17:48 09/08/2024

Hơn 800.000 người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp mỗi năm

Phúc Minh

Bình quân mỗi năm, cả nước chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng. Xu hướng số tiền chi cho trợ cấp thất nghiệp năm sau sẽ cao hơn năm trước, vì số người tham gia tăng, và mức đóng - hưởng tăng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu tại báo cáo đánh giá tác động chính sách mới khi sửa Luật Việc làm tới đây.

MỖI NĂM CHI TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP KHOẢNG 10.000 TỶ ĐỒNG

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2015-2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân tăng 6,08%/năm. Tính đến hết năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,6% lực lượng lao động lao động trong độ tuổi.

Cũng trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, cao nhất là năm 2020, có trên 1,087 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6 - 8% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp).

Bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng. Xu hướng số tiền chi cho trợ cấp thất nghiệp năm sau sẽ cao hơn năm trước, vì số người tham gia tăng, mức đóng - hưởng tăng.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số chi trợ cấp thất nghiệp cao phần nào có nguyên nhân chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa thất nghiệp.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay gồm một chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động, đó là chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn về điều kiện hưởng quá chặt chẽ, hiếm khi xảy ra. Do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này. Đến nay, chưa có người sử dụng lao động nào được hỗ trợ chế độ này theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong thời gian đại dịch Covid-19, thực hiện theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ hỗ trợ người lao động, và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với việc nới lỏng các điều kiện, đã hỗ trợ được đối với 66 người sử dụng lao động, để đào tạo cho 8.230 người lao động. Số tiền chi hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 38,87 tỷ đồng.

Trong khi đó, có 4 chế độ hỗ trợ người lao động, là trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Song, phần lớn người lao động chọn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Tính đến hết tháng 3/2024, có trên 14,6 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc sử dụng kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, mặc dù đây là một chế độ của người lao động, nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tư vấn, giới thiệu việc làm.

Cũng tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có trên 261.600 người được hỗ trợ học nghề, số người được hỗ trợ học nghề theo xu hướng cùng với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp, mà chưa có hỗ trợ cho người lao động tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Hơn nữa, hỗ trợ chỉ là học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề, dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề, nhất là với những người không hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu.

BỔ SUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TỪ QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Do đó, với lần sửa Luật Việc làm tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sẽ bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, theo hướng hỗ trợ người sử dụng lao động, và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của chính sách này, bảo đảm thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Người lao động được hỗ trợ, giới thiệu việc làm để giảm nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: N.Dương.
Người lao động được hỗ trợ, giới thiệu việc làm để giảm nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: N.Dương.

Luật dự kiến bổ sung thêm biện pháp để hỗ trợ người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, trong vấn đề tuyển và sử dụng lao động, đặc biệt là đối với nhóm lao động đặc thù.

Theo đó, Luật sẽ sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Đặc biệt, bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cũng sẽ được tăng cường hơn nữa, nhằm khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp.

Đơn cử như: Bổ sung quy định về kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm được lấy từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo giá tư vấn, giới thiệu việc làm.

Bổ sung quy định phạm vi hỗ trợ học nghề, bao gồm các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung quy định hỗ trợ tiền ăn đối với người lao động trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp/hỗ trợ học nghề (bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp/hỗ trợ học nghề)…

Với nhiều giải pháp đặt ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tính toán, khi sửa đổi Luật Việc làm, dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ giảm còn khoảng 6,5% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm, tương ứng mỗi năm giảm khoảng 150.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp.

Năm 2023, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng; số tháng hưởng bình quân là 5 tháng. Như vậy, nếu mức hưởng bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng, số tháng hưởng bình quân khoảng 5 tháng, dự kiến giảm chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 2.625 tỷ đồng, tương ứng khoảng 10% tổng thu bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm.

 

Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024.

Luật sẽ tập trung vào các nhóm chính sách lớn như: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.