vào ban quản trị để chiếm đoạt kinh phí bảo trì 2%. Trong khi số tiền quỹ bảo trì là không hề nhỏ, có chung cư có quỹ bảo trì đến 50-60 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có nơi bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị nhưng lại bị chính ban quản trị một số tòa nhà sử dụng không đúng mục đích hoặc tư lợi cá nhân số tiền này khiến cư dân bức xúc.
Trong khi đó, hiện quy chế và chế tài xử lý liên quan đến phí bảo trì vẫn còn thiếu và yếu.
Bộ Xây dựng cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn số lượng rất lớn chung cư (254/492 chung cư thương mại, chiếm 52%; 33/82 chung cư tái định cư, chiếm 40%) chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó phát sinh 39 trường hợp chung cư thương mại có tranh chấp về kinh phí bảo trì này.