Hơn 64% người nhận trợ cấp thất nghiệp không có bằng cấp, chứng chỉ
Người hưởng trợ cấp thất nghiệp không có bằng cấp, chứng chỉ trong quý 4/2023 dù có giảm nhẹ so với quý 3, song nhìn chung vẫn ở mức cao và chiếm số lượng lớn nhất so với các nhóm còn lại, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa công bố bản tin thị trường lao động Việt Nam quý 4/2023, cho thấy số lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp có giảm so với quý trước, song vẫn ở mức cao.
5 NHÓM NGÀNH CÓ SỐ LAO ĐỘNG HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP CAO NHẤT
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động, đã mang lại những kết quả tích cực. Qua đó, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Tình trạng lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023, phần nào kéo giảm tỷ lệ lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong quý 4.
Theo đó, trong quý 4/2023, cả nước có 250.226 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 41.124 người so với quý 3, song nếu so với cùng kỳ năm 2023 thì số này vẫn tăng thêm hơn 36.800 người.
Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 4 là 255.473 người, hơn 5.000 người được hỗ trợ học nghề, trên 609.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Như thường lệ, nhóm lao động không có bằng cấp chứng chỉ vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, chiếm 64,5% (giảm nhẹ so với quý 3 - 65%); 15,4% có trình độ đại học trở lên, tương đương quý 3.
7,5% số người hưởng có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp (tăng nhẹ so với quý 3 - 7%). Nhóm người hưởng có trình độ cao đẳng cũng tăng nhẹ, chiếm 6,5%, trong khi con số này ở quý 3 là 6,3%; nhóm có trình độ trung cấp chiếm trên 6%, tương đương với quý 3.
Xét theo nhóm ngành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống kê có 5 nhóm ngành có số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm hơn 43% trong tổng số đối tượng đăng ký. Bên cạnh đó, là nhóm hoạt động dịch vụ khác; nông nghiệp, lâm nghiệp, và thủy sản; bán buôn và bán bẻ, sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng.
Ở nhóm nghề, thợ may, thêu và các thợ có liên quan có số người đăng ký hưởng cao nhất, chiếm trên 26%, còn lại là một số nhóm nghề như thợ lắp ráp; nhân viên bán hàng; kế toán, thợ hàn.
GIẢI QUYẾT TỐT CHẾ ĐỘ, HỖ TRỢ KỊP THỜI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Tính chung số lao động hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp trong năm 2023, Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trong năm qua, đã có 1.104.217 người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022 (983.810 người).
Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cả năm qua là hơn 1,06 triệu người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 (975.333 người); tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là hơn 2,3 triệu lượt người, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (2.225.758 lượt người).
Để việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu quả, năm qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại 4 Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh Bắc Kạn, Gia Lai, Bình Định, Thái Bình.
Đồng thời, phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra về chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất) về lĩnh vực việc làm, trong đó có chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại một số địa phương, như Thừa Thiên Huế, Hưng Yên và TP. Hải Phòng.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, chú trọng hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên đề về bảo hiểm thất nghiệp cũng được tăng cường, nhằm phát hiện những vấn đề phát sinh, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách; đồng thời phát hiện các hành vi vi phạm để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong quý 1/2024, khoảng 51,7 triệu người có việc làm; tăng thêm 217.000 người so với quý 4. Một số ngành dự báo tăng thêm việc làm, như sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của tình hình thế giới, khu vực; tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư... tiếp tục gặp nhiều thách thức.
Một số ngành dự báo sẽ giảm việc làm như hoạt động xây dựng chuyên dụng, sản xuất thiết bị điện…Tình trạng thiếu việc làm, mất việc vẫn có thể xảy ra.
Vì thế, trong năm nay, việc thực hiện kịp thời chế độ, chính sách đối với người lao động, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương vẫn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên; chú trọng công tác tư vấn, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới để sớm ổn định cuộc sống.