12:09 28/03/2013

Hãng vận tải biển số 1 Trung Quốc lỗ nặng

An Huy

Khoản lỗ này khiến cả những nhà phân tích đã lường trước điều xấu nhất cũng phải cảm thấy bất ngờ

Một con tàu của Cosco - Ảnh: China Daily.<br>
Một con tàu của Cosco - Ảnh: China Daily.<br>
China Cosco Holdings, tập đoàn vận tải biển lớn nhất của Trung Quốc, báo lỗ hơn 1,5 tỷ USD trong năm 2012. Khoản lỗ này khiến cả những nhà phân tích đã lường trước điều xấu nhất cũng phải cảm thấy bất ngờ.

Theo báo Wall Street Journal, Cosco vừa công bố mức lỗ ròng 9,56 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,54 tỷ USD, trong năm ngoái. Trong năm 2011, “đại gia” này đã lỗ 10,45 tỷ USD. Nguyên nhân cho tình trạng thua lỗ tệ hại này mà Cosco đưa ra là thị trường vận tải biển Trung Quốc suy yếu và chi phí nhiên liệu tăng cao.

Tại Trung Quốc, Cosco có số lượng tàu lớn hơn bất kỳ hãng vận tải biển nào khác.

Theo tiêu chuẩn kế toán của Trung Quốc, doanh thu của Cosco đạt mức 76,2 tỷ Nhân dân tệ, tăng 4,6% so với năm 2011.

Trước khi Cosco công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012, nhà phân tích Davin Wu của ngân hàng Credit Suisse đã dự kiến mức thua lỗ 8,6 tỷ Nhân dân tệ. Mức dự báo đồng thuận của thị trường là 7,5 tỷ Nhân dân tệ. Ông Wu cho rằng, Cosco lỗ nặng hơn dự kiến có thể là do hãng này kết thúc sớm một hợp đồng vận tải hàng rời khô.

Khoản thua lỗ “tỷ đô” của Cosco đồng nghĩa với cổ phiếu của hãng này niêm yết tại thị trường Thượng Hải sẽ nhận được sự đối xử đặc biệt theo quy định tại đây. Theo đó, biên độ giao dịch hàng ngày của cổ phiếu một công ty báo lỗ hai năm liên tục sẽ co lại còn 5% từ mức chuẩn 10%. Những công ty báo lỗ 3 năm liên tục sẽ bị đình chỉ niêm yết, còn những công ty lỗ 4 năm không nghỉ sẽ bị hủy niêm yết.

Trong báo cáo tài chính, Chủ tịch Cosco, ông Wei Jiafu đã lên tiếng xin lỗi về kết quả kinh doanh này. “Công ty đã báo một khoản lỗ lớn vì một số lý do bao gồm sự mất cân đối cung cầu vận tải biển, mức giá chở hàng tương đối thấp hơn và chi phí tăng cao hơn”, ông Wei nói, và bổ sung thêm rằng, 2012 là một năm nhiều thách thức.

“Vấn đề đối với nhiều chủ tàu Trung Quốc, bao gồm cả quốc doanh và tư nhân, là họ nhảy vào lĩnh vực vận tải biển ở thời kỳ bong bóng và mua nhiều con tàu đắt tiền”, ông Ralph Leszczynski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc công ty dịch vụ vận tải biển Banchero Costa, nhận định. Cũng theo ông Leszczynski, mức doanh thu phải đạt được để hòa vốn là cao cũng khiến các chủ tàu khó thu hồi vốn đầu tư để trả nợ.

Các mảng kinh doanh thuộc sở hữu quốc doanh trong Cosco bao gồm vận tải container, vận tải hàng rời khô, và vận hành cảng biển.

Chỉ số Baltic Exchange Dry Index, thước đo về giá vận tải các mặt hàng nguyên vật liệu thô bằng đường biển, đồng thời cũng được xem như một “hàn thử biểu” kinh tế, vẫn ở mức thấp trong vòng 1 năm qua. Tháng 9/2012, chỉ số này xuống mức 661 điểm, gần mức thấp kỷ lục 554 điểm vào tháng 7/1986. Gần đây chỉ số này đã tăng lên ngưỡng 931 điểm.

Theo giới phân tích, Cosco tiếp tục đối diện với những áp lực lớn trên thị trường vận tải hàng rời khô (dry-bunk, như xi măng, ngũ cốc, quặng…). Về phần mình, công ty này cũng dự kiến nhu cầu vận tải hàng rời khô sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2013, nhưng kỳ vọng rằng, sự chênh lệch giữa nguồn cung và nhu cầu sẽ thu hẹp.

Đầu tháng này, Cosco tuyên bố sẽ bán lại bộ phận hậu cần (logistics) đang ăn nên làm ra cho tập đoàn mẹ quốc doanh là China Ocean Shipping như một phần trong kế hoạch tái cơ cấu nhằm ngăn chặn tình trạng liên tục thua lỗ. Bộ phận logistics này đóng góp cho Cosco mức lợi nhuận hoạt động 627 triệu USD, tương đương 101 triệu USD trong năm 2011.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, động thái này sẽ không giải quyết được những vấn đề cốt lõi của Cosco, nhất là những vấn đề ở bộ phận vận tải hàng rời khô. Tính đến ngày 31/12 năm ngoái, đội tàu vận tải hàng rời khô của Cosco có tới 332 con tàu.

Hôm thứ Ba tuần này, China Shipping Container Lines Co, một công ty vận tải container đường biển do nhà nước nắm đa số cổ phần của Trung Quốc, đã chuyển từ lỗ sang lãi trong năm 2012 nhờ nhu cầu hồi phục và hãng bán bớt tàu. Lợi nhuận ròng cả năm của công ty này đạt mức 522,69 triệu Nhân dân tệ, so với mức lỗ ròng 2,74 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2011. Doanh thu tăng 15%, đạt 32,58 tỷ Nhân dân tệ.